Hoạt động của ngành

Liên kết phát triển du lịch vùng cao Tây Bắc

Cập nhật: 27/02/2017 15:11:52
Số lần đọc: 1320
Năm du lịch quốc gia 2017 - Lào Cai - Tây Bắc đã chính thức khai mạc tại TP Lào Cai với sự tham gia của các tỉnh trong khu vực. Với chủ đề “Sắc màu Tây Bắc”, các chương trình trong năm du lịch mang tính liên kết, tập trung khai thác những tiềm năng, giới thiệu và từng bước tạo dựng những sản phẩm du lịch mang đặc trưng vùng, thu hút du khách.

Khu vực Tây Bắc có nhiều tiềm năng, thế mạnh tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú để phát triển du lịch. Địa hình nơi đây chủ yếu là núi và cao nguyên với cảnh quan hùng vĩ, trải dài và liên tục. Trên các bình độ này là thảm thực vật với hệ sinh thái vô cùng đa dạng, đặc trưng đủ các kiểu loại khí hậu của vùng nhiệt đới với những khu rừng nguyên sinh rậm rạp. Sức hấp dẫn của tự nhiên cùng những cảnh quan do con người tạo nên qua quá trình lao động hàng trăm năm, đã đưa vùng cao Tây Bắc trở nên nổi tiếng trên bản đồ du lịch của Việt Nam và thế giới.

Không chỉ có đỉnh Phan-xi-păng “nóc nhà của Đông Dương” cao 3.143 m trên dãy Hoàng Liên Sơn là niềm khao khát chinh phục của những người yêu thích khám phá, du lịch Tây Bắc còn lôi cuốn nhiều du khách với khu danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải độc đáo, hồ Pá Khoang mênh mông giữa những cánh rừng cổ thụ và thị trấn Sa Pa mơ màng trong mây. Bên cạnh đó là những khu bảo tồn tự nhiên như Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn, rừng Mường Phăng với vô vàn loài động vật, thực vật quý hiếm, là thung lũng Mai Châu êm đềm, thấp thoáng mái nhà sàn bên đồng lúa, vườn cây và cao nguyên Mộc Châu bát ngát trong mầu xanh của những đồi chè, đồi cỏ, tưng bừng hoa ban, hoa mận, hoa đào trong mỗi dịp Xuân về.

Du lịch Tây Bắc hấp dẫn không chỉ bởi thiên nhiên kỳ vĩ, mà còn thu hút du khách bởi những đặc trưng văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Đây là địa bàn định cư và sinh sống từ bao đời nay của đồng bào các dân tộc như: Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Khơ Mú, Lào, Lự, Hà Nhì, Kháng, La Hủ, Si La, Phù Lá, Bố Y, Mảng, Giáy, Xơ Đăng, Lô Lô, Pà Thẻn, Cờ Lao, La Chí…, tạo nên một vùng không gian văn hóa rộng lớn và vô cùng đặc sắc, đa dạng.

 

Điều quan trọng là bản sắc văn hóa các dân tộc vẫn được giữ gìn qua những biến thiên, thăng trầm của lịch sử, thể hiện qua các phong tục, tập quán, các lễ hội, trang phục, nhạc cụ, các điệu dân ca, dân vũ như lễ hội Lồng Tồng, chợ tình Khâu Vai, múa sạp, xòe, hát then, múa khèn và biểu diễn pí cặp, pí sên, khèn môi, trong nét kiến trúc nhà ở, bản làng, những phiên chợ vùng cao nhiều màu sắc và những nét ẩm thực đặc trưng, độc đáo của vùng cao như gà mọ, cá suối nướng úp, xôi ngũ sắc, thịt trâu gác bếp, thắng cố,...

Tây Bắc cũng là nơi ghi dấu những chiến công vang dội trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, thể hiện tình đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tiêu biểu là quần thể di tích chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, là khu di tích lịch sử Mường Phăng, khu di tích quốc gia Căng và đồn Nghĩa Lộ và di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La… Những địa chỉ đỏ, về nguồn, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam và là nơi để khám phá, tìm hiểu lịch sử của các nhà nghiên cứu, du khách nước ngoài.

Tiềm năng tự nhiên và thế mạnh văn hóa lịch sử đã và đang được khai thác trong phát triển du lịch những năm qua giúp tăng lượng khách trong nước và quốc tế đến với Tây Bắc. Tuy nhiên, hoạt động du lịch vẫn chưa thật sự hiệu quả, thiếu tương xứng khi số lượng khách du lịch vẫn chiếm tỷ lệ thấp so với tổng lượng khách du lịch cả nước. Du lịch Tây Bắc vẫn mang tính mùa vụ, tập trung vào dịp lễ hội đầu năm hoặc các dịp kỷ niệm, đồng thời phân bổ không đồng đều giữa các địa phương trong khu vực với lượng khách chủ yếu đến Lào Cai, Sơn La và Hòa Bình. Thời gian lưu trú còn ngắn, trung bình chỉ khoảng 1,5 ngày/khách, trong khi cơ sở hạ tầng lưu trú, đi lại hạn chế và khó khăn, phần lớn là đi theo đường bộ, do đó du lịch nghỉ dưỡng cao cấp cũng ít khách, nguồn thu từ du lịch còn thấp trong cơ cấu kinh tế địa phương.

Để khắc phục các hạn chế, yếu kém nêu trên, liên kết phát triển du lịch như một điểm đến chung là định hướng nhiều năm qua của các tỉnh trong khu vực. Việc cùng nhau tổ chức Năm du lịch quốc gia 2017 - Lào Cai - Tây Bắc cũng nằm trong khuôn khổ hợp tác này. Cùng với việc khắc phục những yếu kém trong đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua việc mời gọi đầu tư, huy động các nguồn vốn tự lực của địa phương và sự hỗ trợ của trung ương, một trong những giải pháp mà du lịch các tỉnh Tây Bắc đang triển khai thực hiện là xây dựng và đưa vào hoạt động các sản phẩm du lịch mang dấu ấn đặc trưng, liên kết của vùng với các điểm nhấn riêng biệt của từng địa phương. Lào Cai tập trung phát triển du lịch thể thao và khám phá mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng với hai thế mạnh là đỉnh Phan-xi-păng và thị trấn Sa Pa bên cạnh việc phát huy các giá trị văn hóa để tạo dựng loại hình du lịch cộng đồng tại các bản văn hóa dân tộc và các phiên chợ vùng cao đặc sắc ở Bắc Hà.

Trong khi đó, Yên Bái có hồ Thác Bà, danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải và vùng văn hóa Nghĩa Lộ - Mường Lò có thể nối tua, tuyến du lịch đến Lào Cai, Phú Thọ đưa khách từ Hà Nội lên, với các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa. Điện Biên, Sơn La tập trung phát triển du lịch về nguồn, thăm lại chiến trường xưa trên cơ sở khai thác các giá trị di tích lịch sử hào hùng và phát triển du lịch sinh thái tại Pá Khoang, Him Lam, Mộc Châu.

Điều thuận lợi và là cơ sở cho sự phát triển, mời gọi đầu tư là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang, tỉnh Điện Biên và Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Với hệ thống đường giao thông từng bước được xây dựng, hiện đại hóa và hình thành tuyến du lịch “Vòng cung Tây Bắc”, Hòa Bình và Lai Châu đang trở thành điểm đến của du lịch văn hóa cộng đồng với nhiều bản làng du lịch nổi tiếng.

Ngoài vùng Mai Châu đã nổi tiếng với các bản văn hóa du lịch Thái, ngành du lịch tỉnh Lai Châu cũng đang tập trung hỗ trợ xây dựng Bản Hon của đồng bào dân tộc Lự, bản Sin Súi Hồ của đồng bào Mông trở thành một điểm đến của du lịch văn hóa cộng đồng từ các mô hình thành công của du lịch bản, làng Tây Bắc. Các chợ phiên Sìn Hồ, San Thàng, lễ hội Hạn Khuống, lễ hội Hoa Ban, ném còn… cũng được mở rộng quảng bá, khai thác du lịch.

Việc liên kết khai thác tiềm năng du lịch giữa các địa phương, các điểm đến trong khu vực Tây Bắc sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch nổi bật và khác biệt, song để hiệu quả hơn, du lịch Tây Bắc cần sự liên kết với các trung tâm du lịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh và liên kết phát triển du lịch tại các tỉnh có cửa khẩu qua biên giới, thu hút khách du lịch từ Trung Quốc, Lào, Thái-lan. Sự liên kết này rất quan trọng, giúp du lịch các tỉnh nâng cao năng lực đón khách, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp và quảng bá, mở rộng thị trường./.

Nguồn: nhandan.com.vn

Cùng chuyên mục