Hoạt động của ngành

Thanh Hóa: Quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển du lịch

Cập nhật: 15/12/2008 08:12:40
Số lần đọc: 2330
Là vùng đất có nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, với nhiều tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, xứ Thanh đang là điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh những tiềm năng do thiên nhiên ưu đãi, mỗi địa danh trên quê hương tỉnh Thanh còn ghi đậm những dấu ấn nhân văn lịch sử, có nền văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú...

Nhận thức được tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch, trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành, khuyến khích các thành phần kinh tế và nhân dân đẩy mạnh phát triển du lịch. Nhờ vậy, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến quan trọng, từng bước xây dựng được hình ảnh và thương hiệu của mình, tạo dựng được một bộ phận khách hàng truyền thống, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo việc làm, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, từng bước tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Theo thống kê của ngành du lịch, lượng khách, doanh thu và nộp ngân sách của ngành du lịch tỉnh trong những năm vừa qua đều đạt khá và cao hơn so với kế hoạch. Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh bình quân hàng năm tăng 42,2%, doanh thu du lịch bình quân tăng 45,5%, trong đó lượng khách quốc tế ước đạt 14 nghìn lượt người, tăng 40,6%.

 

Ông Doãn Văn Phú, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Một trong những nguyên nhân chủ yếu của thành tựu nêu trên xuất phát từ hiệu quả công tác đầu tư hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật và đẩy mạnh quảng bá du lịch. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, hàng năm tỉnh đã quan tâm bố trí từ nguồn ngân sách địa phương và các dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt; lồng ghép việc xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường xúc tiến đầu tư giới thiệu nguồn tiềm năng và các dự án đầu tư phát triển du lịch với các doanh nghiệp, các tập đoàn trong và ngoài nước. Hiện nay, một số khu du lịch trọng điểm của tỉnh đã có sự đầu tư nâng cấp để thu hút khách trong nước và ngoài nước. Hầu hết các khu vực có tài nguyên du lịch giá trị đều đã được quy hoạch. Cơ sở hạ tầng các khu du lịch trọng điểm được cải thiện, nhất là khu du lịch Sầm Sơn, Lam Kinh, Thành nhà Hồ, đền Bà Triệu... Nhiều di tích lịch sử văn hóa quan trọng được trùng tu, tôn tạo, thu hút ngày càng nhiều du khách. Hàng loạt khu du lịch sinh thái, du lịch lễ hội, văn hóa - lịch sử được đầu tư. Nhiều doanh nghiệp đã liên kết đầu tư các khách sạn, khu vui chơi, nghỉ dưỡng cao cấp, chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch, khai thác thế mạnh về di tích lịch sử, văn hóa xã hội, làng nghề gắn kết với du lịch. Các cơ sở lưu trú phát triển cả về số lượng và chất lượng, hiện nay toàn tỉnh đã có 446 cơ sở lưu trú, trong đó có 36 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 4 sao. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, với tổng số vốn trên 300 tỷ đồng; 22 dự án kinh doanh du lịch đã được cấp phép đầu tư với tổng dự toán lên 3.000 tỷ đồng,  chủ yếu tập trung tại các khu: Nam Sầm Sơn; Hải Hòa, Hải Tiến và Sầm Sơn;  trong đó có những dự án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế như dự án khách sạn cao cấp Vạn Chài (Công ty TNHH ABM-Việt Nam) với vốn đầu tư 112 tỷ đồng; dự án tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng biển Hải Hòa (Công ty cổ phần Hiền Đức) với tổng vốn lên đến gần 500 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, nhiều thế mạnh du lịch ở các địa phương hiện nay vẫn còn ở dạng tiềm năng, chưa có quy hoạch đầu tư đúng mức. Chất lượng quy hoạch nhiều nơi vẫn chưa bảo đảm theo yêu cầu, không hợp với ý đồ của các nhà đầu tư. Công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch còn nhiều bất cập. Hầu hết những khu du lịch đã được phê duyệt quy hoạch không có ban quản lý để thực hiện việc giám sát, quản lý, xây dựng, dẫn đến một số dự án kinh doanh du lịch triển khai chưa bám sát nội dung quy hoạch đã được phê duyệt. Nguồn vốn Trung ương và địa phương hỗ trợ chưa đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Công tác kêu gọi đầu tư, môi trường đầu tư phát triển du lịch chưa tốt. Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn mất cân đối, chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú. Tiến độ các dự án đầu tư kinh doanh du lịch còn chậm, do năng lực tài chính của một số nhà đầu tư không bảo đảm dẫn đến ngày càng nhiều dự án treo, gây lãng phí và khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước về đầu tư. Các dự án đầu tư chủ yếu tập trung vào các khu du lịch biển, trong khi du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng chưa được quan tâm.

 

Với mục tiêu phấn đấu đưa xứ Thanh trở thành địa bàn trọng điểm du lịch quốc gia vào năm 2010, ngành du lịch đang tập trung đẩy nhanh công tác quy hoạch, lựa chọn một số dự án đầu tư trọng điểm về kết cấu hạ tầng du lịch, trong đó đầu tư xây dựng các dự án phát triển các điểm du lịch, khu du lịch, khai thác các giá trị nhân văn và tài nguyên tự nhiên, tạo nên sự đa dạng về các sản phẩm du lịch mà du lịch văn hóa được coi là xương sống, là điểm nhấn của tour du lịch về xứ Thanh đặc biệt được quan tâm. Thực hiện điều chỉnh và bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thanh đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, theo hướng mở rộng không gian phát triển du lịch, khai thác thế mạnh về biển đảo và miền núi. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng các khu du lịch biển có thế mạnh, các khu thuộc địa bàn trọng điểm phát triển du lịch quốc gia, công trình di tích văn hóa - lịch sử... để tạo các điểm nhấn hấp dẫn, ấn tượng như: đô thị du lịch Sầm Sơn; Khu Du lịch Hải Tiến, Hải Hòa; Khu Du lịch Văn hóa Hàm Rồng; Khu Di tích Thành nhà Hồ; Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, suối cá Cẩm Lương,  Khu Du lịch Bến En... Phấn đấu đến năm 2010 đón được 2.750.000 lượt khách, trong đó có 50.000 lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch đạt 1.000 tỷ đồng, đồng thời xây dựng được một thương hiệu mạnh về du lịch xứ Thanh.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục