Hoạt động của ngành

Để phát huy tiềm năng du lịch xứ Lạng

Cập nhật: 10/12/2008 09:12:42
Số lần đọc: 1865
Trải qua hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Lạng Sơn đã nỗ lực tìm cách khai thác những lợi thế so sánh của mình để phát triển ngành du lịch.

Lạng Sơn có đường biên giới với Trung Quốc dài 253 km, lại có nhiều cửa khẩu quốc gia, quốc tế, chợ đường biên, đường giao thông thuận lợi. Hơn nữa, trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng từ xa xưa, trong đó tập trung chủ yếu ở các địa bàn trung tâm. Đây là tiền đề rất quan trọng để Xứ Lạng tăng tốc phát triển ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng như mục tiêu của tỉnh đã đề ra. Tuy nhiên, cho đến nay, việc khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế này còn nhiều khó khăn, vướng mắc.


Do có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch, những năm gần đây du khách đến với Lạng Sơn ngày một tăng. Từ năm 2000 đến 2007, mỗi năm tỉnh ta đã đón trên 1 triệu lượt khách, bình quân tăng trên 20%/năm. Riêng 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thu hút trên 1,3 triệu lượt khách, tăng 39,6% cùng kỳ, doanh thu du lịch xã hội 383,3 tỷ đồng, tăng 23,8%  so với cùng kỳ 2007.

    
Với mục tiêu phấn đấu phát triển mạnh du lịch - dịch vụ vào năm 2010, từ năm 2000 đến nay, trên cơ sở các dự án qui hoạch đã phê duyệt, tỉnh ta đã triển khai thực hiện 11 dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật vào một số khu, điểm du lịch trọng điểm với tổng mức đầu tư 109 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư trong lĩnh vực giao thông 55 tỷ đồng, chiếm 52%, hạ tầng khác chiếm 48%. Khu du lịch Mẫu Sơn đã triển khai 3 dự án về đường, điện, nước, trong đó đã hoàn thành 2 dự án đường, điện đưa vào sử dựng; có 16 cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng mới.


Tại khu du lích Thành nhà Mạc đã triển khai dự án đầu tư xây dựng và hoàn thành cơ bản các hạng mục về đường, điện, nước với tổng số vốn đầu tư 3 tỷ đồng. Đối với dự án Công viên Hồ Phai Loạn và các hang động Nhị Thanh, Tam Thanh, hang Gió, tỉnh đã hỗ trợ một phần ngân sách để đầu tư tôn tạo về hạ tầng cơ sở. Từ năm 2000 đến nay, cả tỉnh có 39 công trình khách sạn, nhà hàng dược đầu tư xây dựng mới với tổng vốn 113 tỷ đồng, chủ yếu bằng nguồn vốn do các doanh nghiệp tự huy động. Đến nay, toàn tỉnh có 102 cơ sở lưu trú, trong đó có 16 khách sạn được xếp hạng từ 1 đến 2 sao, với 1.498 phòng, 2.685 giường. Hệ số sử dụng buồng, giường bình quân 30 - 40%. Toàn tỉnh có 9 đơn vị được Tổng cục Du lịch cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế với 48 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ. Hàng năm, tỉnh cũng đã dành một khoản ngân sách nhất định để hỗ trợ xúc tiến du lịch, tổ chức các lễ hội văn hóa du lịch, lễ hội truyền thống, tổ chức các đoàn đi tham gia hội thảo du lịch...

           
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai chương trình du lịch ở tỉnh ta vẫn còn không ít hạn chế, đó là: chất lượng quy hoạch nhiều nơi vẫn chưa bảo đảm theo yêu cầu, không hợp với ý đồ của các nhà đầu tư; Công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch còn nhiều bất cập; sản phẩm du lịch nghèo nàn, chưa tạo được nét đặc sắc của du lịch Lạng Sơn; hoạt động xúc tiến du lịch triển khai chậm; trình độ chuyên môn của lực lượng lao động trong ngành du lịch còn nhiều bất cập. Trong 996 người tham gia hoạt động, công tác trong ngành du lịch, mới chỉ có 8,8% có trình độ đại học và trên đại học; trong khi đó, số chưa qua đào tạo chiếm tới 50%; công tác kêu gọi đầu tư, môi trường đầu tư phát triển du lịch chưa tốt. Công tác tu bổ, tôn tạo các di tích còn chậm, chưa phát huy được giá trị của di tích...  

     
Để ngành du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, tỉnh ta đã và đang tập trung triển khai thực hiện các đề án về qui hoạch tổng thể, qui hoạch các khu, các điểm du lịch và các ngành nghề truyền thống của tỉnh; đồng thời, tập trung nguồn vốn đầu tư hạ tầng tại các khu du lịch trọng tâm, tôn tạo các di tích quan trọng; ban hành cơ chế khuyến khích phát triển du lịch nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh du lịch Xứ Lạng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng kiến thức về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ làm du lịch.

Nguồn: Báo Lạng Sơn

Cùng chuyên mục