Hoạt động của ngành

Đắk Lắk: Bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2016-2020

Cập nhật: 16/11/2016 09:05:15
Số lần đọc: 1137
Nhằm bảo tồn và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa cồng chiêng, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2016-2020.


Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Nguồn: vietnamtourism.com

Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Nguồn: vietnamtourism.com - See more at: http://cinet.vn/articledetail.aspx?articleid=30419&sitepageid=415#sthash.dOjz4rsw.dpuf

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Nghị quyết là cấp trang phục và hỗ trợ kinh phí cho 75 đội chiêng, đội văn nghệ có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng; phấn đấu có trên 70% buôn đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn toàn tỉnh có cồng chiêng; hoàn thành nội dung về thống kê, sưu tầm các bài chiêng cổ, số lượng nghệ nhân truyền dạy, số lượng cồng chiêng; 100% các huyện, thị xã, thành phố được tổ chức các lớp truyền dạy về cách đánh cồng chiêng và chỉnh chiêng; 100% trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh được phổ biến kiến thức và tổ chức sinh hoạt ngoại khóa về văn hóa cồng chiêng...

Ngoài ra, để góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa của cồng chiêng, Nghị quyết cũng đề ra các hoạt động chính như: mở lớp dạy đánh cồng chiêng, truyền dạy chỉnh chiêng; mở lớp truyền dạy dân ca, dân vũ; mở lớp truyền dạy sử thi; phục dựng một số lễ hội truyền thống có nguy cơ mai một của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ; phối hợp với các địa phương triển khai chính sách tôn vinh, đãi ngộ, khuyến khích các cá nhân, tập thể tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hoá truyền thống, thống kê, sưu tầm, ghi chép lưu giữ các bài chiêng cổ trong các nghi lễ của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ…

Sau khi UNESCO công nhận Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng xây dựng và thực hiện đề án bảo tồn di sản này. Đến nay, qua 2 giai đoạn bảo tồn (2007-2010) và (2012-2015) với kinh phí hơn 55 tỷ đồng đã đem lại những hiệu quả thiết thực, góp phần giáo dục ý thức, trách nhiệm cho cộng đồng về việc giữ gìn di sản văn hóa truyền thống của dân tộc trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế./.

T.T (Tổng hợp: baodaklak.vn,baogialai.com)

Nguồn: Cinet.vn

Cùng chuyên mục