Hoạt động của ngành

Quảng Ninh chú trọng đến chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch

Cập nhật: 14/06/2016 08:43:51
Số lần đọc: 872
Khi đi du lịch, du khách không chỉ tham quan mà còn muốn tìm hiểu, khám phá những văn hoá, phong tục tập quán tại các điểm du lịch. Chính vì vậy, hướng dẫn viên du lịch (HDVDL) đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh, văn hoá, lịch sử địa phương đến với du khách, góp phần không nhỏ đến sự phát triển du lịch của địa phương.


Hướng dẫn viên du lịch tại khu du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều) giới thiệu về lịch sử, văn hoá và các hoạt động trải nghiệm tại đây. Ảnh: Nguyễn Thanh Tùng (Đài Đông Triều)

Quảng Ninh một trong những trung tâm du lịch của cả nước với nhiều di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, khu di tích lịch sử Bạch Đằng… Đặc biệt là Vịnh Hạ Long, di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới đón khoảng 2,5 triệu lượt khách/năm đến tham quan, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng trên 2/3 tổng lượng khách. Sự tăng trưởng về số lượng khách du lịch kéo theo nhu cầu được hướng dẫn, thuyết minh về điểm đến này ngày càng lớn. Tuy nhiên, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long mới có 30 HDVDL, chỉ đáp ứng được phần nhỏ của du khách ở một số hang động và điểm tham quan trên Vịnh. Còn các tàu du lịch tham quan Vịnh Hạ Long chủ yếu do đội ngũ HDVDL của các công ty lữ hành đảm nhiệm. Song thực tế, đội ngũ HDVDL này có người được đào tạo bài bản tại các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc nhưng lại bị hạn chế về vốn ngoại ngữ, do đó việc truyền tải, quảng bá những giá trị văn hoá, di tích thắng cảnh đến du khách quốc tế khó khăn. Để khắc phục tình trạng đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã tuyển người biết ngoại ngữ mình cần, sau đó đào tạo, bồi dưỡng kiến thức du lịch và kỹ năng làm HDVDL. Mặc dù vậy, thực trạng HDVDL không đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch vẫn không được giải quyết, bởi thông thạo ngoại ngữ nhưng đội ngũ chưa có được các kĩ năng nghiệp vụ hướng dẫn một cách bài bản. Cùng với đó vẫn còn tình trạng, HDVDL nước ngoài hoạt động “chui” và việc chấn chỉnh là câu chuyện không đơn giản. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc truyền tải thông tin về giá trị cảnh quan, giá trị nhân văn của các điểm du lịch, cũng như kĩ năng nghiệp vụ hướng dẫn cần thiết trong việc tổ chức, quản lý đoàn khách và tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của địa phương tới du khách.

Du lịch đã và đang là ngành “Công nghiệp không khói” góp phần đáng kể vào sự phát triển của tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm, đồng thời quảng bá, giới thiệu về Quảng Ninh đến bạn bè trong và ngoài nước, mở ra những cơ hội tìm kiếm đầu tư. Trong 5 tháng năm 2016, doanh thu từ hoạt động du lịch của tỉnh đạt 5.933 tỷ đồng, với 4,8 triệu lượt khách, dự kiến hết năm 2016 đạt 8.000 tỷ đồng, với 8 triệu lượt khách, trong đó 3 triệu lượt khách quốc tế. Một trong những nhiệm vụ cấp bách của ngành Du lịch được xác định là phải tập trung làm chuyển biến tích cực trong thời gian tới đó là nâng cao chất lượng đội ngũ HDVDL. Theo đó, ngành Du lịch Quảng Ninh cần định hướng đúng, rõ ràng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực hướng dẫn du lịch cho từng giai đoạn, nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo HDVDL tại Quảng Ninh, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và ngoại ngữ cho HDVDL; kĩ năng giao tiếp, đạo đức nghề nghiệp.

Tiến sĩ Phan Thị Huệ, Trường Đại học Hạ Long chia sẻ, HDVDL như đại sứ văn hoá cho một quốc gia chứ không đơn thuần là người giới thiệu điểm đến. Vì vậy, họ cần phải nắm chắc kiến thức các môn khoa học về lịch sử, địa lý, văn hoá, kiến trúc, chính trị... Hiểu biết về hầu hết mọi mặt của cuộc sống và nắm được những thông tin mới nhất, đồng thời có khả năng ngoại ngữ, từ đó mới có thể thuyết minh tốt. Để nâng cao chất lượng đội ngũ HDVDL tại Quảng Ninh, Trường Đại học Hạ Long đã xây dựng giáo trình điện tử “Di tích và danh thắng tiêu biểu Quảng Ninh” với lời dẫn, hình ảnh và phim minh hoạ. Giáo trình đã cung cấp thông tin khái quát về các tuyến, điểm du lịch của Quảng Ninh, như kiến thức cơ bản về nguồn gốc, đặc điểm, giá trị của các loại hình di tích (khảo cổ, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh thắng). Qua đó, người học và những người quan tâm hiểu hơn về lịch sử, văn hoá, về vùng đất và con người Quảng Ninh. Bên cạnh đó, trường đã thực hiện một cuốn cẩm nang dành cho HDVDL về các điểm du lịch tại Quảng Ninh nhằm cung cấp cho HDVDL về nguồn gốc, giá trị của điểm di tích, danh thắng, các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, vận chuyển, đặc sản địa phương...

Để có một đội ngũ HDVDL có trình độ nghiệp vụ cao, ngoại ngữ giỏi, am hiểu lịch sử, văn hoá dân tộc, đòi hỏi phải có sự hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa ngành du lịch, các cơ sở đào tạo, các địa phương và doanh nghiệp du lịch. Một yếu tố nữa không thể thiếu đối với mỗi HDVDL đó là lòng yêu nghề. Lòng yêu nghề sẽ là động lực thúc đẩy thường xuyên họ cập nhật kiến thức, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ cũng như các kĩ năng cần thiết trong nghề nghiệp, đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành du lịch trong thời kì hội nhập quốc tế./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục