Hoạt động của ngành

Tổ chức “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm năm 2016 tại An Giang”

Cập nhật: 04/05/2016 08:31:55
Số lần đọc: 1097
Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào Chăm năm 2016 tại An Giang sẽ là một sự kiện văn hóa quy mô lớn được tổ chức trong tháng 7/2016.

Ảnh: Internet
 
Theo kế hoạch số 1442/KH-BVHTTDL ngày 27 tháng 4 năm 2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào Chăm năm 2016 nhằm đẩy mạnh sự đoàn kết, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trong đồng bào Chăm; Chào mừng các ngày lễ lớn năm 2016, chào mừng thành công của Đại hội Đảng lần thứ XII, và kết quả bầu cử Quốc hội khóa 14 và Hội đồng nhân dân các cấp. Thông qua các hoạt động của Ngày hội là dịp tôn vinh, quảng bá giá trị văn hóa của đồng bào Chăm với cả nước và bạn bè quốc tế; Thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa của đồng bào Chăm trong xu thế hội nhập.

Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy Văn hóa dân tộc Chăm trong công cuộc phát triển bền vững đất nước”, Ngày hội có sự tham gia của 11 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang và TP. Hồ Chí Minh.

Thời gian tổ chức trong 03 ngày từ ngày 15-17/7/2016, với các hoạt động sau:
Biểu diễn nghệ thuật truyền thống: Mỗi đoàn xây dựng một chương trình dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống (các tiết mục đã tham gia biểu diễn tại Ngày hội trước đây phải được dàn dựng, thể hiện, chỉnh sửa, nâng cao chất lượng nghệ thuật). Các tiết mục được thể hiện bằng tiếng phổ thông (Việt) và tiếng Chăm.

Giới thiệu trích đoạn lễ hội dẫn gian: Yêu cầu lễ hội phải mô phỏng khái quát đặc trưng văn hóa tín ngưỡng dân gian, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc Chăm; phát huy các yếu tố tích cực và loại bỏ yếu tố tiêu cực, lạc hậu, không còn phù hợp với đời sống văn hóa hiện nay. Khuyến khích các đoàn giới thiệu lễ hội mới sưu tầm và thể hiện lần đầu. Nếu là lễ hội đã từng tham gia các ngày hội trước đây cần dàn dựng, bổ sung yếu tố mới, nâng cao chất lượng nghệ thuật.

Trình diễn, giới thiệu trang phục truyền thống: Giới thiệu trang phục đời thường, lễ hội, lễ cưới.

Giới thiệu Văn hóa Ẩm thự: Giới thiệu đồ ăn, thức uống, cách bảo quản, chế biến, thưởng thức gắn với phong tục tập quán văn hóa ấm thực của người Chăm ở mỗi địa phương.

Triển lãm chung: giới thiệu “Văn hóa các dân tộc Việt Nam với việc đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước” thông qua các hình ảnh, hiện vật, trang phục, nhạc cụ dân tộc và các sản phấm văn hóa dân tộc tiêu biểu. Tại khu triển lãm của các tỉnh, thành phố sẽ trưng bày: Bảng trích biểu đồ, mô hình hiện vật, hình ảnh, nhạc cụ, trang phục dân tộc, tranh ảnh, sách, đồ thủ công mỹ nghệ, mô hình kiến trúc,... hoặc theo nội dung chuyên đề, phản ánh sâu sắc đời sống văn hóa của đồng bào Chăm và địa phương trong sự thống nhất của nền văn hóa Việt Nam; Phản ánh những thành tựu đạt được trong sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đặc biệt là trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Giới thiệu nghề truyền thống: Các đoàn tham gia trưng bày, giới thiệu các thao tác trong sản xuất dệt thổ cẩm, nghề gốm, sản phẩm thủ công - mỹ nghệ, các nghề truyền thống khác phục vụ khách tham quan du lịch, tham dự Ngày hội.

Bên cạnh là các hoạt động: Hội thảo “Văn hóa đồng bào Chăm trong công cuộc xây dựng và phát triển bền vững đất nước”; Giao lưu biểu diễn nghệ thuật và tham quan tại An Giang; Hôi thi thể thao. Các đoàn chuẩn bị lực lượng vận động viên tham gia thi đấu thể thao truyền thống; thi đấu các trò chơi dân gian với các môn sau: Chạy việt dã, đẩy gậy, kéo co, bóng đá nam, bóng chuyền nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các Ban, Bộ, ngành Trung ương, ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, ủy ban nhân dân các tỉnh vùng đồng bào Chăm và các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp chỉ đạo và tố chức thực hiện. Các nội dung hoạt động tại Ngày hội phải thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm, tính quần chúng phong phú, sáng tạo, đa dạng, độc đáo lành mạnh và tiến bộ. Các hoạt động của Ngày hội tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và thu hút đông đảo đồng bào tham gia.

Ban Tổ chức Ngày hội tạo điều kiện để các nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên, chức sắc tôn giáo tiêu biểu gặp gỡ, giao lưu văn hóa, trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Nguồn: Cinet

Cùng chuyên mục