Hoạt động của ngành

Thanh Hóa: Tạo dựng thương hiệu du lịch di sản Thành nhà Hồ

Cập nhật: 29/02/2016 10:17:27
Số lần đọc: 1247
Cũng như những di sản văn hóa thế giới khác trên quốc tế nói chung và ở Việt Nam nói riêng, Thành Nhà Hồ sau khi được UNESCO vinh danh đã trở thành một địa điểm có nhiều tiềm năng phát triển.

Tuy nhiên, tiềm năng chỉ là nền tảng, cơ sở, cho dù nó có lớn lao đến bao nhiêu chăng nữa, còn có phát huy được tiềm năng đó để thực sự trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách hay không lại là vấn đề khác. Hiểu theo một cách đơn giản, việc phát huy những giá trị vốn có của “Di sản thế giới” để nó trở thành một điểm du lịch góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của địa phương là một bài toán không đơn giản.

Giá trị di sản Thành Nhà Hồ

Thành Nhà Hồ (hay còn gọi là thành Tây Đô hoặc Tây Giai) được xây dựng năm 1397, là kinh đô của nước Đại Ngu trong 7 năm (1400-1407). Thành Nhà Hồ được đánh giá là một công trình đồ sộ, có một không hai về kiến trúc cổ bằng vật liệu đá dưới vương triều phong kiến đã tồn tại trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

Di sản này có rất nhiều giá trị nổi bật như: là biểu hiện rõ rệt nét giao thoa trao đổi các giá trị nhân văn giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á, liên quan đến sự phát triển của kiến trúc, quy hoạch và cảnh quan khu vực vào cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15. Bên cạnh đó còn là điển hình cho một loại công trình kiến trúc vừa mang biểu tượng Hoàng gia phương Đông vừa là pháo đài quân sự vững vàng, bề thế…
Theo sử sách ghi lại, vùng đất được chọn để xây thành có địa thế hiểm yếu, có đường đi từ Bắc và Nam và sang nước bạn Lào. Xung quanh bao bọc bởi nhiều ngọn núi cao và hai con sông Mã, sông Bưởi chảy qua. Thành Nhà Hồ gồm 3 bộ phận: La thành, Hào thành và Hoàng thành. Trong đó công trình đồ sộ nhất và còn giữ được khá nguyên vẹn cho tới nay là Hoàng thành. Toàn bộ mặt ngoài tường thành và bốn cổng chính được xây bằng những phiến đá vôi đồ sộ, vuông vức, được đục đẽo tinh xảo và xếp chồng khít lên nhau. Có phiến đá dài tới hơn 6m, nặng chừng 20 tấn. Thành được xây dựng chỉ trong vòng 3 tháng với ước tính khối lượng đá khoảng 20.000m3 và 100.000m2 đất được đào đắp công phu. Đây quả là một công trình vĩ đại trong lịch sử. Trong thành còn có nhiều công trình như điện Hoàng Nguyên, cung Diên Thọ, Đông cung… nguy nga tráng lệ không kém gì kinh đô Thăng Long.

Tuy nhiên trải qua hơn 600 năm, chịu nhiều tác động từ thiên nhiên và con người, những công trình này hầu như đã bị phá hủy. Các nhà nghiên cứu cho rằng, Thành Nhà Hồ là một công trình kiến trúc khoa học, các phiến đá vuông vức, công phu xếp đan xen theo hình múi bưởi. Mặc dù không có bất cứ chất kết dính nào nhưng tòa thành vẫn đứng vững hơn 6 thế kỷ dưới tác động của địa chấn và bom đạn tàn phá. Không những là kiệt tác về kiến trúc, khu vực xung quanh di sản Thành Nhà Hồ còn có nhiều di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng nối liền nhau như động Hồ Công, chùa Du Anh, động Tiên Sơn, phủ Trịnh…Mỗi di tích lại gắn liền với những lễ hội dân gian và truyền thuyết, huyền thoại mang đậm nét văn hóa tâm linh của người Việt.

“Đánh thức” tiềm năng di sản

Bất cứ di sản văn hóa nào cũng giữ vai trò quan trọng và là nguồn tài nguyên vô hạn cho việc khai thác, phục vụ phát triển du lịch. Từ những đặc trưng văn hóa sẽ tạo ra các sản phẩm độc đáo, thỏa mãn nhu cầu của du khách, đem lại nguồn lợi đáng kể, góp phần vào công tác bảo tồn. Hoạt động du lịch chính là “con đường” đưa khách tham quan đến với di sản, quảng bá, truyền tải những giá trị văn hóa của địa phương, dân tộc. Ngoài ra, nó còn là phương tiện khơi dậy những giá trị văn hóa đang trầm lắng hoặc mai một theo thời gian. Vì thế, việc phát huy tốt tiềm năng để khai thác du lịch chính là làm cho di sản có giá trị đúng nghĩa, có hồn và trường tồn vĩnh cửu với thời gian.

Từ sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, Thành Nhà Hồ đã trở thành một điểm đến du lịch độc đáo. Lượng khách đến tham quan tăng lên vượt bậc. Nhiều công ty du lịch lữ hành đã kết nối các điểm phụ cận, tạo thành tour du lịch mới thu hút du khách. Ví dụ như tour Hành trình về miền Di sản Văn hóa Thế giới và Kinh đô cổ Việt Nam. Từ đó, Thành Nhà Hồ đã sánh vai cùng với các Di sản thế giới khác ở Việt Nam như Cố đô Huế, Hoàng Thành Thăng Long, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn…

Bên cạnh đó, cùng với hệ thống giá trị các di sản vật thể và phi vật thể trong tỉnh, Thành Nhà Hồ đóng vai trò trung tâm trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh, xa hơn nữa là góp phần phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ và du lịch Việt Nam. Trong thời gian tới, di sản Thành Nhà Hồ sẽ từng bước được trùng tu, tôn tạo, bảo tồn để phát huy hết giá trị, tạo sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, trên cơ sở đó nâng cao dân trí, đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, tăng cường hội nhập và giao lưu quốc tế.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch tại đây đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Phải nói đến trước tiên là xuất phát điểm kinh tế của địa phương thấp, nguồn thu chủ yếu chỉ từ nông nghiệp; cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch còn hạn chế; dịch vụ du lịch đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan. Hơn thế nữa, chính bản thân di sản trải qua thời gian đã bị tàn phá phần lớn, việc đầu tư tôn tạo cần rất nhiều kinh phí và thời gian, trình độ đội ngũ cán bộ quản lý và nhân lực trong công tác du lịch còn thấp…là những trở ngại lớn cho việc phát triển tiềm năng du lịch. Rất nhiều du khách khi tới đây đã không có những ấn tượng sâu sắc. Chính vì thế, du lịch “nhìn, ngắm nhanh” dường như hợp lý với Thành Nhà Hồ giai đoạn hiện nay nhưng nếu cứ giữ nguyên thực trạng như vậy thì du lịch của cả huyện và tỉnh sẽ có nguy cơ tụt hậu một cách đáng tiếc.

Thành Nhà Hồ hiện đang lưu giữ tính nguyên khiết của nó, cho nên để chuyển từ tiềm năng sang hiện thực là điểm du lịch hấp dẫn cần có chính sách, giải pháp đúng đắn về hợp tác và liên kết du lịch, lưu giữ được hình bóng “nguyên sơ” của di tích, tạo khoảng cách an toàn, đảm bảo không bị pha trộn với những gì gọi là “hiện đại” nhất.

Tạo dựng “thương hiệu” du lịch cho di sản

Trong lĩnh vực du lịch, thương hiệu hiểu theo một cách đơn giản là những dấu hiệu, hình ảnh, ấn tượng khác biệt về một điểm đến nào đó. Trước bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay, mỗi quốc gia hay mối chủ thể trên thị trường đều tận dụng những lợi thế của mình để tạo dựng thương hiệu và sử dụng thương hiệu như chìa khóa then chốt định vị trên thị trường. Do vậy, việc quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch không chỉ có ý nghĩa với riêng Thành Nhà Hồ mà còn có vai trò quan trọng đối với việc hình thành thương hiệu du lịch huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Để có thể làm được điều đó, trước hết Thành Nhà Hồ cần hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ cơ bản, tập trung nguồn vốn từ các chương trình hành động quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia về du lịch, cải tạo, nâng cấp và kết nối tuyến đường gắn với điểm tham quan. Bên cạnh đó khuyến khích những thành phần tham gia đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật như: khách sạn, nhà hàng, hệ thống cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ…Ngoài ra cần xây dựng một chiến lược quảng bá du lịch di sản văn hóa thế giới, tổ chức gặp gỡ các hãng lữ hành quốc tế, tích cực đào tạo nguồn nhân lực.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc hạn chế khách du lịch đến với Thành Nhà Hồ là chưa biết được những giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt do chưa có sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn tương xứng với điểm đến tầm cỡ quốc tế. Vì thế, việc khai thác hiệu quả giá trị di sản để phát triển sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao cũng là vấn đề đáng được quan tâm. Hơn nữa, phát triển du lịch di sản Thành Nhà Hồ phải luôn giữ được sợi dây liên kết với các vùng, miền trên cả nước. Cần có một cơ chế phối hợp năng động và hiệu quả giữa nhiều tỉnh, thành và tăng cường quan hệ hợp tác đại sứ quán các nước thuộc hành lang kinh tế đông tây EWEC trong chương trình “Con đường di sản thế giới”, “Hành trình 1000 năm những kinh đô Việt Nam”... Hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành để cung cấp thông tin, khảo sát xây dựng tuyến điểm trong đó chú trọng đến tính kết nối giá trị văn hóa Thành Nhà Hồ với các tuyến điểm trên địa bàn huyện nhằm phát triển loại hình du lịch tâm linh, du lịch sinh thái.
Có thể khẳng định rằng dù ở bất cứ phương diện nào, kể cả lịch sử, văn hóa hay kiến trúc, khảo cổ, Thành Nhà Hồ đều “tỏa sáng”. Từng là dấu ấn của sự giao lưu, trao đổi các giá trị văn hóa giữa các nước Đông Á và Đông Nam Á, cũng là nơi duy nhất ghi lại những cách tân đóng góp cho lịch sử phát triển của dân tộc, Thành Nhà Hồ đã trở thành chứng nhân lịch sử và chính thức ghi tên mình vào “ngôi đền” di sản văn hóa toàn nhân loại, mang lại niềm tự hào cho dân tộc. Hy vọng trong tương lai, Thành Nhà Hồ sẽ làm thay đổi diện mạo của một vùng đất thuần nông và hứa hẹn là điểm du lịch hấp dẫn, trở thành điển hình trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tạo dựng thương hiệu du lịch./.

Nguồn: Cinet.vn

Cùng chuyên mục