Tin tức - Sự kiện

Tạo bước đột phá cho du lịch các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long

Cập nhật: 21/11/2008 07:11:27
Số lần đọc: 1501
Trải qua một chặng đường dài với nhiều sự kiện được tổ chức, Năm du lịch 2008 đã mang lại cơ hội cho sự phát triển du lịch Cần Thơ nói riêng và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung. Phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Viết Khanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ xung quanh vấn đề này.

P/V: Ông đánh giá thế nào về cơ hội mà Năm Du lịch quốc gia Mekong – Cần Thơ 2008 đem lại cho thành phố Cần Thơ cũng như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long?

Ông Đinh Viết Khanh: Như các bạn đã biết, hành trình Năm du lịch quốc gia Mekong – Cần Thơ 2008 tổ chức tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề: “Miệt vườn sông nước Cửu Long” sắp kết thúc. Có thể nói đây là sự kiện du lịch quan trọng lần đầu tiên được tổ chức ở Nam Bộ và bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi, tạo cơ hội hết sức to lớn về nhiều mặt cho các địa phương.

Các tỉnh thành khu vực ĐBSCL có sự gắn bó nhiều hơn, tăng cường mối quan hệ hợp tác đồng tình hưởng ứng Năm du lịch nên đã đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi. Trong năm 2008, thành phố Cần Thơ đón tiếp ước khoảng 2,5 triệu khách, tăng 22%, trong đó khách quốc tế ước đạt 183.400 lượt tăng 18% và 665.000 khách nội địa tăng 24% so với cùng kỳ. Các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đều có số du khách tăng từ 10% – 15% so với năm 2007. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm cơ hội hợp tác đầu tư nhiều hơn.

- Các sự kiện, lễ hội du lịch diễn ra liên tục suốt năm trên cả vùng ĐBSCL đã khắc hoạ đậm nét một vùng đồng bằng trù phú, phì nhiêu, tài nguyên phong phú, thân thiện, hiếu khách và các sản phẩm du lịch độc đáo đặc trưng của vùng đất phương Nam với du khách và nhà tài trợ, chất lượng tổ chức lễ hội từng bước được nâng lên đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân và du khách.

- Là bệ phóng đưa thương hiệu các doanh nghiệp du lịch và các ngành kinh tế khu vực vươn cao, bay xa trên thương trường nội địa và quốc tế.

- Là cơ hội để các địa phương ĐBSCL diễn tập liên kết hợp tác phát triển du lịch và các mặt kinh tế khác để cùng cả nước hội nhập cộng đồng thế giới.

- Năm du lịch quốc gia Mekong – Cần Thơ 2008 đã đánh thức tiềm năng du lịch, tạo ra một diện mạo mới, sức bật mới, tạo bước đột phá quan trọng trong phát triển du lịch và tạo động lực mạnh mẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội TP. Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 45/NQ-BCT và Nghị quyết 21/NQ-BCT của Bộ Chính trị.

P/V: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ đã xây dựng và triển khai những giải pháp nào để tiếp tục phát huy những cơ hội đó?

Ông Đinh Viết Khanh: Phát huy thành quả đã đạt được, trước mắt Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ vận động toàn ngành du lịch mở ra thời kỳ hậu Năm Du lịch quốc gia với các giải pháp cụ thể như sau:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, tăng cường liên kết phát triển toàn diện với các tỉnh trong khu vực và TP. Hồ Chí Minh trong đầu tư khai thác sản phẩm mới phục vụ khách du lịch.

- Nâng cao hiệu lực quản lí Nhà nước về du lịch, tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia vào hoạt động du lịch.

- Đẩy mạnh đầu tư du lịch theo hướng bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh quốc phòng; góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc. Đồng thời Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ xin đề nghị:

+ Đề nghị Tổng cục Du lịch quan tâm đưa dự án khu du lịch quốc gia “Hệ thống Cồn dọc sông Hậu” vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư cấp quốc gia.

+ Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm hỗ trợ đầu tư kinh phí trong các Chương trình mục tiêu về phát triển văn hóa, thể thao và cơ sở hạ tầng du lịch cho thành phố Cần Thơ. Vì nơi đây là trung tâm của khu vực, thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn, hội thao và lễ hội du lịch quy mô cấp vùng và cấp quốc gia.

+ Đề nghị Tổng cục Du lịch sớm tiến hành Quy hoạch tổng thể du lịch đồng bằng sông Cửu Long, định hướng phát triển du lịch cho từng tỉnh, thành theo thế mạnh của từng địa phương để tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng một cách hài hòa, tránh trùng lắp dễ gây nhàm chán, tạo sự phát triển bền vững và sức sống mới cho du lịch toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

P/V: Môi trường là một trong những yếu tố đảm bảo cho du lịch cho phát triển bền vững. Vấn đề này hiện nay được địa phương chú trọng ra sao? Hướng giải quyết cụ thể thế nào?

Ông Đinh Viết Khanh: Chúng ta đều biết rằng hoạt động du lịch và vấn đề môi trường luôn có mối quan hệ mật thiết và tác động tương hỗ sâu sắc lẫn nhau. Hoạt động du lịch ở bất cứ hình thái nào đều ít nhiều gây tác động xấu dẫn đến việc suy thoái môi trường; đồng thời môi trường cũng là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định đến hiệu quả hoạt động và phát triển du lịch bền vững.

Khi du lịch phát triển có nghĩa là một chuỗi các hoạt động cung ứng dịch vụ phục vụ nhanh chóng phát triển: Cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn, siêu thị, điểm vui chơi giải trí, các khu du lịch, phương tiện vận chuyển thủy - bộ, lực lượng lao động du lịch …và số lượng du khách tăng cao. Toàn bộ hoạt động này chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đa dạng sinh học gây tác động không tốt về nhiều mặt cho môi trường trên địa bàn.

Những năm gần đây, kể từ khi Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và đặc biệt là qua Năm Du lịch quốc gia 2008, ngành du lịch Cần Thơ đã có bước phát triển tốt đẹp. Số lượng khách đến Cần Thơ tăng hàng năm từ 13% đến 15%. Riêng năm 2008 tỷ lệ tăng đạt 22% so năm 2007. Bên cạnh đó các ngành kinh tế trọng điểm của thành phố đều có hướng phát triển đáng kể. Từ đó một vấn đề đang đặt ra với những người làm du lịch là các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động ô nhiễm môi trường.

Ngành du lịch Cần Thơ đã xác định và đề ra một số giải pháp cụ thể như sau:

+ Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức gìn giữ, bảo vệ tài nguyên – môi trường đối với người làm du lịch, với cộng đồng dân cư và cả đối với khách du lịch, khắc phục kịp thời những hiện tượng, sự việc gây ô nhiễm từ hoạt động du lịch. Vận động du khách và cộng đồng tham gia giữ gìn làm sạch đẹp cảnh quan môi trường.

+ Lập lại trật tự an toàn vệ sinh tại các điểm du lịch, khu vui chơi giải trí… Bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.

+ Biện pháp và phương án xử lý chất thải (chất khí, chất rắn, chất lỏng) và tác động môi trường là yêu cầu cần thiết khi thẩm định các dự án đầu tư du lịch trước khi trình cấp thẩm quyền cấp phép xây dựng.

+ Thi hành nghiêm túc các điều khoản bảo vệ tài nguyên – môi trường của Luật Du lịch và Luật Bảo vệ môi trường. Nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ tài nguyên – môi trường trong cộng đồng và du khách. Đồng thời có biện pháp chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

+ Phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất; phát hiện, ngăn chặn kịp thời và có phương án khắc phục để gìn giữ, bảo vệ tốt tài nguyên – môi trường, xem đây là tiêu chí quan trọng trong công tác xếp hạng và thi đua khen thưởng nhằm đảm bảo cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững của du lịch thành phố Cần Thơ.

P/V: Đánh giá của ông về việc liên kết để phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng thời gian qua cũng như hướng phát triển trong thời gian tới?

Ông Đinh Viết Khanh: Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế: Để du lịch Cần Thơ nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn góp phần nâng cao vai trò vị trí của thành phố là trung tâm động lực vùng theo tinh thần Nghị quyết 45/NQ-BTC của Bộ Chính trị thì ngành công nghiệp không khói của thành phố cần phải được đặt trong mối quan hệ tương tác với các địa phương trong khu vực.

So với các tỉnh bạn, thành phố Cần Thơ với lợi thế vị trí địa lý trung tâm, có cơ sở hạ tầng và các dịch vụ phục vụ du lịch tương đối khá sẽ là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách đến với đồng bằng sông Cửu Long, nhưng ngược lại Cần Thơ lại thiếu du lịch núi rừng, biển đảo…, do đó du lịch Cần Thơ nhất thiết phải liên kết hợp tác với các tỉnh để hỗ trợ nhau cùng phát huy tiềm năng và lợi thế nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên của từng địa phương tạo ra nhiều sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng mang tính toàn vùng. Thông qua liên kết hợp tác đẩy mạnh quảng bá, mở rộng địa bàn xúc tiến kêu gọi đầu tư và tăng cường công tác đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực du lịch tạo điều kiện đưa du lịch toàn khu vực phát triển bền vững theo yêu cầu hội nhập quốc tế.

Thời gian qua ngành du lịch Cần Thơ đã ký kết hợp tác phát triển với 7 địa phương là: Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và 2 địa phương ngoài khu vực là TP. Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội, bước đầu đã phát huy tác dụng nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực và lữ hành.

Hướng tới Cần Thơ sẽ tiến hành bàn bạc ký kết với tất cả các địa phương còn lại trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

P/V: Được biết, Lễ bế mạc Năm du lịch sẽ được kết hợp với Lễ Kỷ niệm 5 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương – Mừng năm mới 2009, xin ông cho biết công tác chuẩn bị cho sự kiện này đã được triển khai ra sao?

Ông Đinh Viết Khanh: Phát huy những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, thành phố Cần Thơ sẽ tổ chức trọng thể với Lễ Kỷ niệm 5 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương, bế mạc Năm du lịch quốc gia Mekong – Cần Thơ 2008 và chào năm mới 2009 với quy mô hoành tráng, mang màu sắc mới lạ, hấp dẫn. Lễ hội sẽ diễn ra vào đêm 27/12/2008 tại khu vực công viên bờ kè sông Hậu, phường Cái Khế, Quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ (nơi diễn ra lễ khai mạc).

Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố, Ban tổ chức Năm Du lịch quốc gia Mekong – Cần Thơ 2008 đã có bước chuẩn bị chu đáo cho lễ hội về tổ chức, kịch bản, địa điểm, các hoạt động cụ thể, tài trợ... Chúng tôi cũng đang triển khai kế hoạch tổ chức và phân công các Tiểu ban chuyên môn giúp việc Ban tổ chức và các hoạt động hỗ trợ. Tất cả các công tác chuẩn bị sẽ được báo cáo Thường trực Thành ủy và Thường trực UBND thành phố cuối tháng 11 này.

P/V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Website Đảng CSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT