Tin tức - Sự kiện

Phát triển di sản văn hóa hát Xoan, hát Ghẹo trong hội nhập

Cập nhật: 20/11/2008 13:11:33
Số lần đọc: 1655
Trong thời đại hiện nay, mở cửa đón nhận tinh hoa văn hoá bốn phương và phải biết tiếp thu cái tốt phù hợp với mình, loại bỏ những cái không phù hợp là một tất yếu. Năm 1988 Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã tuyên bố mở đầu thập kỷ thế giới phát triển văn hóa, nhấn mạnh -“Kinh nghiệm của hai thập kỷ vừa qua cho thấy, trong mọi xã hội ngày nay, bất luận ở trình độ phát triển kinh tế nào, hoặc xu hướng chính trị, kinh tế nào văn hóa và phát triển là hai mặt gắn liền nhau...

Nước nào tự đặt cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách rời môi trường văn hóa thì nhất định sẽ xảy ra những mất cân đối nghiêm trọng cả về kinh tế lẫn văn hóa và tiềm năng sáng tạo của nước ấy sẽ bị suy yếu rất nhiều”.

Giao lưu văn hóa chưa bao giờ được bàn luận nhiều như hiện nay. Nhìn lại sau hơn 20 năm đổi mới, những tác phẩm yếu kém về tư tưởng, nghệ thuật, những phong cách biểu diễn lố lăng không hợp với truyền thống dân tộc nhanh chóng bị lãng quên, chỉ còn lại những tác phẩm mang được tâm hồn, bản sắc dân tộc, mới sống được trong lòng công chúng.


Gần đây, rất mừng có một khuynh hướng mới xuất hiện trong sáng tác và biểu diễn âm nhạc, trong đó có cả một số tác giả trẻ, nghệ sĩ trẻ đang tìm về cội nguồn dân tộc, mà một thuật ngữ mới ra đời là “Dòng âm nhạc dân gian hiện đại”  Vấn đề này cũng đang diễn ra ở các nước có nền công nghiệp phát triển một xu hướng quay về những giá trị của văn hóa dân gian.


Hát Xoan, hát Ghẹo là những làn điệu dân ca hết sức đặc sắc, độc đáo, di sản văn hoá của thời kỳ Hùng Vương dựng nước cần được bảo tồn, phát huy, phát triển hòa nhập trong thời kỳ mới này.


Nửa thế kỷ qua ở tỉnh Phú Thọ kể cả thời kì mang tên Vĩnh Phú, chúng ta đã có một đội ngũ hoạt động văn nghệ rất năng động, cố gắng, tâm huyết, mê say, dành nhiều công sức cho việc phổ biến, nâng cao hát Xoan, hát Ghẹo. Cơ bản chúng ta đã sưu tầm khá đầy đủ hai vốn dân ca này (ghi chép bằng văn bản, ghi âm các làn điệu, quay phim các Nghệ nhân múa, hát) và bước đầu nghiên cứu về nguồn gốc, về tổ chức sinh hoạt, về âm nhạc (giai điệu, tiết tấu, khúc thức, thang âm điệu thức, mối quan hệ ảnh hưởng qua lại giữa các vốn dân ca ngoài vùng, lời ca…). Trong cuộc chống Mỹ cứu nước hát Xoan, hát Ghẹo được phổ biến rộng rãi, góp phần tích cực vào phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”.


Từ khi đưa hát Xoan, hát Ghẹo thành các màn ca cảnh càng làm tăng sức hấp dẫn, truyền cảm của các làn điệu đến người nghe. Đây được coi là một hình thức phổ biến, phát triển, một hướng đi mới của hát Xoan, hát Ghẹo.


Về nâng cao các điệu hát Xoan, hát Ghẹo, nhiều nhạc sĩ trong tỉnh đã quan tâm chỉnh lí, phát triển các điệu hát để có được hơi thở mới, nhịp sống mới  hấp dẫn người nghe hơn, được công chúng chấp nhận.


Bên cạnh mặt tích cực, hát Ghẹo suốt nửa thế kỷ qua không vượt lên được để có ảnh hưởng rộng rãi trong cả nước, cho dù chúng ta có một đội ngũ cán bộ nhiệt tình, tích cực, có năng lực. Phú Thọ mới có Nghệ nhân hát Xoan, hát Ghẹo, chưa có Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân về hát Xoan, hát Ghẹo, thì làm sao đưa Xoan, Ghẹo lan truyền trong cả nước được. Xét cho cùng tất cả những việc chúng ta đã làm vẫn chỉ ở tầm phong trào văn nghệ quần chúng. Theo tôi, đây là hạn chế lớn nhất trong thời kì qua.


Trong văn học nghệ thuật và cả trong thể thao, ngoài xây dựng phong trào rộng rãi làm nền phải rất chú ý xây dựng đỉnh cao. Đây là việc rất khó, nhưng không thể bỏ qua được. Nếu không xây dựng được đỉnh cao (chuyên nghiệp) thì không thể có ảnh hưởng rộng rãi lan truyền vang xa trong nước và ngoài nước được. Vì thế, chúng ta cần có kế hoạch dài hạn để xây dựng đỉnh cao. Làm sao ở những vùng Xoan gốc, Ghẹo gốc tạo ra được những lớp nghệ nhân mới, ở tỉnh phải có đoàn chuyên nghiệp để có các nghệ sĩ hát Xoan, hát Ghẹo nổi tiếng được cả nước biết tới.


Việc gìn giữ, phát triển hát Xoan, hát Ghẹo cho phù hợp với tình hình mới,  cũng cần phải đưa vào hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh bằng phương hướng và các chế độ chính sách, khuyến khích, ưu đãi. Nói đến hoạt động theo cơ chế thị trường, có thể có người e ngại rằng sẽ làm hỏng bản chất tốt đẹp của văn hóa. Thế nhưng chúng ta biết cơ chế thị trường thường có hai mặt, phải biết hạn chế mặt tiêu cực, biết phát triển mặt tích cực của nó sẽ có tác dụng thúc đẩy rất nhanh chóng. Mục tiêu cuối cùng của việc gìn giữ phát triển văn hóa truyền thống trong đó có hát Xoan, hát Ghẹo cũng phải đạt được hiệu quả về văn hóa và kinh tế, góp phần vào mục tiêu xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.


Để góp phần giữ gìn, phát triển hát Xoan, hát Ghẹo trong thời kì mới cần tập trung vào những vấn đền sau:


Tiếp tục phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Phải làm cho dân ca được sống trong nhân dân. Đó vừa là bảo tàng sống, vừa là nơi để cho nó phát triển tiến kịp với thời đại. Muốn vậy trước hết phải cho nó miếng đất để sống, bằng cách: Tạo các môi trường cho dân ca sống và phát triển. Đây là điều quan trọng đầu tiên. Như chúng ta đã biết, mỗi vốn dân ca hình thành và phát triển đều gắn với một tục lệ nhất định nào đó. Hát Xoan với tục lệ hát cửa đình vào những ngày hội mùa xuân ở một số làng. Hát Ghẹo với tục nước nghĩa. Hiện nay ca nhạc nhẹ phát triển rầm rộ vì nó có nhiều đất hoạt động để sống như: Nhà hàng, khách sạn, các quán Karaoke, sàn nhảy, các cuộc liên hoan, ngày lễ, những cuộc lễ hội… Vậy hát Xoan, hát Ghẹo cũng cần thiết phải có môi trường tồn tại, phát triển.


Cần thành lập các câu lạc bộ hát xoan, hát Ghẹo (hay gọi là phường cũng được), ở các làng Xoan gốc, Ghẹo gốc. Câu lạc bộ này là nơi sinh hoạt hát Xoan, hát Ghẹo, trong đó có một đội hát làm nòng cốt khoảng  trên 10 người, có chương trình tập luyện thường xuyên, học các làn điệu, chương trình biểu diễn (theo lời cũ, hình thức biểu diễn như các cụ nghệ nhân truyền lại như một bảo tàng sống), phục vụ cho các nhu cầu của địa phương, cho sưu tầm nghiên cứu, cho các đoàn tham quan, khách du lịch. Nơi nào có điều kiện thì cho khôi phục lại lễ hội mùa xuân có hát Xoan, tục kết nghĩa ở những nơi trước đây có hát Ghẹo.


Hàng năm vào dịp hội Đền Hùng nên tổ chức thi hát Xoan, hát Ghẹo giữa các phường Xoan gốc, Ghẹo gốc vừa phục vụ hội vừa góp phần duy trì, phát triển hai vốn dân ca này. Khuyến khích động viên các đội văn nghệ cơ sở biểu diễn các tiết mục hát Xoan, hát Ghẹo. Tổ chức liên hoan, hội diễn hát dân ca từ cơ sở tới tỉnh, theo định kì một năm hoặc hai năm một lần. Đối với các trường mầm non, trung học cơ sở, bước đầu nên thí điểm có giờ dạy hát dân ca, trong đó có hát Xoan, hát Ghẹo. Đưa hát Xoan, hát Ghẹo vào hoạt động du lịch, bởi hát Xoan, hát Ghẹo là tinh hoa văn hóa, di sản văn hóa đất Tổ cần được giữ gìn và phát huy. Đó là những giá trị văn hoá nuôi dưỡng tâm hồn trong mỗi người chúng ta.


Ông cha ta xưa thường nói “Nghề chơi cũng lắm công phu” bởi thế để gây được sự chú ý, hấp dẫn khách không dễ dàng chút nào, không phải ai hát cũng vừa lòng khách mà phải mất  rất nhiều công sức để tìm chọn được những cô gái trẻ đẹp, có giọng hát, say mê với ca hát truyền thống, chịu khổ luyện hàng ngày đồng thời phải cho đi đào tạo, bồi dưỡng ở các trường chuyên môn, đạt tới trình độ chuyên nghiệp cao thì mới hấp dẫn, thuyết phục được khách. Như thế đưa hát Xoan, hát Ghẹo vào du lịch là môi trường của thời kì mới, đòi hỏi phải nâng cao rất nhiều về biểu diễn mới hoà nhập được. Đó cũng là điều kiện tốt cho dân ca phát triển.


Mặt khác cần thành lập Trung tâm sưu tầm, nghiên cứu, hát Xoan hát Ghẹo với 2 bộ phận làm các nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu và thể nghiệm.


Nhiệm vụ của bộ phận sưu tầm nghiên cứu là: Tiếp tục sưu tầm hát Xoan, hát Ghẹo và có thể mở rộng thêm các dân ca vùng khác trong tỉnh. Về nghiên cứu chúng ta mới chỉ làm được bước đầu tìm hiểu về nguồn gốc hình thành và phát triển, về tổ chức lề lối, về âm nhạc (giai điệu, tiết tấu, thang âm, điệu thức, khúc thức, cách phổ thơ), về lời ca, về sự ảnh hưởng qua lại với các vốn dân ca khác. Những vấn đề trên còn thiếu hệ thống và cũng chưa đầy đủ, hơn nữa thường mới chỉ nêu ra những ý kiến của cá nhân chưa có trao đổi đi đến thống nhất, chưa có giá trị khoa học cao, vì thế đến nay cần tiếp tục làm đầy đủ và sáng tỏ những vấn đề ấy. Với bộ phận thể nghiệm. Bộ phận này thực chất là một đội hát Xoan, hát Ghẹo có biên chế từ 12 người trở lên, khi có điều kiện nó làm nòng cốt để thành lập Đoàn Ca múa Xoan, Ghẹo đất Tổ. Nhiệm vụ của bộ phận này dàn dựng thể nghiệm những tìm tòi sáng tạo nâng cao các điệu hát Xoan, hát Ghẹo và các hình thức biểu diễn đáp ứng phục vụ các yêu cầu của tỉnh, mở rộng ảnh hưởng trong địa phương và ra toàn quốc, hướng dẫn cho các đội văn nghệ cơ sở. Dần dần trong số này những người có năng khiếu sẽ được bồi dưỡng đào tạo trở thành nghệ sĩ hát Xoan, hát Ghẹo.


Nếu Đoàn ca múa Xoan, Ghẹo đất Tổ ra đời thì phải biết dựa hẳn vào hát Xoan, hát Ghẹo đồng thời khai thác triệt để văn hóa thời kì Hùng Vương từ nội dung, hình thức thể hiện đến trang trí mỹ thuật, trang phục để xây dựng các tiết mục biểu diễn. Lấy văn hóa thời kì Hùng Vương với tính đa dạng phong phú của nó làm màu sắc riêng biệt của đoàn, để không giống bất cứ đoàn ca múa nào, đó là thế mạnh của tỉnh Phú Thọ.


Để đổi mới hoà nhập được, việc đào tạo những người có chuyên môn cao là công việc hết sức quan trọng có tính quyết định, nó là yếu tố con người, nếu không thì không thể nào làm được. Có hai lĩnh vực cần đào tạo: Về nghiên cứu sáng tác, cần mạnh dạn cho những người còn trẻ có năng khiếu đi học ở Học viện Âm nhạc quốc gia Hà Nội, trường hợp có năng khiếu đặc biệt có thể cho đi học ở các nhạc viện lớn của thế giới để am hiểu nắm được những tiến bộ kĩ thuật, sự phát triển của âm nhạc thế giới,  từ những vốn kiến thức ấy vận dụng vào việc nghiên cứu, nâng cao hát Xoan, hát Ghẹo, mới đủ bản lĩnh dám bỏ những cái không còn phù hợp, đưa vào những yếu tố mới phù hợp với tình hình hiện nay. Và cũng không loại trừ khả năng, từ hát Xoan, hát Ghẹo truyền thống nó trở thành một dạng thức mới mà người ta gọi là dạng thức tái sinh của folklore truyền thống như nhạc jazz, nhạc pop, rock… mà ta đã thấy. Nhìn những dạng thức mới ấy trong các sinh hoạt văn hoá cộng đồng nó có sức cuốn hút, cuồng nhiệt ghê gớm, nhiều nhà nghiên cứu nhận định đó là một thứ folklore hiện đại.


Về biểu diễn, vai trò người biểu diễn là vô cùng quan trọng, nó là phương tiện chuyển tải đến người nghe, cho nên phải được rèn luyện, đào tạo rất công phu và chính quy. Những nghệ sĩ tài năng là người chấp cánh cho các điệu hát vang xa, bay xa.


Hát Xoan, hát Ghẹo là hai di sản văn hóa đặc sắc nằm trong di sản văn hóa thời kì Hùng Vương, nó lại rất đặc biệt là văn hóa “tươi” được truyền lại qua đời này sang đời khác cho đến ngày nay. Bởi thế để đề nghị UNESCO công nhận Đền Hùng là di sản văn hoá thế giới theo tôi trước hết Phú Thọ cần tập trung đầu tư tôn tạo phát triển hai di sản văn hóa có thế mạnh là hát Xoan, hát Ghẹo.

Nguồn: Báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT