Hoạt động của ngành

Hát Xoan Phú Thọ: Chuyển mình để phát triển bền vững

Cập nhật: 16/12/2015 09:20:50
Số lần đọc: 1756
Sau 4 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, Hát Xoan Phú Thọ đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Nếu hồ sơ, báo cáo sắp tới đây được Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể thông qua thì Hát Xoan sẽ là di sản văn hoá phi vật thể đầu tiên của thế giới được đưa ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.

Nỗ lực đưa Xoan thoát “khẩn cấp”

 

Ngay sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại vào cuối năm 2011, UBND tỉnh Phú Thọ đã có kế hoạch hành động và thực hiện bảo tồn di sản Hát Xoan. Bắt đầu từ việc kiểm kê với sự tham gia của cộng đồng, nhận diện những bài bản cốt lõi của Hát Xoan, hỗ trợ khẩn cấp và củng cố 4 phường Xoan gốc, tỉnh đã phát triển công tác bảo tồn sang tổ chức truyền dạy, đào tạo lớp nghệ nhân mới, đưa Hát Xoan vào trường học. So với năm 2006, số lượng thành viên ở 4 phường Xoan cổ đã tăng khá nhiều. Năm 2009, trong số 31 nghệ nhân cao tuổi nhất (từ 80 đến 104 tuổi), chỉ 7 cụ còn khả năng thực hành và truyền dạy; đến nay đã có 62 nghệ nhân có thể đảm đương nhiệm vụ này. Năm 2010 đã có 13 câu lạc bộ Hát Xoan với 298 thành viên, đến nay đã có 30 câu lạc bộ với 1.100 thành viên.

Với những kết quả cụ thể đã làm được trong 4 năm qua, ông Hà Kế San - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ khẳng định: “Hát Xoan Phú Thọ đã ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại”, đồng thời cho biết, UBND tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam hoàn thành báo cáo về tình trạng Hát Xoan trình các cấp có thẩm quyền và gửi hồ sơ, báo cáo đề nghị Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể xem xét, xác nhận Hát Xoan đã ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.

 

Bài toán giữ “lửa Xoan” trong đời sống đương đại

 

Sức sống của Hát Xoan được khẳng định với những “con số biết nói” nêu trên, tuy nhiên, để giữ được nguyên gốc, bảo tồn được “gen di sản” đồng thời “giữ lửa” cho nó trong đời sống đương đại hiện cũng đang là một bài toán không hề đơn giản.

 

Theo ông Hà Kế San, ngoài những giải pháp đã thực hiện như: Sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hoá; Truyền dạy các bài Xoan cổ trong cộng đồng; Phục hồi, bảo tồn các diễn xướng Hát Xoan; Quy hoạch, tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di tích liên quan đến Hát Xoan; Tuyên truyền, quảng bá di sản Hát Xoan… hiện nay, UBND tỉnh vẫn đang tiếp tục phối hợp nghiên cứu nhằm đưa ra những ý tưởng khả thi cho việc đưa Hát Xoan đến gần hơn với công chúng. “Cái khó là làm sao vừa bảo tồn giá trị cốt lõi của Hát Xoan nhưng đồng thời lại có thể phục vụ, đáp ứng được nhu cầu của du khách”, ông Hà Kế San nhấn mạnh.

 

Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ Nguyễn Ngọc Ân cho biết thêm, Sở đã xây dựng chương trình du lịch “Hát Xoan làng cổ” gắn với điểm du lịch di sản văn hoá và phối hợp với một số đơn vị lữ hành tổ chức đưa khách đến nghe Hát Xoan và trải nghiệm những không gian văn hoá gắn với thời đại Hùng Vương, bước đầu thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách… Tuy nhiên để xây dựng thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Phú Thọ cũng vẫn còn nhiều thách thức.

 

Vẫn biết còn rất nhiều việc phải làm, nhưng với việc “lửa Xoan” vẫn sống trong cộng đồng, đặc biệt là trong 4 năm qua, đã góp phần nâng cao nhận thức về Xoan, về giá trị di sản cũng như tạo ra một lớp công chúng trẻ hiểu, yêu Xoan, tự nguyện thực hành bảo vệ Xoan. Điều này thật đáng quý lắm thay./.

Nguồn: langvietonline.vn

Cùng chuyên mục