Hoạt động của ngành

Ngày hội hoa sở ở Bình Liêu (Quảng Ninh)

Cập nhật: 30/11/2015 08:41:58
Số lần đọc: 1084
Bình Liêu có Ngày hội hoa sở, lại là lễ hội do Đồng Tâm - một xã nghèo đặc biệt khó khăn của mảnh đất biên giới này tổ chức đúng là chuyện lạ, chưa từng có tiền lệ. Chính vì vậy mà khi nhìn dòng người nườm nượp đổ về lễ hội, chúng tôi đã không khỏi đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác...


Hoa sở nở trắng rừng Bình Liêu.

Rộn ràng lễ hội

Hoa sở nở vào những tháng mùa đông nên lễ hội hoa sở dịp này mang cái se lạnh cho du khách. Dù đã là tiết giữa đông nhưng bầu trời Bình Liêu ngày lễ hội thoáng đãng, thi thoảng có những đợt nắng làm bừng sáng cả không gian. Đứng ngắm không gian lễ hội được lựa theo địa hình tự nhiên của những thửa ruộng bậc thang, thấy thật thú vị. Sân khấu ở tầng thấp nhất, du khách dù đứng hay ngồi ở những tầng cao hơn đều khá dễ dàng quan sát các hoạt động lễ hội phía dưới.

Đến Bình Liêu nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên tôi chụp ảnh hoa sở. Bông hoa sở to, cánh mỏng manh, trắng tinh khiết với nhị vàng cong cong. Vẻ đẹp của hoa sở không rực rỡ, lộng lẫy mà đẹp giản dị đến nao lòng. Có lẽ nhiều người cũng giống tôi chăng nên đến lễ hội với tâm trạng tò mò, háo hức. Các cô gái Sán Chỉ, cô gái Tày váy áo mới xênh xang làm duyên tạo dáng cùng các chàng trai bản chụp ảnh lưu lại kỷ niệm trong rừng sở. Du khách từ khắp nơi đổ về lễ hội hoa sở từ sớm, ngay trong buổi sáng để tranh thủ ngắm hoa, chụp ảnh, thăm thú, tìm hiểu thêm. Nhiều du khách ghé gian hàng OCOP của địa phương bày trong khuôn viên lễ hội mua vài món quà về nhà. “Chủ nhà” vui vẻ, thật thà tư vấn về sản phẩm, khách xem hàng, thử hàng, hỉ hả xách về, nào mật ong, dầu sở, miến dong cho đến lá tắm các loại, túi thơm hoa hồi... tất cả đều là những sản phẩm đặc trưng của Bình Liêu.

Tâm điểm của lễ hội là các hoạt động diễn ra sôi nổi vào buổi chiều. Du khách, người dân chen chân đứng xem lễ hội. Thấp thoáng trong đám đông những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao, Tày, Sán Chỉ nổi bật, khác biệt hẳn với những phục trang thông thường.

Chị Vàn Thị Lan, người phụ nữ Dao trẻ địu chú bé con đang say ngủ trên lưng, thấy tôi chú ý đến bộ trang phục truyền thống chị mặc trên người, tiết lộ: “Mình là người ở Đồng Văn, giờ lấy chồng ở bản Ngàn Vàng Trên của xã này. Hôm nay đi hội nên mặc bộ đồ này đấy. Lễ hội hoa sở là lễ hội chung của đồng bào các dân tộc ở Bình Liêu nên mình thấy rất thích. Còn Đồng Văn cũng có lễ hội là ngày hội Kiêng gió, năm nào cũng tổ chức, dịp nào chị về với hội ở Đồng Văn nhé”.


Các đội sôi nổi trong phần thi gói bánh coóc mò.

Hoà vào tâm trạng phấn khích của đồng bào, du khách về lễ hội, chúng tôi cũng mê mải dõi theo các hoạt động đang diễn ra. Nào là thi gói bánh coóc mò, chị em thoăn thoắt cuộn lá, đổ gạo, cắn dây buộc bánh. Nào là thi giã gạo chày đôi, nam nữ hoà nhịp chân giã gạo, cười phô hàm răng trắng, điểm chiếc răng vàng tươi rói, người nhanh tay vun thóc trong cối, người sàng, sẩy những mẻ thóc mới giã. Rồi là thi mâm cỗ mừng cơm mới, Trưởng bản Nà Tào mở lòng mời hết mọi người xung quanh chén rượu ấm môi, nếm thử đĩa xôi phỏng theo bông hoa sở với đầy đủ cánh trắng, nhị vàng, lá xanh...

Ngày hội không chỉ diễn ra trong buổi chiều mà còn nối tiếp với chương trình giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại, nhảy sạp vào buổi tối và các trò chơi kéo co, ném còn... vào sáng hôm sau. Dòng người đổ về đêm hội cũng đông không kém so với ban ngày, đặc biệt là nam thanh, nữ tú, bất chấp những giọt mưa lất phất. Sôi động, quyến rũ, những nụ cười bên nhịp chân nhảy sạp, bên ngọn lửa ấm nồng đêm lạnh như quyến luyến mãi người đi hội...

Nỗi niềm “phóng viên trong cuộc”

Chuyến công tác đặc biệt của nhóm phóng viên chúng tôi lần này đến với xã Đồng Tâm có nhiều ý nghĩa: Về với lễ hội hoa sở của Bình Liêu, đồng thời đến thăm những người bạn đồng nghiệp đang đi thực tế dài hạn tại đây. Vì vậy, cả đoàn mang cả sự tò mò, háo hức lẫn hồi hộp với một lễ hội hoa lần đầu tiên diễn ra ở vùng biên cương này. Thanh Tùng, Dương Trường - hai đồng nghiệp của  Báo Quảng Ninh chúng tôi, giờ làm “cán bộ xã” ở Đồng Tâm hồ hởi đón đoàn với nụ cười rạng rỡ. Lăn lộn với việc chuẩn bị tổ chức lễ hội hàng tháng trời nay, trông hai bạn dường như năng động hẳn ra.

Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên về con đường bê tông nhỏ dẫn thẳng tới lễ hội và len lỏi chạy sâu vào những vạt rừng sở phía xa, Thanh Tùng bảo, đó là con đường nội thôn của Đồng Long mới được hoàn thành vào đầu năm nay... nhưng việc làm đường không phải để tổ chức lễ hội mà để phục vụ cho nhu cầu thu hoạch lâm sản của bà con. Dù vậy, cả con đường bê tông chạy dài giữa những vạt rừng sở xanh thẫm đang nở trắng màu hoa như của “trời cho” dành riêng cho lễ hội vậy. Du khách thả bộ leo con dốc nhỏ có thể vừa đi vừa ngắm hoa, tạo dáng chụp ảnh rất đẹp.

Tranh thủ trò chuyện với hai bạn đồng nghiệp, chúng tôi lại thêm phần ngạc nhiên nữa khi biết lễ hội hoa sở đã được Bí thư Đảng uỷ xã Đồng Tâm ấp ủ từ lâu, khi anh còn là Bí thư Huyện Đoàn Bình Liêu. Ý tưởng ấy cứ nhen nhóm, lớn dần cho đến khi anh về nhận nhiệm vụ đúng vùng hoa sở lớn nhất của huyện, lại gặp cơ hội thuận lợi khi Bình Liêu đang định hướng phát triển các vùng du lịch với khát khao những sản phẩm du lịch đặc trưng. Vậy là được “thiên thời” rồi lại có “địa lợi” nữa, bởi ngắm đi ngắm lại mảnh đất thôn Đồng Long có một khoảng đất rộng rãi, rất đẹp với hai bên trồng những hàng sở lớn, không thể đẹp hơn để mở hội ở đây. Việc cuối cùng là vận động cán bộ xã và bà con vào cuộc để tổ chức lễ hội. Nói thì vậy, nhưng ý tưởng này mới mẻ quá, chưa phải ai cũng nghĩ thông suốt để mà dễ dàng nhập cuộc ngay, thậm chí không ít người ngần ngại, e sợ...

“Thời gian chuẩn bị khá gấp gáp, chỉ có khoảng hơn chục ngày thôi mà khối lượng công việc rất lớn nhưng chúng tôi phải tỉ mỉ đến từng chi tiết với mục tiêu để lễ hội do một xã nghèo tổ chức “ra tấm ra món”, để bà con thấy rằng lễ hội không chỉ diễn ra một lần mà sẽ còn lần sau nữa. Cả một quá trình vận động gian nan lắm, thậm chí, trước thời điểm lễ hội một hôm, anh em xã vẫn tiếp tục phải điều đình để bà con cùng “chia sẻ lợi ích, trách nhiệm”, cho xã mượn đất phục vụ tổ chức lễ hội. Rồi vấn đề kinh phí nữa, dù lãnh đạo huyện ủng hộ chủ trương tổ chức lễ hội nhưng nguồn vốn hỗ trợ cho lễ hội thì... đi sau một bước. Vì vậy, để kịp thời tổ chức lễ hội, lãnh đạo xã phải đôn đáo lo kinh phí...” - Thanh Tùng kể cho chúng tôi nghe những nỗi niềm mà chỉ những người trong cuộc mới hay.

“Vạn sự khởi đầu nan”, bù lại nhìn lễ hội thành công ai cũng thấy nhẹ lòng, phấn khởi, chúng tôi như cũng vui mừng hơn cho hai người bạn “cán bộ xã” đặc biệt của mình. Chia sẻ niềm vui này, người “đứng mũi chịu sào” - Bí thư Đảng uỷ xã Đồng Tâm Hoàng Kiên Trung tâm sự: Cây sở đã gắn bó, gần gũi với bà con Bình Liêu từ lâu, giờ chúng ta có cơ hội để khơi dậy tiềm năng từ cây sở. Lễ hội hoa sở chưa có tiền lệ ở huyện, tỉnh, nhờ sự ủng hộ đồng bộ của các cơ quan chức năng, truyền thông đã làm nên một điều mới. Bà con cũng vậy, bền bỉ vận động kiểu “nói cho dân hiểu, làm cho dân xem”, dần dần bà con đã hiểu và ủng hộ. Với thành công của ngày hội hôm nay, chúng tôi rất mong muốn huyện sẽ quy hoạch trung tâm rừng sở của xã trở thành điểm giao lưu văn hoá, ẩm thực, cho du khách trong và ngoài tỉnh đến thưởng ngoạn hoa sở và thưởng thức dầu sở chất lượng cao nơi đây”.

Đôi điều bàn thêm

Về với lễ hội hoa sở, đoàn chúng tôi chủ động trong việc lo các điều kiện phụ trợ phục vụ cho đoàn. Điều đáng nói là dù các điều kiện vẫn còn những hạn chế nhất định nhưng để lại thiện cảm cho chúng tôi là những người dân thân thiện, mến khách, không hề có sự “chặt chém”, từ các dịch vụ nhỏ trong lễ hội đến những dịch vụ ăn, nghỉ khu vực lân cận như Hoành Mô, thị trấn Bình Liêu.

Đi lễ hội, anh em phóng viên kể cho nhau nghe một lan toả thú vị về lễ hội hoa sở, đó là có cơ quan truyền thông trung ương đã thông tin rằng, Quảng Ninh... tổ chức lễ hội hoa sở. Vậy là từ một lễ hội cấp huyện, do một xã nghèo tổ chức, lễ hội hoa sở đã có tiếng vang có sức lan toả rộng, vươn xa, trở thành một sản phẩm du lịch của Quảng Ninh. Tự nhiên, nghe điều này lại gợi cho tôi một ý tưởng thú vị khi mơ xa rằng, lễ hội hoa sở sẽ trở thành một lễ hội hoa truyền thống của Bình Liêu, Quảng Ninh giống như lễ hội hoa tam giác mạch ở Đồng Văn (Hà Giang), lễ hội hoa ban ở vùng Tây Bắc... Tại sao lại không chứ, biết đâu giấc mơ xa này sẽ thật gần nếu chúng ta nắm bắt và phát huy tốt cơ hội này, khi từ lễ hội lần đầu tiên đã hé mở một cơ hội, tiềm năng lớn cho sự phát triển của du lịch vùng biên giới Bình Liêu nói riêng, phục vụ chiến lược phát triển xanh, bền vững của Quảng Ninh nói chung./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục