Non nước Việt Nam

Nhà dài - Bản sắc văn hoá của người Ê Đê

Cập nhật: 11/11/2008 08:11:52
Số lần đọc: 2166
Tây Nguyên là vùng đất đỏ bazan dễ lầy lội vào mùa mưa, và lắm bụi vào mùa khô, nên các ngôi nhà của cư dân sinh sống nơi đây thường chọn kiểu nhà sàn vừa thoáng mát lại cao ráo, sạch sẽ. Nhưng không giống với các dân tộc khác cùng sinh sống trên mảnh đất Tây nguyên này, người Ê Đê thường sống chung trên một mái nhà sàn hình con thuyền rất dài theo một gia đình lớn mẫu hệ mà người ngoài thường bảo là "dài như tiếng chiêng ngân".

Trước đây các ngôi nhà dài có thể dài đến trăm mét cho cả năm sáu gia đình nhỏ cùng chung sống. Ngày nay thì chỉ còn khoảng 20m đến 30m. Vật liệu dựng nên ngôi nhà lấy từ các loài thảo mộc gần nơi sinh sống mà thường là tre, gỗ và mái lợp tranh. Trong những năm gần đây đời sống đồng bào có khá hơn nên đa số nhà chuyển sang lợp mái tôn.

Người Ê Đê thường chọn hướng bắc - nam để dựng các ngôi nhà của mình với ý đồ che đỡ hai luồng gió mùa đông bắc và tây nam, vào mùa mưa lại dựa vào thế mái nhà hình thuyền độc đáo của mình để tận hưởng sức nóng của mặt trời khi có nắng để hơ sấy các phòng.

Ngôi nhà Ê Đê có hai cửa, cửa phía trước dành cho khách và nam giới, cửa phía sau dành cho những người phụ nữ trong gia đình. Thường thì ở cửa trước những ngôi nhà sàn lớn được dựng ba cầu thang, một chính ở giữa còn hai cầu thang hai bên là phụ. Với những ngôi nhà giàu, có thế lực trong buôn thì cầu thang chính là những tấm ván có bậc, đầu đẽo uốn về trước như một con thuyền đang cỡi sóng với những hình chạm nổi như vầng trăng khuyết hay đôi bầu vú của người phụ nữ.

Bên trong không gian ngôi nhà lại được chia thành phần: phần Gah dành làm nơi tiếp khách, cúng thần, sinh hoạt chung của cả gia đình và là chỗ ngủ của con trai chưa vợ. Còn phần còn lại gọi là Ôk, là không gian riêng của các đôi vợ chồng. Nơi này được chia thành nhiều buồng nhỏ mà theo thứ tự thì buồng thứ nhất từ cửa vào dành cho gia đình vợ chồng người đứng đầu gia đình; tiếp đó là buồng để đồ dùng cũng là buồng của người con gái út, người được thừa kế gia đình sau khi lập gia đình rồi mới đến buồng của cô gái cả và thứ.

Sàn nhà phần Gah thường rộng và được trang trí rất đẹp. Xưa kia có nhà còn dựng phía trước sàn khách một đôi cột thẳng theo hàng cột cái mà người dân gọi là cột chì. Cột này cao khoảng 2 mét, được đẽo gọt khá công phu, dùng buộc dây phơi chỉ dệt vải. Bên trong sàn là một đôi ghế lộ thiên thẳng hai hàng cột cái cũng được chạm trỗ hình trăng non và các hình kỷ hà là mẫu thêu truyền thống trên nền vải truyền thống của người Ê Đê. Bên trong sàn khách này lại có bốn cột chính phân chia ngôi nhà thành những phần riêng biệt: cột phía đông dành làm nơi khách ngồi, cột phía tây là nơi để chiêng, cồng, cột thứ ba là cột ngăn giữa phần Gah và Ôk, cột thứ tư là cột trống là nơi đặt chiếc trống cái. Tất cả những vì cột này đều được làm bằng gỗ tốt có sẵn trong rừng như giáng hương, cẩm lai. Đối những nhà giàu có, có thế lực trong buôn thì cây cột ngăn được chạm trỗ rất kỳ công với hình nồi ba, nồi bảy,ngà voi, vầng trăng non, voi rùa, kỳ đà..khá tinh xảo nhưng rất tự nhiên.

Cách thức tổ chức nên những công trình kiến trúc của người Ê Đê mang tính cộng đồng rất rõ rệt mà ngôi nhà dài, ghế độc mộc, các hình khắc trên hàng cột là những biểu hiện của trí tưởng tượng độc đáo, sáng tạo của đồng bào Ê Đê trong văn hóa vật chất.

Nguồn: website TT-Huế

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT