Non nước Việt Nam

Khặp Thái: Nét đẹp văn hóa ở Mường Lát, Thanh Hóa

Cập nhật: 10/11/2008 08:38:36
Số lần đọc: 2126
Hòa trong dòng chảy văn hóa chung của đất nước nhưng lại mang đậm nét văn hóa riêng của dân tộc mình, đồng bào dân tộc Thái, huyện Mường Lát có nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú, trong đó khặp là một trong những loại hình sinh hoạt văn hóa lâu đời, truyền tụng trong nhân dân với ý nghĩa ngợi ca quê hương, đất nước; ca tụng công lao của tổ tiên, gia đình, cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng dân cư; khặp mừng đón năm mới, mùa mới, nhà mới, đám cưới; khặp bày tỏ tấm lòng; khặp thăm hỏi; khặp chúc mừng; khặp giao duyên... 

Đây là một hình thái sinh hoạt văn hóa mà nhân dân vừa là người sáng tác nên những lời ca, vừa là  “diễn viên” trình bày lời ca đó. Chính vì đặc thù mang tính cộng đồng nên khặp Thái còn có chức năng nâng đỡ, khích lệ  tinh thần con người, giúp bà con bản làng vượt qua khó khăn, hoạn nạn và có thêm sức mạnh để xây dựng cuộc sống mới với tinh thần thương yêu, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau.

 

Thông thường trong một hội khặp có thể gồm một tập thể đông người, trong đó có một người đại diện khặp, những người khác trong vai trò lắng nghe, cổ vũ và tùy vào từng hoàn cảnh, ý nghĩa của lời khặp mà có thể có  một người khắc khặp đối lại, nhưng cũng có khi chỉ khặp một mình và hỗ trợ cho tiếng khặp đôi khi có cả người thổi khèn, thổi sáo đứng phụ họa. Nhưng cũng không nhất thiết khi khặp  là phải có khèn và sáo thổi phụ họa. Ví dụ khặp ca ngợi một “bản làm kinh tế giỏi và giữ gìn an ninh trật tự tốt” do một người nam hay nữ, không kể già, trẻ thay mặt mọi người khặp trong những dịp tết, lễ hội, hoặc đi thăm một làng làm kinh tế giỏi hoặc có khách đến thăm, làng bản cử một đại biểu khặp để vừa tỏ lòng hiếu khách vừa là dịp đề cao khen ngợi, báo cáo thành tích của làng bản cho khách biết. Tuy nhiên, lời của bài khặp có thể biến đổi, sáng tạo tùy theo hoàn cảnh cần biểu hiện phản ánh trong bài khặp để cho phù hợp với nội dung của bài khặp. Chính vì vậy mà “nghệ sĩ” được cử làm đại diện khặp là người không chỉ có giọng khặp hay mà còn là người thông minh, am hiểu về một số  phong tục quê nhà để còn có thể sáng tạo ra lời khặp sao cho có âm điệu hay mà vẫn giữ được ý cần biểu đạt tốt.

 

Ông Lương Quý Hội, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: khặp nghĩa  thực là hát ru, nhưng còn có nghĩa là thơ ca, làn điệu dân ca và cách trình diễn thơ ca. Người Thái huyện Mường Lát thường biết đến khặp từ bé khi ngồi bên bếp lửa mùa đông, trong những đêm trăng sáng, trong dịp lễ tết, trong lễ cưới hay trên nương, trên rẫy được  nghe ông bà, cha mẹ, anh chị, bạn bè khặp trong tiếng sáo réo rắt, tiếng khèn trầm bổng và đây là loại hình văn hóa quý giá không thể vắng mặt trong những ngày hội của bà con dân tộc Thái Mường Lát.

 

Ngoài ra, những bài khặp giao duyên cũng là những bài khặp có sức sáng tạo lớn của các đôi trai gái có cảm tình đến với nhau thông qua những bài khặp trong những đêm trăng sáng, sau mùa gặt hái, hay trong ngày tết và các dịp lễ hội thấm đẫm chất lãng mạn và tràn đầy yếu tố nhân văn. Nhờ lời khặp mà họ đã đi đến tình yêu và hôn nhân tốt đẹp.

 

Tiềm ẩn sâu trong đời sống nhân dân huyện Mường Lát là những loại hình văn hóa đặc sắc mà khặp của đồng bào dân tộc Thái là một ví dụ. Mỗi khi ta được nghe lời khặp, mọi nỗi mệt nhọc ưu phiền dường như tan biến, trong lòng mỗi người  ngọn lửa yêu quê hương, yêu con người lại bừng sáng.

Nguồn: website báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT