Non nước Việt Nam

Cứ điểm Độc Lập: điểm hẹn du lịch lịch sử - văn hóa của Điện Biên

Cập nhật: 05/11/2008 08:28:40
Số lần đọc: 2127
Đồi Độc Lập, nằm ở phía đông bắc vùng lòng chảo huyện Điện Biên, thuộc xã Thanh Nưa. Trước đây đồi Độc Lập là một cứ điểm quan trọng (mà thực dân Pháp đặt tên là Gabrielle, tên một cô gái đẹp của nước Pháp) thuộc Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp năm xưa.

Với nhiệm vụ án ngữ phía đông bắc, nhằm ngăn chặn đường tấn công của bộ đội ta từ Lai Châu xuống và bảo vệ cho sân bay Mường Thanh; tại đây, quân đội Pháp bố trí nhiều hỏa lực mạnh và tiểu đoàn lính tinh nhuệ đã từng chinh chiến và bất bại ở nhiều nơi trên thế giới. Cứ điểm Độc Lập được thực dân Pháp tuyên bố là một trong những pháo đài bất khả xâm phạm.

Ông Quàng Văn Ky, 97 tuổi, dân tộc Thái bản Nà Ten, xã Thanh Nưa cho biết: Trước ngày thực dân Pháp chiếm đóng đồi Độc Lập, nơi đây là rừng cây xanh tốt, nhiều cây to đường kính 40-50cm. Hàng năm, bà con dân bản Mển, Nà Nốm, Nà Ten mổ trâu, lợn, gà... mang đến đây làm lễ cúng bản, cúng mường (xên bản, xên mường) theo phong tục của dân tộc, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, bà con dân bản mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi...Khi chiếm đóng quân Pháp phá rừng cây ở đồi Độc Lập lấy gỗ làm lán trại, công sự, lô cốt, không đủ nguyên liệu, lính Pháp vào mấy bản gần đó phá nhà dân để lấy gỗ. Không những thế, bọn chúng còn bắt nhân dân các bản quanh cứ điểm Độc Lập đến ở tập trung tại bản Mớ (xã Thanh Nưa) cách đó vài km, chúng sợ đồng bào che giấu Việt Minh. Ngày 15/3/1954, bộ đội Sư đoàn 312 và 308 của Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh tan và giải phóng cứ điểm Độc Lập. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử kết thúc, cứ điểm Độc Lập là bãi chiến trường đổ nát hoang tàn, mặt đất bị bom đạn cày xới, hầm hố giao thông hào chằng chịt, ngổn ngang dây thép gai, vỏ đạn, pháo, bom, mìn. Những năm sau này, nơi đây được Nhà nước quản lý là một điểm trong quần thể di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Dưới chân đồi cứ điểm Độc Lập không xa là các bản: Mển, Nà Nốm, Tông Khao, Nà Ten... của đồng bào Thái, do ảnh hưởng của chế độ cũ để lại hầu hết đồng bào đói nghèo và mù chữ. Sản xuất lúa một vụ, năng suất thấp, gia súc gia cầm nuôi nhốt dưới sàn nhà, mê tín dị đoan... Hòa bình lập lại, nhân dân các bản quanh cứ điểm Độc Lập nói riêng, vùng lòng chảo Điện Biên nói chung đoàn kết, khôi phục hàn gắn vết thương chiến tranh, thi đua phát triển sản xuất. Với sự của Nhà nước, trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi Nậm Rốm... được xây dựng phục vụ đời sống nhân dân. Hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội bị bài trừ, cuộc sống mới của nhân dân đã hồi sinh và từng bước cải thiện trên chính mảnh đất bị bom đạn cày xới năm xưa.

Dưới chân đồi cứ điểm Độc Lập năm xưa bây giờ là bản trên, mường dưới trù phú và no ấm. Các em thơ cắp sách đến trường, bản làng đêm đêm rực rỡ ánh điện. Trường học các cấp, trạm y tế, điểm bưu điện văn hóa, trụ sở UBND xã, nhà dân... những công trình khang trang và ngói hóa đã mọc lên. Đói nghèo và lạc hậu năm xưa bị đẩy lùi, nay là những bản, thôn văn hóa, mọi người no ấm, nhiều hộ đang vươn lên làm giàu. Bãi chiến trường đổ nát năm nào nay là cánh đồng 2 - 3 vụ tươi tốt với những mùa vàng bội thu. Hạt gạo nơi đây đã trở thành đặc sản bay xa khắp các tỉnh thành trong nước. Cuộc sống mới, sức sống mới đã về trên vùng đất lịch sử năm xưa.

Cứ điểm Độc Lập, nơi lưu giữ giá trị lịch sử văn hóa của cuộc kháng chiến vĩ đại, nhắc nhở các thế hệ con cháu mai sau phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, xây dựng quê hương đất nước đẹp giàu. Nơi đây đã trở thành điểm hẹn du lịch của du khách trong nước và quốc tế.

Nguồn: website báo ĐBP

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT