Hành trang lữ khách

Suối Giàng (Yên Bái): Ngày hội văn hoá Mông

Cập nhật: 20/10/2008 14:10:41
Số lần đọc: 2312
Suối Giàng – cái tên dường như đã trở nên quen thuộc với nhiều du khách gần xa mỗi khi có dịp ghé thăm Văn Chấn, Mường Lò và hôm nay, trong Tuần văn hoá Du lịch Mường Lò, một lần nữa du khác lại được chiêm ngưỡng, đắm mình trong vẻ đẹp hoang sơ tiềm ẩn bên 3 vạn cây chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi, với những lễ hội giàu bản sắc văn hoá dân tộc của người Mông nơi đây.

Nằm ở độ cao 1.371m so với mực nước biển, có cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ bốn mùa mây phủ, trên ba vạn cây chè Shan tuyết cổ thụ, những cánh rừng nguyên sinh, những thác nước luôn tuôn trào chảy mãi, chẳng thế mà Suối Giàng đã mang dáng dấp, thấp thoáng của một Đà Lạt mộng mơ.

 

Suối Giàng sáng thu nay rạo rực, tấp nập khác thường, hàng ngàn du khách từ trên khắp mọi miền của tổ quốc tụ hội về đây để cùng hoà mình vào những ngày hội văn hoá dân tộc Mông vùng Mường Lò.

 

Đến Suối Gàng để được hoà mình và khám phá nét văn hoá, cuộc sống của trên 350 hộ người Mông giàu truyền thống văn hoá, lịch sử. Tụ hội về đây còn để được thưởng thức hương vị thơm nồng từ chén chè Shan tuyết bên bếp lửa bập bùng do chính tay người Mông làm ra.

 

Nhâm nhi bên chén chè ấm đậm tình người vùng cao, hương chè nồng nàn tinh khiết du khách cảm thấy đắm say trong hương sắc, trong cảnh vật êm ả của núi rừng. Nghe những câu chuyện cổ tích về chàng Cun và nàng Ban và về những cây chè Shan tuyết…

 

Cây chè là nguồn sống, nhưng cũng là nét văn hoá gắn bó với đồng bào dân tộc Mông, cây chè cũng là nơi để gửi gắm ước mơ, cảm tạ trờ đất đã ban phước lành cho dân bản. Hàng năm cứ vào dịp tháng 10, theo nghi lễ truyền thống người Mông Suối Giàng lại sắm lễ cúng cây chè tổ để cảm tạ trời đất, cảm tạ cây chè Shan. Trong nghi lễ trang nghiêm, già làng thắp hương và khẩn cầu:

 

“ ...Cầu thần trời, thần đất, thần chè phù hộ, che chở cho vạn vật, cầu cho mưa thuận gió hoà, cuộc sống của người dân ấm no hạnh phúc. Nhớ khi xưa mới đến định cư, nơi đây chỉ có vài nóc nhà, cuộc sống đói rét lầm than… nhờ ơn Đảng người Mông có cây chè quý, có được nguyồn thu đáng kể, xoá được cái đói, giảm được cái nghèo”.

 

Lên Suối Giàng du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những cây chè cổ thụ, được thưởng thức hương vị chè xanh mà còn được hoà mình trong nét văn hoá đặc sắc của cộng đồng người Mông. Khèn là một nhạc cụ không thể thiếu được trong đời sống tinh thần và sinh hoạt hàng ngày, tiếng khèn thể hiện tâm tư, tình cảm, sự chia sẻ trong cuộc sống. Đối với các chàng trai Mông, khèn là người bạn tri kỷ thì đối với các cô gái Mông chiếc đàn môi là người bạn tâm giao, khèn và đàn môi còn là tiếng gọi của "trái tim, tình yêu"...

 

"Em là nàng tiên hay công chúa mà đẹp như hoa nở giữa núi rừng

Nếu em chưa có đôi lứa và không phiền lòng thì hãy đến đây tâm tình cùng anh..."

"Em không đẹp đến thế đâu anh

Cha mẹ em sinh ra như thế nào thì nay em vẫn thế

Em vẫn cô đơn một mình như con chim lạc đàn vẫn chưa tìm được tổ ấm

Nếu em bay đến, anh có đậu cùng cành với em không..."

 

Du khách còn được tham gia những chò chơi dân gian đặc trưng của người Mông như: ném pao, đẩy gậy, đánh quay... Gần gũi và rất đỗi đời thường, những chàng trai, cô gái Mông xúng xính trong bộ váy áo sặc sỡ sắc màu uyển chuyển vừa khèn vừa múa và hát những bài ca ơn Đảng, Bác Hồ khiến du khách phải ngỡ ngàng, đắm say.

 

Múa sạp là một biểu tượng tinh thần đoàn kết các dân tộc, một biểu tượng văn hoá Tây  Bắc. Múa sạp vừa dân giã nhưng cũng đầy cao quý. Điệu múa sạp không chỉ nối tiếng trong vùng Tây Bắc mà còn làm thích thú, đắm say bạn bè quốc tế. Những thiếu nữ, chàng trai dân tộc Mông, Tày, Mường, Kinh... cùng nắm tay múa sạp, những bàn chân mải mê, rộn ràng mà uyển chuyển đến vậy.

 

Thăm quan những gian làng nghề truyền thống như; dệt thổ cẩm, làm rèn truyền thống, các công đoạn làm sáo Mông… tất cả tái hiện lại cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của người dân tộc Mông.

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục