Non nước Việt Nam

Di sản văn hóa đá ở Phú Yên

Cập nhật: 07/10/2008 09:38:59
Số lần đọc: 2531
Phú Yên là tỉnh duyên hải nhưng có đến 3/4 diện tích là núi rừng với nhiều nhánh Trường Sơn vươn ra biển đông. Bởi vậy, các di sản văn hóa gắn liền với vật liệu đá có những giá trị mang tính đặc thù, góp phần quan trọng tạo nên tầm cao và chiều sâu văn hóa của một vùng đất.

Di sản văn hóa đá ở Phú Yên có giá trị văn hóa đặc thù, là một điểm nhấn đầy ấn tượng của con đường di sản văn hóa nhân loại qua miền Trung.

 

Di sản văn hóa đá không chỉ làm nên vẻ đẹp mà còn tạo nên sức mạnh tinh thần cho một vùng đất. Vì vậy, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa đá đã đang và sẽ là nội dung quan trọng của tỉnh Phú Yên trong sự nghiệp chấn hưng văn hóa dân tộc trong xã hội hiện đại.

 

Bởi vậy, Đảng và nhân dân ta đang kế thừa và phát huy các giá trị tinh thần, đạo đức và thẩm mỹ các di sản văn hóa, trong đó có di sản văn hóa đá, bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh của đất nước. Trong điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế, chúng ta càng đặc biệt quan tâm gìn giữ và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc, giới thiệu rộng rãi những giá trị độc đáo của “hồn đá” Phú Yên với bạn bè trong và ngoài nước để nâng cao lòng tự hào dân tộc.

 

Di sản văn hóa đá dù thuộc yếu tố tự nhiên hay nhân tạo trước hết thuộc về văn hóa vật thể. Qua vật thể đá cụ thể, các di sản văn hóa đá chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học rất độc đáo. Chính hồn đá lắng sâu qua các vật thể văn hóa đá (yếu tố phi vật thể) mới là nội dung quan trọng góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử, tâm linh và nuôi dưỡng tâm hồn con người.

 

Chỉ cần điểm qua một vài di sản văn hóa đá tiêu biểu của Phú Yên, chúng ta dễ dàng nhận thấy mối quan hệ biện chứng sâu sắc giữa giá trị văn hóa vật thể và giá trị văn hóa phi vật thể trong từng di sản cụ thể.

 

Di chỉ khảo cổ Gò Ốc (thôn Thọ Lộc, xã Xuân Bình, huyện Sông Cầu) phát hiện hàng loạt các loại rìu đá dạng ngắn bằng đá granit, màu gan gà, lốm đốm những hạt trắng và rìu lưỡi lệch, được chế tác từ một mảnh diệp thạch màu xám xanh. Di chỉ Hang Beo cách đó 600 mét và di chỉ khảo cổ Cồn Đình (thôn Diêm Trường, xã Xuân Lộc, huyện Sông Cầu) cách di chỉ Gò Ốc 1km cũng khai quật được 51 hòn ghè là đá cuội tròn, nhẵn, 25 hòn kê có vết lõm trên mặt là dấu vết của quá trình ghè, đẽo. Tất cả các hiện vật bằng đá thu được ở các di chỉ trên được chế tác bằng kỹ thuật ghè, đẽo cổ truyền. Cùng với các hiện vật bằng gốm hiển lộ trong hố khai quật, các di sản văn hóa bằng đá ở các di chỉ khảo cổ nêu trên nói lên một điều, cách đây khoảng 3000 năm đã có con người sinh sống trên vùng đất này. Đó là thời kỳ văn minh đồ đá mới. Họ đã biết trồng trọt và chăn nuôi với những công cụ sản xuất thô sơ là rìu đá, cuốc đá.

 

Tương tự, di chỉ khảo cổ học ở Sơn Thành (huyện Tây Hòa) chứng minh rằng đây là một xưởng chế tác công cụ sản xuất bằng đá có quy mô lớn của các cư dân vùng đất này thời kỳ tiền sơ sử.

Từ các di sản văn hóa đá cụ thể (rìu đá, cuốc đá) chúng ta đi đến kết luận rằng, có một nền văn hóa đồ đá mới ở Phú Yên, đó là nền văn hóa Sa Huỳnh mà không gian của nó trải rộng khắp mảnh đất miền Trung.

 

Các di sản văn hóa đá khai quật được góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử văn hóa của vùng đất Phú Yên thời kỳ tiền sơ sử.

 

Yếu tố nhân tạo trong các di sản văn hóa đá ở Phú Yên không thể không đề cập đến hai nhạc cụ độc đáo là kèn đá và đàn đá Tuy An. Kèn đá được phát hiện năm 1995 tại thôn Phú Cần, xã An Thọ, huyện Tuy An. Các nhà khoa học xác định đây là một loại nhạc khí cổ có niên đại cách đây 2500 năm. Kèn đá có lỗ thổi hơi vào và lỗ thoát hơi ra. Phía trong ruột lỗ có gờ hình xoắn ốc, khi thổi tạo nên âm thanh có cao độ khác nhau. Chất liệu chế tác kèn đá là đá bazan sẵn có ở địa phương.

 

Đàn đá Tuy An là một nhạc cụ bằng đá gồm 8 thanh được phát hiện năm 1992 tại Núi Một thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An có niên đại hơn 2500 năm. Đây là bộ đàn đá có thang âm hoàn chỉnh nhất trong tất cả các bộ đàn đá được phát hiện tại Việt Nam từ trước đến nay. Hai di sản văn hóa nhạc cụ bằng đá này là bảo vật quốc gia. Ngoài giá trị âm nhạc vô cùng độc đáo, hai di sản văn hóa nhạc cụ bằng đá này tôn vinh những chủ nhân đã chế tác ra nó, thể hiện một nền văn minh thời đồ đá mới khá rực rỡ trên đất Phú Yên.

 

Những di sản văn hóa đá thiên nhiên (thiên tạo) tại Phú Yên có rất nhiều. Xin dẫn chứng 3 di sản tiêu biểu. Trước hết, đó là Gành Đá Dĩa - di tích thắng cảnh quốc gia, có một không hai của cả nước. Là cảnh quan thiên tạo nhưng đá nơi đây được dựng đứng theo từng cột, liền khít nhau, có tiết diện hình lục giác hoặc hình tròn, giống như những cái dĩa có bàn tay con người xếp chồng lên nhau. Ngoài giá trị cảnh quan vô cùng kỳ thú, Gành Đá Dĩa còn là một hiện tượng địa chất rất độc đáo ở nước ta, có giá trị nghiên cứu khoa học rất lớn.

 

Một thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú ở Phú Yên là Hòn Vọng Phu. Cả nước có 5 Hòn Vọng Phu ở Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định nhưng chỉ có Hòn Vọng Phu Phú Yên với hai khối đá Granit khổng lồ giống như người mẹ đang bồng con ngóng chồng nơi biển xa. Bởi vậy Hòn Vọng Phu Phú Yên còn có tên là Mẹ Bồng Con (người Pháp gọi là La Merè et L’enfant). Hòn Vọng Phu Phú Yên là một trong những biểu tượng của Phú Yên, là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Lê Thương sáng tác 3 bài Hòn Vọng Phu sống mãi cùng năm tháng.

 

Di sản văn hóa đá thiên nhiên độc đáo nhất ở Phú Yên là Núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn) với một tảng đá khổng lồ sừng sững trên đỉnh núi. Tảng đá ấy là một trong những biểu tượng của tỉnh Phú Yên gắn với những huyền tích lịch sử, văn hóa của một vùng đất.

 

Ngược dòng lịch sử, thời Phú Yên còn thuộc vương quốc Chăm-pa, bà con người Chăm xem núi Đá Bia là ngọn “Núi thiêng” tượng trưng cho vị Đại Sơn Thần (thần Siva). Đá Bia với tảng đá lớn cao vút trên đỉnh núi tượng trưng cho linga (sinh thực khí nam) tự nhiên. Trong các bia ký cổ, người Chăm gọi núi Đá Bia là ngọn núi thiêng Lăng-già-bát-bạt-đa (Lingaparvata) được quan niệm như một ranh giới giữa những tiểu vùng (mandala). Núi Đá Bia có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của người Chăm.

 

Trải bao năm tháng, núi Đá Bia hằn sâu trong tâm thức các thế hệ người Phú Yên. “Chóp Chài đội mũ, mây phủ Đá Bia”, “Chiều chiều mây phủ Đá Bia”, tâm hồn người xưa qua câu ca dao ăn sâu vào máu thịt của nhiều thế hệ tạo nên hồn đất, tình người của một vùng quê.

 

Đá Bia sừng sững giữa mây trời là chứng nhân của biết bao sự kiện bi hùng của Phú Yên một thời mở nước, dựng nước và giữ nước.

 

Dưới chân Đá Bia, sông Bàn Thạch quanh co uốn khúc, trườn mình ra biển, qua cửa Đà Nông. Một cây cầu hiện đại đã nối đôi bờ kết hợp với sự chỉnh trị dòng sông, chấm dứt cảnh bên lở bên bồi.

 

Những ai đã từng leo lên tận đỉnh Đá Bia và mơ trở lại hoặc chỉ nhìn Đá Bia thấp thoáng cuối chân mây để mơ ước một lần du khảo thì hãy nhanh chân lên. Đá Bia cao ngất trong tâm tưởng nhưng cũng chỉ 706 mét. Một cuộc hành hương về ngọn núi thiêng để ngắm quê hương cẩm tú không có gì là quá xa vời với bất cứ ai nặng tình với quê hương đất nước.

Nguồn: website báo Phú Yên

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT