Non nước Việt Nam

Tổng Gối (Hà Nội): Cái nôi của chèo tàu và di tích lịch sử văn hoá

Cập nhật: 01/10/2008 10:41:48
Số lần đọc: 2253
Tổng Gối gồm bốn làng: Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỳ và Phan Long (nay là xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với lễ hội hát chèo tàu độc đáo.  

Tổng Gối không chỉ là cái nôi của những làn điệu chèo tàu mượt mà, nơi đây còn có hai tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là miếu Voi Phục và lăng Văn Sơn gắn với những trang sử oanh liệt trong thế kỷ thứ 15 và thế kỷ thứ 20.

 

Miếu Voi Phục xây dựng năm 1420, theo hình chữ “công” trên khu đất hình tròn vòng cung. Miếu nằm ở giữa làng Thượng Hội, gồm có ba nhà: hậu cung, trung cung và tiền tế. Trước cổng tam quan, có đắp hình hai con voi quỳ nên mới có tên là miếu Voi Phục. Miếu Voi Phục thờ Văn Dĩ Thành (1380-1416) người có công phò vua Trần Trùng Quang đánh giặc Minh xâm lược trong những năm đầu thế kỷ thứ 15. Văn Dĩ Thành sinh ra ở vùng Cối Sơn (tổng Gối). Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã bộc lộ tư chất thông minh, thông thạo binh thư, kinh sử. Khi lớn lên, ông sang vùng Hạ Lôi, Mê Linh, Vĩnh Phúc dạy học. Nhớ ơn dạy dỗ của Văn Dĩ Thành, hiện nay ở Hạ Lôi vẫn còn đền thờ ngài. Không chịu nổi ách áp bức của giặc Minh, Văn Dĩ Thành đã chiêu binh mộ mã tổ chức nghĩa quân chống giặc xâm lược. Ông được tôn vinh là Nguyên súy Hắc y nhất bộ. Nghĩa quân toàn mặc đồ đen nên gọi là “hắc y”. Với chiến lược quân sự tài tình thể hiện ở “Lục điều kim vọng” (sáu điều vàng ngọc) do Văn Dĩ Thành soạn thảo để răn dạy quân sĩ, nghĩa quân đã gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Ông đã hy sinh anh dũng vào ngày 12/3/Bính Thân (1416) khi bị giặc đánh úp. Để ghi nhớ công ơn của vị nguyên soái tài ba, người dân nơi đây đã tôn Văn Dĩ Thành là thành hoàng làng và xây dựng miếu Voi Phục làm nơi thờ phụng.

 

Miếu Voi Phục còn lưu giữ 40 đạo sắc phong do các triều đại từ Hậu Lê 1620 đến Hậu Nguyễn 1924 ban tặng cho Văn Dĩ Thành, trong đó có những danh hiệu cao quý như: “Nam thiên thượng đẳng thần”, “Anh hùng hào kiệt”, “Hữu công tối đại”…

 

Miếu Voi Phục không chỉ là di tích lịch sử văn hóa có giá trị, nơi đây còn là di tích cách mạng. Sau 60 ngày đêm quyết chiến với giặc Pháp bảo vệ Hà Nội, Trung đoàn Thủ Đô rút khỏi Hà Nội sang Đông Anh. Sau đó, ngày 22 tháng 2 năm 1947, Trung đoàn Thủ Đô đã tập kết tại miếu Voi Phục và gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại đây. Ngày 20 tháng 12 năm 1998, nhân dịp xã Tân Hội được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tướng đã về thăm lại miếu Voi Phục và trồng cây đa ở lăng Văn Sơn.

 

Nhằm ca ngợi ân đức của Văn Dĩ Thành, nhân dân tổng Gối đã sáng tạo ra loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo: hát chèo tàu. Ngày xưa, hội hát chèo tàu cứ 25 năm tổ chức một lần. Sau thời gian dài bị ngắt quãng, hát chèo tàu bị mai một nhiều. Xã Tân Hội đã thành lập câu lạc bộ hát chèo tàu để khôi phục loại hội hát có tính chất nghi lễ này. Miếu Voi Phục là nơi mà câu lạc bộ sinh hoạt và tập luyện. Ngày nay, cứ 5 năm một lần hội được tổ chức từ ngày 12 đến ngày 15 tháng Giêng tại lăng Văn Sơn.

 

Với những giá trị lớn lao như vậy, miếu Voi Phục và lăng Văn Sơn đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tháng 7 năm 1997.

 

Nguồn: website QĐND

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT