Hoạt động của ngành

Châu Đốc (An Giang) rộn ràng vào mùa lễ hội

Cập nhật: 15/05/2013 08:52:41
Số lần đọc: 1983
Dù còn hơn nửa tháng nữa mới chính thức diễn ra Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam nhưng TX. Châu Đốc đang bước vào mùa cao điểm đón du khách. Đây là năm thứ 13, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được nâng lên thành lễ hội cấp Quốc gia...

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam là một lễ hội tín ngưỡng dân gian được diễn ra hàng năm tại miếu Bà Chúa Xứ thuộc xã Vĩnh Tế (nay là phường núi Sam). Với lợi thế và sự phát triển mạnh mẽ của lễ hội, từ nhiều năm qua, lượng du khách đến cúng viếng, du lịch tâm linh tại Châu Đốc ngày càng tăng. Mặc dù lễ hội chính thức được diễn ra vào những ngày cuối tháng tư, nhưng bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán thì dòng người từ khắp nơi trong và ngoài nước đã nô nức cho chuyến hành hương. 

Năm nay, lễ hội vía Bà Chúa Xứ  núi Sam sẽ diễn ra từ ngày 31/5 đến ngày 5/6/2013 (nhằm ngày 22/4 đến 27/4 âm lịch năm Quý Tỵ). Lễ hội có hai phần tương đối rõ rệt gồm phần lễ và phần hội. Về trình thức, lễ hội này được diễn ra tương tự như lễ hội kỳ yên (lễ hội cúng đình) phổ biến khắp vùng Nam Bộ với các hoạt động cụ thể, như: Lễ phục hiện rước tượng Bà vào ngày 31/5/2013 (ngày 22/4 âm lịch Quý Tỵ), địa điểm xuất phát từ Nhà bia ghi danh liệt sĩ. Các ngày sau đó là phần nghi thức truyền thống, như: Lễ tắm Bà vào lúc 24 giờ đêm 1/6 rạng ngày 2/6/2013 (nhằm 23, 24/4 âm lịch); Lễ thỉnh sắc Thần Thoại Ngọc Hầu, tức rước sắc và bài vị Thoại Ngọc Hầu cùng hai phu nhân từ lăng Thoại Ngọc Hầu (Sơn lăng) về miếu Bà, lúc 15 giờ ngày 3/6/2013 (nhằm 25/4 âm lịch), sau đó vào lúc 24 giờ đêm là Lễ Túc yết (tức dâng lễ vật và tiến hành cúng Bà) và lễ “Xây chầu” mở đầu cho việc hát bội tại Võ ca của miếu; Lễ Chánh tế (tương tự như lễ “Túc yết”) từ 4 giờ sáng ngày 5/6/2013 (nhằm ngày 27/4 âm lịch) và lễ Hồi sắc vào lúc 15 giờ cùng ngày (tức đem sắc và bài vị Thoại Ngọc Hầu cùng hai phu nhân về lại Sơn lăng).

Trong các lễ hội dân gian thần linh luôn là đối tượng được suy tôn và thờ kính. Chính thần linh là trung tâm để thu hút, gắn kết mọi người từ khắp nơi tụ hội về bên nhau; trước là để chiêm bái, cầu nguyện và thể hiền lòng thành của mình đối với người mà họ tin là đã có công phù hộ, yểm trợ cho cả cộng đồng được “Quốc thái dân an”; sau là tổ chức các hoạt động vui chơi, đám tiệc, hội hè. Vì thế mới nói, “phi lễ bất thành hội”. Với Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam thì đối tượng được suy tôn chính là Bà Chúa Xứ – Bà mẹ xứ sở. Trong niềm tin tâm linh của người dân bản địa thì Bà Chúa Xứ là người đã che chở, yểm trợ và phù hộ cho sự bình an, may mắn và phát đạt của tất cả cộng đồng. Chính vì thế, họ còn có cách gọi thành kính khác dành cho Bà là “Chúa Xứ thánh mẫu”. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thì tín ngưỡng thờ “Chúa Xứ thánh mẫu” hay “Linh sơn thánh mẫu” (ở lễ hội núi Bà Đen – Tây Ninh) trong tâm thức dân gian của người dân Nam Bộ có mối quan hệ với tín ngưỡng thờ mẫu và là kết quả của sự giao thoa văn hóa giữa các tộc người Kinh, Hoa, Khmer, Chăm cùng cộng cư trên vùng đất này.

Tương truyền, vào những năm 1820- 1825, quân Xiêm thường sang nước ta quấy nhiễu, cướp bóc. Mỗi khi giặc đến, người dân quanh vùng lại phải trốn chạy lên núi lánh nạn. Có lần quân giặc đuổi theo lên đến đỉnh núi Sam thì gặp tượng Bà. Chúng hì hục cạy ra, lấy dây buộc lại dùng đòn khiêng xuống núi để mang về xứ. Nhưng khi bọn chúng mới khiêng đi được một đoạn đường ngắn, lạ thấy tượng Bà bỗng dưng nặng trĩu không thể nào nhấc lên được nữa. Khi đó, một tên trong bọn tức giận đập vào cốt tượng làm gãy một phần cánh tay bên trái và ngay tức khắc hắn bị trừng phạt hộc máu, chết tại chỗ, cả bọn hoảng sợ kéo nhau bỏ chạy tán loạn. Thời gian sau, Bà báo mộng cho dân trong làng và tự xưng là Bà Chúa Xứ, dạy dân làng khiêng xuống núi lập miếu thờ cúng Bà sẽ phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp quấy phá, thoát khỏi dịch bệnh hoành hành. Thấy vậy, dân làng họp nhau lên núi khiêng tượng về thờ cúng. Nhưng lạ thay, dù mấy chục thanh niên trai tráng hò nhau gắng sức vẫn không lay chuyến nổi tượng Bà. Trong lúc mọi người đang rất thất vọng, có ý định bỏ dở thì một cô gái trong làng bỗng dưng lên đồng cho biết : “Bà chỉ cần 9 cô gái đồng trinh lên khiêng”. Dân làng làm theo lời dạy ấy và quả đúng thật, 9 cô gái đồng trinh khiêng tượng Bà đi xuống một cách nhẹ nhàng. Khi đi đến chân núi thì tượng Bà trở nên nặng, không thể khiêng nổi thêm một bước nào nữa. Khi đó mọi người đã hiểu rằng, Bà đã chọn nơi đây để an vị nên đã không cố gắng di chuyển đi nữa mà lập miếu thờ cúng.

Phó Chủ tịch UBND TX. Châu Đốc cho biết: Chương trình Lễ hội vía Bà Chúa Xứ  núi Sam năm nay được Ban Tổ chức đầu tư với chuỗi những hoạt động văn hóa- văn nghệ, thể dục- thể thao và sự kiện mới nhằm xây dựng, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Thông qua các hoạt động lễ hội, tạo sức hút không chỉ đối với đối tượng du khách, khách hành hương mà còn là cơ hội lớn cho thị xã tiếp tục giới thiệu, quảng bá các di tích, thắng cảnh, thế mạnh tiềm năng về dịch vụ, du lịch và thương mại để thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Đồng thời, đây là một trong những lễ hội văn hóa du lịch tâm linh lớn nhất ở Nam Bộ. Qua đó, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh về thương mại, du lịch của An Giang nói riêng, vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm./.

Nguồn: website báo An Giang

Cùng chuyên mục