Non nước Việt Nam

Những Nghi thức dâng hương Miếu Ông, Miếu Bà - nét đẹp văn hóa truyền thống ở Khâu Vai

Cập nhật: 06/05/2013 08:18:54
Số lần đọc: 2438
Nằm trong khuôn khổ sự kiện Tuần Văn hóa du lịch Lễ hội Chợ tình Khâu Vai diễn ra hàng năm, nghi thức dâng hương Miếu Ông, Miếu Bà là tập quán vốn có của người dân xã Khâu Vai, bất kể lứa tuổi nào và sống ở nơi đâu đều biết đến.

Cứ vào những ngày cuối của tháng 3 âm lịch hàng năm, khi cây ngô đang mơn mởn xanh trên các sườn núi cũng là lúc đến ngày Chợ tình Khâu Vai (Khâu Vai theo tiếng Tày, Nùng có nghĩa là đèo gai), còn gọi là chợ Phong lưu, diễn ra đã gần trăm năm nay. Sự tích Chợ tình bắt nguồn từ truyền thuyết về chàng Ba, cô Ut: Chàng Ba người dân tộc Nùng, nhà ở Khâu Vai, khôi ngô tuấn tú, hát hay, thổi sáo giỏi nhưng nhà nghèo. Cô Út xinh đẹp, là con một tộc trưởng người Giáy. Hai người yêu nhau nhưng gia đình cô Ut không đồng ý vì chàng trai nghèo và khác dân tộc. Chàng và nàng chốn nhà đưa nhau lên hang núi Khâu Vai sống. Họ tộc, gia đình nhà gái vác súng, cung nỏ đến chửi mắng nhà chàng Ba phá lệ đưa cô gái ra rừng. Gia đình nhà trai cũng mang gậy gộc, súng, dao ra chửi lại. Từ trên hang nhìn cảnh chảy máu, đâm chém giữa hai dòng họ, chàng trai và cô gái chia tay nhau về làng, thề kiếp sau sẽ thành vợ chồng. Ngày họ chia tay là 27.3, người dân trong vùng lấy ngày đó là ngày họp Chợ tình hàng năm.

 

Và chính nơi đây - nơi họ khuất núi - được dân bản dựng lên đôi miếu thờ, nay được gọi là Miếu Ông và Miếu Bà. Cũng theo truyền thuyết, Miếu Ông, Miếu Bà đều rất linh thiêng, nhất là đối với tình yêu đôi lứa, khi những đôi trai gái gặp trắc trở đường tình duyên chỉ cần đến thắp hương cầu nguyện là mọi việc trong có thể được trở nên thuận buồn, xuôi gió.

 

Tại Lễ dâng hương Miếu Ông, Miếu Bà vào ngày diễn ra chợ tình, đồ lễ được chuẩn bị đặc trưng với con số 27, như: Lợn 27kg, gà 27kg, xôi 27 bò... đều được thể hiện trên con số 27 có sức mạnh kỳ diệu với những nguồn gốc truyền thuyết sâu sắc. Đó là 7 sao và cây gươm 7 sao dùng trong nghi lễ đạo Lão, tượng trưng cho sức mạnh đẩy lùi ma quỷ trongmột sự bài trí 7 món đồ vật được ban cho một sức mạnh kỳ bí và một cảm giác của sự bất khả xâm phạm. Số hai tượng trưng là một cặp, một đôi, một con số hạnh phúc (song hỷ) và điều hành thuận lợi cho những sự kiện, như cưới hỏi, hội hè. Số hai tượng trưng sự cân bằng âm - dương kết hợp tạo thành thái lưu hay là nguồn gốc của vạn vật.

 

Tuy nhiên, trên thực tế không phải chỉ có ngày Chợ tình Khâu Vai, nhân dân xã Khâu Vai mới tổ chức Lễ dâng hương. Hằng năm, cứ vào những ngày mùng 2 Tết Nguyên đán, mùng 2.2 và 2.8 âm lịch, tất cả các hộ dân sinh sống xung quanh khu vực Chợ tình, không ai bảo ai, họ tự nguyện rủ nhau làm những mâm cỗ đem đến dâng hương tại Miếu Ông, Miếu Bà để cúng tổ tiên và cầu may.

 

Tâm sự với tôi, chị Lương Thị Mòn, Trưởng xóm Khâu Vai, cho biết: “Vào ngày mùng 2 Tết, 40 hộ, mỗi nhà làm 1 mâm cỗ cúng; ngày 2.2 và 2.8 âm lịch thì cứ 10 hộ luân phiên làm 7 mâm cỗ đem đến cúng cầu may. Cầu cho mỗi gia đình đều mạnh khoẻ, lao động giỏi để trong năm thu hoạch được mùa màng bội thu hay cầu gia đình hạnh phúc, con cái thành đạt”. Mâm cỗ chủ yếu gồm các món xôi, gà, thịt lợn, đĩa trứng dán, canh xương, canh miến và hoa quả,.. Thông thường, khi tổ chức làm các mâm lễ cúng được diễn ra bắt đầu vào 2 giờ chiều hôm đó đến khi thầy cúng hoàn thành các thủ tục thì tất cả người dân trong xóm tập trung lại ngay dưới sân thờ cúng Miếu Ông để thưởng thức các món ăn do mình làm ra, với tinh thần vui vẻ, sảng khoái, chúc tụng nhau từng chén rượu ngô trong cái nắm tay tâm sự chan chứa tình cảm.

 

Mỗi lần như vậy, thời gian thường diễn ra hết một buổi chiều. Chỉ khi ánh mặt trời đã xuống núi, màn đêm buống xuống thì bắt đầu tan cuộc. Mọi người trở về gia đình mang theo niềm tin, hy vọng về một ngày mới tràn đầy sức khỏe, cuộc sống ấm no, hạnh phúc,.../.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT