Non nước Việt Nam

Biểu diễn nghệ thuật Chầm riêng Chà pây của dân tộc Khmer

Cập nhật: 04/05/2013 09:56:07
Số lần đọc: 5751
Cũng giống như những Di sản phi vật thể khác đã được công nhận, di sản phi vật thể cấp quốc gia – nghệ thuật Chầm riêng Chà pây của người dân tộc Khmer vô cùng độc đáo và có cách biểu diễn rất riêng biệt.

Chầm riêng chà pây là loại hình nghệ thuật độc xướng có đàn chà pây đệm theo. Chầm riêng có thể hiểu là hát, chà pây tức là cây đàn chà pây. Người chơi Chầm riêng chà pây dựa vào cốt truyện để ứng tác thành những đoạn thơ, chủ yếu là thể thơ 4 câu mỗi câu 7 chữ để hát. Và sau mỗi đoạn thơ lại khải đàn chà pây một câu nhạc đệm. Bởi vậy nói đến Chầm riêng chà pây, trước hết phải nói đến đàn chà pây. Đàn chà pây có cần đàn dài, hình dáng giống như lá bồ đề và gần giống như đàn đáy của người Việt nhưng 4 góc thùng đàn được cắt tròn chứ không vuông góc. Trên thực tế đàn chà pây có nguồn gốc từ Ấn Độ, và khi sang đến Việt nam đã có những thay đổi để phù hợp với loại hình nghệ thuật riêng của người Khmer. Đàn gồm 12 phím đàn theo hệ thống thang âm ngũ cung. Cấu tạo đàn chà pây gồm có các bộ phận thùng đàn, dọc đàn (cần đàn), dây đàn, bộ phận lên dây, phím gảy đàn. Trong đó: Thùng đàn có hình dáng gần giống lá bồ đề, phần trên tiếp giáp cần đàn to hơn phần dưới. Kích thước thùng đàn thường có chiều dài 40 cm, chiều ngang mặt trước 37 cm, chiều ngang mặt sau 30 cm, thành đàn thấp khoảng 06 cm. Thùng đàn được làm từ gỗ cây lành canh hoặc cây mít. Trên mặt đàn có gắn bộ phận mắc dây đàn đồng thời cũng là ngựa đàn.

 

Cần đàn lại được làm từ gỗ cứng dài khoảng 120 cm, ngọn cần đàn được uốn cong và chạm trổ hoa văn rất đẹp. Cần đàn có gắn 12 phím đàn. Ngày xưa các phím đàn có xỏ dây nối kết với nhau phòng ngừa bị rớt mất, đồng thời cũng xác định khoảng cách các phiếm để tạo âm chuẩn khi diễn tấu.

 

Dây đàn có 2 dây làm bằng tơ se lại, một to một nhỏ, nay thì sử dụng bằng dây ny-lon. Hai dây buông cách nhau quãng 5 đúng. Trước đây đàn thường có 3 dây nhưng ngày nay chỉ còn lại 2 dây.

 

Phím gẩy đàn mới ra đời những năm về sau nay, ngày xưa các nghệ nhân gẩy đàn bằng móng tay dài của ngón trỏ, sau thấy bất tiện đã dùng một đoạn ống tre nhỏ được mài dũa kỹ lưỡng, xỏ vào ngón tay trỏ để gảy đàn, tạo âm thanh giòn giã, linh hoạt và chuẩn xác hơn.

 

Đàn Chà pây có màu âm trầm ấm, sâu lắng, phù hợp với những thể loại nhạc tự sự, tình cảm êm đềm, lắng đọng. Tầm âm đàn chà pây khoảng 2 quãng 8. Do cấu tạo cần đàn khá đặc biệt và độc đáo nên nghệ nhân cần phải có kỹ thuật tay trái linh hoạt và điêu luyện.

 

Trong lúc diễn tấu, nghệ nhân vừa đàn từng đoạn nhạc, sau đó vừa tự hát từng câu ứng tác về một đề tài đã chuẩn bị sẵn nào đó. Bài bản không chỉ là những tác phẩm đã soạn sẵn mà còn do nghệ nhân ngẫu hứng tại chỗ. Đàn chà pây thường được sử dụng cho đơn ca độc tấu, gọi là “ca kể chuyện”. Từ ngữ chà pây chầm riêng có nghĩa là “đàn ca hát”. Ngoài ra, nhạc khí này còn được sử dụng trong dàn nhạc lễ cưới hoặc cúng thần gọi là chà pây đon vênh; sử dụng để đệm cho hát múa à day đối đáp (song ca nam nữ đối đáp).

 

Vào khoảng thế kỷ 19, nghệ thuật Chầm riêng Chà pây của dân tộc Khmer rất được phổ biến và phát triển. Nhưng loại hình nghệ thuật này đang ngày đứng trước nguy cơ mai một do sự thay đổi và phát triển hội nhập của xã hội. Hiện nay, tỉnh Trà Vinh nói riêng và đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ nói chung đang xây dựng những kế hoạch, chiến lược để bảo tồn và phát triển di sản văn hóa quan trọng này./.

Nguồn: Cinet.gov.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT