Hoạt động của ngành

Bắc Hà: Gắn phát triển du lịch với bảo tồn bản sắc văn hoá truyền thống

Cập nhật: 08/09/2008 08:09:01
Số lần đọc: 2006
Bắc Hà đã và đang nỗ lực khai thác lợi thế để phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau, như nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao, leo núi mạo hiểm… đặc biệt là tiềm năng văn hoá các dân tộc đa dạng, đặc sắc.

Thực hiện đề án phát triển du lịch, huyện Bắc Hà đã xác định "Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện và xây dựng Bắc Hà thực sự trở thành điểm du lịch thứ 2 của tỉnh" là nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2005 - 2010.

 

Theo đó, Bắc Hà từng bước thực hiện quy hoạch phát triển du lịch theo hướng bền vững, lấy việc khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hoá truyền thống làm nền tảng cho việc phát triển du lịch. Tuy nhiên, dưới tác động của cơ chế thị trường, bản sắc văn hoá các dân tộc đã và đang có nguy cơ mai một dần, kiến trúc văn hoá - nghệ thuật truyền thống bị xuống cấp và hư hỏng. Trong quá trình hội nhập, giao lưu, các giá trị văn hoá truyền thống đã bị pha tạp và có xu hướng mất dần bản sắc. Mức hưởng thụ về văn hoá còn thấp, những phong tục tập quán lạc hậu trong việc cưới việc tang vẫn còn tồn tại ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cộng đồng các dân tộc…

 

Do vậy, để Bắc Hà phát triển mà vẫn giữ được những nét văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thông qua các lễ hội, phong tục tập quán, phiên chợ và nếp sinh hoạt bình dị là việc làm hết sức cần thiết. Cùng với đẩy mạnh đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, công tác giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc đang được Bắc Hà đặc biệt coi trọng. Văn hoá văn nghệ quần chúng ở cơ sở không ngừng được củng cố, nhân rộng và phát triển. Đồng thời, huyện đã chỉ đạo tập trung khảo sát các điểm, tuyến du lịch, thu thập thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu về tiềm năng du lịch để làm cơ sở cho việc tuyên truyền quảng bá thu hút khách du lịch đến với Bắc Hà. Tích cực tổ chức các sự kiện du lịch như: Hội chợ, lễ hội, tuần văn hoá du lịch… nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh của Bắc Hà đến với du khách trong và ngoài nước.

 

Ngoài ra, huyện tích cực xúc tiến xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực thương mại - du lịch. Phối hợp với các cơ quan đơn vị của huyện, tập đoàn tư vấn TEX của cộng hoà Pháp,  Ban quản lý dự án Hội Nông dân Việt Nam, một số hãng lữ hành, Trung tâm nghiên cứu và phát triển vùng… tổ chức khảo sát một số điểm, tuyến du lịch: leo núi Ba mẹ con, Bắc Hà - Tả Van Chư, Bản Phố, Hoàng Thu Phố, du lịch sông Chảy, xây dựng làng du lịch sinh thái người Mông xã Tả Van Chư… Đặc biệt, các hoạt động văn hoá đã và đang khôi phục, như hội xuống đồng của dân tộc Tày, lễ hội cúng rừng của người Nùng, hội Say Sán của người Mông, trò chơi bắn nỏ, đua ngựa, múa võ, ném còn, hát giao duyên, múa khèn… và nhiều phong tục tập quán truyền thống sản xuất với nhiều ngành nghề như dệt thổ cẩm, nấu rượu đặc sản…

 

Các thể loại văn hoá phi vật thể cũng được sưu tầm khai thác thông qua hội thi "Giọng hát hay, Trang phục đẹp" các dân tộc toàn huyện được tổ chức hàng năm nhằm lưu giữ những nét đẹp văn hoá độc đáo trong trang phục của đồng bào các dân tộc. Bên cạnh đó, huyện Bắc Hà cũng xác định, hoạt động du lịch phải kết hợp chặt chẽ với hoạt động văn hoá, tác động và tạo điều kiện phát triển văn hoá. Tiếp tục phát triển và mở rộng mô hình du lịch cộng đồng để phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, đồng thời góp phần nâng cao năng lực làm du lịch cho đồng bào dân tộc. Qua các hoạt động cụ thể sẽ tạo ra các sản phẩm phong phú, đặc sắc cho từng địa danh tạo sức hút cho khách du lịch.

 

Việc khôi phục, bảo tồn và phát triển văn hoá truyền thống được quan tâm đẩy mạnh, đã và đang đánh thức một tiềm năng du lịch mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc trên cao nguyên Bắc Hà.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục