Hoạt động của ngành

Tiềm năng du lịch cộng đồng thôn Bản Lạn (Hà Giang)

Cập nhật: 03/09/2008 08:09:06
Số lần đọc: 2058
Nằm cách trung tâm huyện lỵ Bắc Mê 5 km về phía Đông - Bắc, Bản Lạn là một trong 12 thôn của xã Yên Phú có tổng diện tích tự nhiên hơn 128 ha, chủ yếu là diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng.

Với những phong tục, tập quán sinh hoạt đặc trưng và ngành nghề truyền thống của người dân nơi đây là trồng lúa nước, trồng ngô, dệt thổ cẩm và Lễ hội Lồng tồng đã được hình thành từ lâu đời của gần 40 hộ người dân tộc Tày đang sinh sống trong những dãy nhà sàn truyền thống, Bản Lạn đang được coi là điểm hội tụ các yếu tố, điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, gắn với văn hóa dân tộc.


Đến Bản Lạn hôm nay, ngoài đến với những cánh rừng gần như nguyên sơ, những thảm thực vật và động vật rất phong phú, đa dạng, chúng ta còn thấy hiện ra trước mắt một làng văn hóa đặc trưng, truyền thống xen kẽ nét hiện đại với cơ sở hạ tầng hoàn thiện, sẵn sàng phục vụ du khách đến tham quan, du lịch. Những năm gần đây, nhờ chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước, nhân dân trong thôn đã tích cực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, nên đời sống vật chất, tinh thần của bà con đã có những bước phát triển đáng kể. Do là thôn có nền nông nghiệp thuần tuý lâu đời, nên có khá nhiều nétsinh hoạt văn hoá, văn nghệ truyền thống được xuất phát từ lao động, sản xuất, tín ngưỡng của dân tộc như: hát Cọi, hát Yến, hát Then, hát Lượn, múa Cày, cấy bên các nhạc cụ là đàn Tính, Khẩy bụi, Nhị, Sáo trúc, Trống, Kèn... đặc biệt, Làng Văn hoá thôn Bản Lạn hôm nay không chỉ mang đậm những giá trị về văn hoá vật thể và phi vật thể của người Tày mà khi du khách đến đây còn được tham gia vào hành trình du lịch sinh thái trên những cánh rừng nguyên sinh, chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí kỳ diệu của hang Đán Cúm đã xuất hiện từ hàng triệu năm nay và được xem là nơi người Việt cổ đã trú ngụ sinh sống trong thời gian khá dài, hay du thuyền trên lòng hồ Thủy điện Na Hang với diện tích mặt nước khi ở mức cao nhất đạt tới 8.000 ha kết nối 3 tỉnh Hà Giang-Tuyên Quang-Bắc Kạn. Phần lớn hình dạng mặt hồ thuộc địa phận huyện Bắc Mê theo hình dạng của dòng sông Gâm trước đây, khi mặt nước dâng cao tại khu vực xã Thượng Tân, mặt hồ rộng đến gần 2 km, mặt hồ đẹp, quanh co khi ẩn, khi hiện, với những đảo núi nhấp nhô phong phú, dọc theo hai bên bờ hồ khi là những cánh rừng nguyên sinh, khi là cánh rừng tái sinh hoặc những vách đá dựng đứng. Vẻ đẹp của con người, của thiên nhiên nơi đây là vô cùng độc đáo và đặc sắc, một khu văn hoá du lịch điển hình của Bắc Mê dành cho du khách và là cơ hội cho phát triển du lịch của cả 3 tỉnh liên quan có những sản phẩm du lịch mới đầy hấp dẫn.


Để phát huy nội lực và khai thác tiềm năng sẵn có, trong thời gian qua, huyện Bắc Mê đã và đang tích cực xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xây dựng các tua, tuyến du lịch, trong đó đặc biệt coi trọng xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng, bởi Bắc Mê đang đang sở hữu những tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, nếu được khai thác và phát huy hiệu quả chắc chắn sẽ làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Mê phát triển và có tính bền vững cao.


Có thể nói, xây dựng làng văn hoá du lịch, một mô hình cộng đồng nhân dân làm du lịch, kết hợp giữa việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống nhân văn của các dân tộc với việc mở rộng ngành nghề, tạo thêm cách làm ăn mới cho nhân dân đã và đang được Đảng bộ, chính quyền huyện Bắc Mê hết sức coi trọng, được đông đảo nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Song tiềm năng văn hoá và các loại hình du lịch của huyện mới chỉ bắt đầu và ở dạng tiềm năng do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế. Huyện Bắc Mê rất mong muốn có các đối tác trong và ngoài nước đến cùng khai thác những tiềm năng lớn mà con người và thiên nhiên đã ban tặng.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục