Non nước Việt Nam

Phong tục cưới của người Thu Lao ở Mường Khương

Cập nhật: 25/12/2012 08:48:37
Số lần đọc: 3028
Người Thu Lao có những quy định chặt trong việc cưới tạo thành những nguyên tắc trong hôn nhân. Trước hết, luật tục Thu Lao cho phép hôn nhân ngoại tộc. Nam, nữ người Thu Lao có thể lấy vợ, lấy chồng là người dân tộc khác, nhưng nghiêm cấm trai gái là anh em trong nội bộ nhóm họ kết hôn với nhau. Trai gái cùng họ nhưng cách từ 4 đời trở lên mới được phép lấy nhau.

Người Thu Lao có tục nối dây trong hôn nhân, một hình thức tàn dư của hôn nhân mua bán. Người anh chết, chị dâu phải lấy em chồng. Trường hợp em trai chết, em dâu phải lấy anh chồng. Chỉ trường hợp tuổi của hai người quá chênh lệch nhau thì tục này mới được miễn. Tục kết hôn con cô, con cậu, con dì, con già cũng khá phổ biến.

 

Đám cưới người Thu Lao được chia thành các nghi thức: Lễ dạm hỏi, lễ ăn hỏi, lễ đón dâu và lễ lại mặt.

 

Theo thông lệ, trong lễ dạm hỏi, ông mối không phải mang theo vật phẩm và cũng không có nghi thức nào đáng kể. Tuy nhiên, ông mối phải đến nhà gái 3 lần. Nhà gái dù có ưng thì cũng phải lựa lời từ chối hai lần đầu. Đến lần thứ ba mới nhận lời và hẹn ngày tổ chức lễ ăn hỏi. Đồng bào quan niệm làm như vậy mới khẳng định được giá trị của cô gái cũng như gia đình, không lo bị mọi người chê cười.

 

Sau lễ dạm ngõ, nhà trai nhờ ông mối và người làm chứng mang theo 1 đôi gà, 3 lít rượu sang nhà gái làm lễ ăn hỏi. Nhà gái cũng mời ông trưởng họ và một số anh em trong nội bộ nhóm họ đến dự và chứng kiến. Trong lễ này, nhà gái sẽ đưa ra số đồ thách cưới mà nhà trai phải mang sang trong ngày tổ chức đón dâu. Lễ vật thách cưới bao giờ cũng được thực hiện theo thông lệ xưa; gồm 4 cái cúc áo bạc, 4 cái vòng tay, 4 cái nhẫn bạc, 3 đồng bạc trắng, 80 kg lợn hơi, 80 lít rượu, 1 con trâu.

 

Lễ cưới của người Thu Lao diễn ra trong 3 ngày tương ứng với 3 nghi lễ lớn, mỗi nghi lễ được tổ chức trọn vẹn trong 1 ngày. Đó là: Lễ đón dâu, lễ đưa dâu và lễ lại mặt. Trong mỗi nghi lễ lại có nhiều nghi thức nhỏ, như nghi thức xin mở cửa; nghi thức giao nhận đồ thách cưới; nghi thức giao của hồi môn; nghi thức xuất giá; nghi thức bái tổ tiên, nghi thức tranh buồng…

 

Sáng ngày thứ nhất, nhà trai tổ chức đón dâu. Đoàn đi đón dâu gồm có 6 người, mang theo những vật phẩm thách cưới cùng 1 túi bánh dày để làm lễ xin mở cửa. Sau khi vào nhà, nhà trai tiến hành giao đồ thách cưới cho nhà gái, nhà gái mời những người làm chứng hôm ăn hỏi đứng ra kiểm tra cho đủ.

 

Sáng hôm sau, nhà gái tổ chức lễ đưa dâu. Của hồi môn của cha mẹ cho cô dâu mang về nhà chồng và những tư trang của cô dâu được trình ra công khai trước đoàn nhà trai và quan khách của nhà gái. Buổi chiều, đoàn nhà trai xin phép đón dâu. Ông mối bỏ những đồng bạc, vòng bạc, cúc áo bạc vào bát đặt lên mâm rượu trao cho nhà gái. Nhà gái nhận đủ bạc rồi sắp xếp một đoàn đưa dâu gồm 40 người đưa dâu.

 

Theo phong tục của người Thu Lao, bố mẹ chồng kiêng gặp mặt con dâu khi cô dâu, chú rể chưa làm lễ bái gia tiên. Đồng bào tin rằng nếu phạm phải điều kiêng kỵ ấy, sau này mối quan hệ giữa bố mẹ chồng và nàng dâu sẽ không tốt. Chú rể đứng đón cô dâu ở cửa nhà, dắt tay cô dâu vào. Người chủ trì lễ cưới của nhà trai thắp hương lên ban thờ khấn báo tổ tiên rằng con dâu đã về, cầu xin tổ tiên phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ.

 

Người Thu Lao có tục tranh buồng trong đám cưới để “phân ngôi cao thấp” sau này. Theo tục này, sau khi lễ tổ tiên xong, cô dâu và chú rể phải thi nhau chạy thật nhanh vào buồng. Người ta cho rằng, ai vào trước là người đó nhanh nhẹn hơn, sau này nên là người quyết định việc làm ăn của gia đình.

 

Sau nghi thức tranh buồng, nhà trai sắp mâm mời rượu đoàn đưa dâu của nhà gái. Đám cưới bước vào tiệc rượu linh đình thâu đêm. Hôm sau, sau bữa cơm sáng, đoàn đưa dâu mới ra về. Nhà trai đưa tiễn đoàn nhà gái đến tận cổng làng, đồng thời chuẩn bị vật phẩm để thực hiện lễ lại mặt./.
Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT