Hành trang lữ khách

Khám phá cuộc sống Vương triều Nguyễn qua bảo tàng cổ vật Cung đình Huế

Cập nhật: 12/07/2012 10:33:33
Số lần đọc: 1631
Du khách đến Huế, dường như ai cũng muốn tham quan những cung điện vàng son một thuở bên trong những vòng tường thành rêu phong cổ kính, hay viếng thăm những lăng tẩm uy nghi của các vị vua triều Nguyễn đang giấu mình dưới bóng cổ tùng nơi vùng đồi núi chập chùng ở phía tây Kinh Thành Huế…

Đến với Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hàng trăm hiện vật qúy hiếm, ghi dấu về cuộc sống của Vương triều Nguyễn xưa kia.

 

Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế là bảo tàng được thành lập sớm nhất ở Huế với danh xưng đầu tiên là Musée Khải Định (Bảo tàng Khải Định), tọa lạc tại số 03, đường Lê Trực, Thành phố Huế và đã sáu lần được thay đổi tên:

 

- Tàng Cổ Viện Huế (từ năm 1947, dưới thời hội đồng chấp chính Trung Kỳ).

- Viện bảo tàng Huế (dưới thời Ngô Đình Diệm).

- Nhà trưng bày cổ vật (từ năm 1979).

- Bảo tàng cổ vật Huế (từ năm 1992).

- Bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế (từ năm 1995).

- Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (từ năm 2007).

 

Đã có một thời, nhất là trước năm 1945, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là một trong những bảo tàng sáng giá nhất Đông Dương và được nhiều nhà nghiên cứu cũng như nhiều học hội trên thế giới biết đến, nó là một tổ hợp động sản và bất động sản gắn liền với triều đại nhà Nguyễn (1802-1945).

 

Khuôn viên bảo tàng rộng đến gần 6.500 m2, trong đó có tòa nhà chính ở giữa với diện tích mặt bằng 1.185m2 và một số nhà phụ dùng làm kho tàng trữ cổ vật, sân vườn... Tòa nhà chính vốn là ngôi điện Long An nằm trong cung Bảo Định được xây dựng năm 1845 ở bờ Bắc Ngự Hà. Đó là một biệt cung để vua Thiệu Trị (1841-1847) thỉnh thoảng đến tiêu khiển và làm chỗ nghỉ chân hàng năm khi ra cày ruộng Tịch điền ở gần đó. Vào năm 1909, thời vua Duy Tân, triều đình cho dời điện Long An đến vị trí hiện nay để làm thư viện của trường Quốc Tử Giám kề ngay đó. Đến năm 1923, do đề nghị của hội Đô Thành Hiếu Cổ, vua Khải Định cho di chuyển toàn bộ tài liệu sách vở trong thư viện này qua một dãy nhà nằm bên trái Di Luân Đường trong khuôn viên trường Quốc Tử Giám, rồi đặt cho nó cái tên mới là Bảo Đại thư viện, còn tòa điện Long An cũ thì dùng làm Bảo tàng Khải Định. Bảo tàng “có nhiệm vụ sưu tập và bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu phản ánh đầy đủ đời sống chính trị, xã hội, nghệ thuật và nghi lễ của nước Đại Nam”.

 

Người xưa đã rất có lý khi dùng điện Long An làm bảo tàng. Ngôi điện đã tồn tại hơn 1,5 thế kỷ và cũng là một cổ vật tuyệt tác, được đánh giá là cung điện đẹp nhất của Kinh thành Huế xưa. Điện Long An có sự kết hợp hài hòa giữa kết cấu kiến trúc và nghệ thuật trang trí. Tám bộ vì kèo tiền điện chạm lộng đề tài lưỡng long tranh châu và hệ thống con xơn giả thủ được chạm trổ cực kỳ tinh xảo khiến khi nhìn vào người ta cảm nhận đó là các tác phẩm nghệ thuật hơn là những kết cấu chịu lực. Nội thất ngôi điện hội tụ nhiều đồ án trang trí với các kỹ thuật và chất liệu như chạm nổi, khảm trai, khảm xương ngà, xà cừ được bài trí rất tinh tế, hài hòa. Điều này thể hiện trên các ô, hộc theo lối nhất thi nhất họa tại các liên ba, đố bản. 

 

Kể từ lúc khai sinh, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là sự tiếp nối, kế thừa từ Bảo tàng Khải Định, là nơi trưng bày và tàng trữ hơn 8.000 cổ vật quý giá. Phần lớn những hiện vật này là những tác phẩm nghệ thuật, các đồ dùng cho nhu cầu sinh hoạt, lễ nghi, tín ngưỡng và quốc phòng của vua, hoàng gia và triều đình nhà Nguyễn; các hiện vật Chămpa và những tặng phẩm, thương phẩm từ quan hệ ngoại giao và thương mại giữa Việt Nam và các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Pháp, Hà Lan, Anh, Thái Lan... bao gồm đồ sứ, đồ đồng, kim loại quý, vải, gỗ, đá, pha lê, ngà, mây tre...

 

Trải qua sự hủy hoại của thời gian và sự thất thoát do lòng tham của con người, số cổ vật ở đó không còn nguyên vẹn như xưa. Nhưng, ngày nay khi đến đây, du khách vẫn còn chiêm ngưỡng được hàng trăm hiện vật qúy hiếm với đầy đủ chất liệu, chủng loại đã làm nên các bộ sưu tập hiện vật: Sưu tập đồ sứ kiểu thời Nguyễn; Sưu tập đồ sứ Trung Hoa thời Minh - Thanh; Sưu tập đồ sứ Pháp cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX; Sưu tập gốm men Việt Nam thế kỷ XIV - thế kỷ XIX; Sưu tập đồ pháp lam Việt Nam thời Nguyễn và pháp lam Trung Hoa; Sưu tập trang phục cung đình thời Nguyễn; Sưu tập hiện vật bằng kim khí thời Nguyễn; Sưu tập ấn triện thời Nguyễn; Sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng và khảm cẩn thời Nguyễn; Sưu tập đồ uống Việt Nam thời Nguyễn và đồ uống của Pháp; Sưu tập nhạc khí dùng trong các cuộc tế lễ; Sưu tập trấn phong thời Nguyễn; Sưu tập tranh  gương; Sưu tập chuông, vạc, đỉnh và nồi đồng kích thước lớn; Sưu tập súng thần công; Sưu tập bia và tượng đá thời Lê và thời Nguyễn; Sưu tập hiện vật Champa.

 

Tất cả sẽ mang đến cho du khách những khám phá mới về lịch sử với một sức hấp dẫn đặc biệt khi đến viếng cố đô.

 

Sau một thời gian đóng cửa để trùng tu (tháng 4/2008), đến đầu năm 2012, Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế đã mở cửa trở lại phục vụ khách du lịch. Nó vẫn là nơi chốn mà mỗi lần đến Huế, du khách nên tự mình tìm đến, bước qua bậc tam quan có cánh cửa gỗ đang rộng mở, để khám phá những gì ẩn giấu bên trong./.

Nguồn: website Cinet

Cùng chuyên mục