Non nước Việt Nam

Nét văn hoá trong tập tục sống và ăn Tết của người PuPéo – Hà Giang

Cập nhật: 13/08/2008 10:08:00
Số lần đọc: 2135
Người PuPéo chỉ có duy nhất ở Hà Giang, theo số liệu điều tra năm 1999 chỉ có 705 khẩu, phân bố ở ba huyện Đồng Văn, Mèo Vạc và Bắc mê. Dân tộc PuPéo có số dân đứng thứ 53 trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tài liệu xưa nhất đề cập đến người PuPéo ở Việt Nam là Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, viết vào giữa thế kỷ XVIII, với tên gọi La Quả. Đến đầu thế kỷ XIX, người PuPéo được ghi với các tên gọi như Penti, Pentilôlô, Kaobeo và PuPéo. Trên địa bàn tỉnh Hà Giang, mặc dù dân số không đông, nhưng người PuPéo sống khá phân tán trên rẻo cao biên giới Việt - Trung.

 

Song, người PuPéo không giống người H’Mông sống ở trên núi cao mà chọn những bồn địa giữa rừng núi để lập làng. Khu vực cư trú của người PuPéo ở Phố Là, Sủng Tráng, hay Phú Lũng đều thuộc vùng núi giữa, mang đậm khí hậu á nhiệt đới. Với điều kiện tự nhiên như vậy, người PuPéo có thể làm ruộng nước, vừa tận dụng được những thế mạnh của rừng trong cuộc mưu sinh. Làm nhà, là một trong những công việc lớn của đời người. Người PuPéo quan niệm, sự thành bại trong cuộc sống mỗi gia đình, mỗi cá nhân phụ thuộc rất nhiều vào điền trạch. Chính vì thế, có rất nhiều tín ngưỡng xung quanh ngôi nhà của họ, từ việc chọn đất đến quá trình chọn cây, cột và xây cất, nghi thức vào nhà mới... Về nhà mới là lễ thức quan trọng nhất trong hệ thống tín ngưỡng liên quan đến ngôi nhà của người PuPéo.

 

Bao giờ lễ cũng được tổ chức vào gần sáng, từ khi gà gáy lần thứ nhất. Trước khi vào nhà mới, thầy cúng phải thắp hương cúng tổ tiên ở nhà cũ (nếu tách hộ thì phải cúng ở nhà bố mẹ đẻ của chủ nhà) để xin về nhà mới, sau đó cúng các vị thần linh xung quanh nhà rồi thắp hương ở bếp sưởi, bếp lò và cửa ra vào. Tiếp đó, thầy cúng và chủ nhà, mỗi người đốt một bó đuốc ở bếp sưởi của nhà cũ, rồi cả nhà dẫn nhau đến nhà mới, mang theo một nia gạo, một chiếc nồi, ba ông đầu rau và một con gà trống. Đến nhà mới, thầy cúng vào trước, vung đuốc khắp nhà để đuổi tà ma, rồi ném đuốc ra ngoài cửa. Tiếp đến, chủ nhà dùng bó đuốc nhóm đống lửa ở gian thoang plu, cạnh nơi đặt bếp sưởi và đào một hố hình vuông (sâu 20cm, rộng mỗi chiều 50cm) ở giữa nhà, chiếu thẳng với ban thờ tổ tiên và cắm ba nén hương vào đó.

 

Tiếp theo là nghi thức lễ giết gà cúng thần bếp. Sau khi cắt tiết, vặt lông và mổ gà, người ta đổ cả tiết, lông và nước làm lông vào hố bếp. Lúc này, ông cậu (cậu em mẹ hoặc em vợ chủ nhà) mới lấp hố bếp, lấy ba hòn đá kê làm ba ông đầu rau và châm lửa vào bếp. Vì tục này mà người PuPéo gọi các ông đầu rau nhà mình là Peo chau (hòn đá của cậu). Sau đó, ông cậu, vừa treo một miếng vải đỏ ở giữa cửa để xua tà ma, vừa nói to những lời chúc phúc cho gia chủ. Chỉ sau khi thực hiện xong nghi thức ở bếp thiêng và cửa ra vào mới được nhóm bếp lò để đun nấu lễ vật cúng ở ban thờ tổ tiên. Người PuPéo thờ đến 3 đời (Pệ - đời bố mẹ; Tế ngân - đời ông bà; Tế gạo - đời các cụ), ứng với mỗi đời là một chiếc hũ (loog ten) đặt trên ban thờ. Lễ vật cúng tổ tiên trong ngày vào nhà mới được tính theo số hũ thờ, thường thì mỗi hũ một con gà, năm nắm cơm nhỏ và một ít thịt. Sau khi cúng và đưa các hũ lên ban thờ mới, người ta lại cúng một lần nữa. Mọi nghi thức phải hoàn tất vào lúc trời hừng sáng. Đến khi trời sáng, họ hàng, làng xóm sẽ sang mừng tân gia, người con gà, người chai rượu hoặc ít tiền chúc phúc cho gia chủ.

 

Người PuPéo sử dụng lịch nhà Chu, mỗi giáp 12 năm (khuộp mai), mỗi năm chia thành 12 tháng, mỗi tháng có 29 hoặc 30 ngày, mỗi ngày có 12 giờ. Cứ ba năm có một năm nhuận, hoàn toàn giống cách tính lịch âm ngày nay. Vì vậy, họ cũng ăn tết Nguyên đán như nhiều dân tộc khác. Trong những ngày Tết, người PuPéo cũng có tục gói banh chưng, nhưng có nét độc đáo riêng. Họ gói bánh chưng đen bằng nếp cẩm (mí uột lặng) ăn vào tối 29 Tết để kết thúc năm cũ, ngụ ý trút bỏ hết vận đen trong năm và bánh chưng trắng (mí uột lìn) cúng vào tối 30 để mừng năm mới. Khi bước sang năm mới (qua 12 giờ đêm), nếu ai mở cửa ra ngoài thì khi vào nhà phải mang quà vào lấy may (quà đó có thể là một bó củi). Sau đó, nam nữ đi gánh nước “nước vàng, nước bạc” để cầu may. Khi đi mang theo một bó hương và giấy vàng, đến mỏ nước thì đốt hương cầu khấn, khi lấy đầy nước vào thùng thì bỏ giấy vàng vào thùng và gánh về. Đó là một trong những biểu hiện của tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp, cầu cho mưa gió thuận hoà để có đủ nước cấy trồng.

 

Trong ba ngày Tết, người PuPéo không rửa bát đũa sau mỗi lần ăn, chỉ lấy giấy lau sạch. Họ tin rằng, nếu ngày Tết mà bát đũa sạch, cả năm sẽ đói ăn. Mặc dù, số dân không đông, nhưng người PuPéo ở Hà Giang vẫn còn lưu giữ trong ký ước cộng đồng nhiều nghi lễ và cả một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú. Cùng với nghi thức về nhà mới người PuPéo còn có lễ cùng thần rừng vào ngày 6/6 Âm lịch hàng năm. Cũng chính từ nghi lễ này, nên khu vực nào có người PuPéo sinh sống, rừng thường được bảo vệ rất tốt, nhất là khu rừng thiêng. Việc bảo vệ rừng để có nước làm ruộng và có gỗ làm nhà, luôn được truyền tụng từ đời này sang đời khác./.

Nguồn: VOV

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT