Hành trang lữ khách

Du lịch về lũng Đán Đanh, Sơn La

Cập nhật: 12/06/2012 15:09:38
Số lần đọc: 1714
Những ngày cuối tháng 5 lịch sử, chúng tôi có dịp về thăm khu căn cứ cách mạng tại lũng Đán Đanh, thuộc xã Mường Chùm (Mường La). Những nương ngô, ruộng lúa ngát xanh vươn dài tít tắp tới các làng bản của đồng bào, ẩn hiện bên vườn cây trái xum xuê... tất cả như khoe sự no ấm.

Với tâm trạng hào hứng, phấn khởi, được thăm lại lũng Đán Đanh, tận mắt chứng kiến nơi cha ông ta một thời kiên cường, không quản ngại hy sinh, gian khó, bám đất, bám dân, chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp đến ngày thắng lợi đã thôi thúc chúng tôi vượt núi, bất chấp mưa nắng để hành hương về khu căn cứ cách mạng. Về lại lũng Đán Đanh lần này, chúng tôi không còn phải đi bộ như những lần trước mà thay vào đó là con đường ô tô, rải cấp phối vắt ngang lưng chừng núi, thu hẹp dần khoảng cách từ trung tâm xã lên bản Huổi Lìu chỉ còn khoảng 30 phút. 


Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Mường La, có đoạn hồi ký của ông Vũ Ngọc Thành (tức Hoàng Cầm La), nguyên Bí thư huyện uỷ đầu tiên của huyện Mường La những ngày đầu mới thành lập, đã viết: “...Tháng 5 năm 1948, Tỉnh uỷ Sơn La thành lập 2 đội xung phong tuyên truyền mang tên “Quyết Tiến” và “Chiến Thắng” có nhiệm vụ bí mật thọc sâu vào sào huyệt của địch, gây cơ sở kháng chiến, phát triển chiến tranh du kích ngay trong lòng địch. Đội Chiến Thắng do tôi phụ trách đóng tại lũng Đán Đanh trực tiếp đấu tranh vũ trang tấn công địch, đẩy mạnh hoạt động diệt tề, trừ gian, lập cơ sở cách mạng kháng chiến. 


Ngày 27/3/1949, đội Chiến Thắng phát động phong trào đấu tranh vũ trang tại khu vực 3 xã Mường Bằng, Mường Chùm, Mường Bú, chủ động tấn công địch, giành nhiều thắng lợi, bảo vệ an toàn khu căn cứ cách mạng và tả ngạn sông Đà. Tháng 6 năm 1949, đồng chí Bí thư tỉnh uỷ Trần Quyết từ Mộc Hạ lên kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo Mường La. Chúng tôi đón đồng chí tại lũng Đán Đanh, xã Mường Chùm. Đồng chí Bí thư tỉnh uỷ đã phổ biến quyết định của Tỉnh uỷ khen thưởng và tặng cờ danh dự cho đội Chiến Thắng. Đồng thời, đồng chí Bí thư cũng đọc quyết định của Tỉnh uỷ về việc thành lập Đảng bộ châu Mường La và chỉ định Ban châu uỷ gồm 3 đồng chí: Hoàng Cầm La làm Bí thư, Nguyễn Việt Cường làm Phó Bí thư và Hoàng Phi Long làm uỷ viên. Sau khi thành lập, châu uỷ vẫn đóng tại lũng Đán Đanh trong khu tranh đấu, trực tiếp lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, đoàn kết chống giặc ngoại xâm và giải phóng quê hương...”. 


Bây giờ, lũng Đán Đanh - chứng tích oanh liệt một thời vẫn còn đó. Dốc Pu Tre - con đường độc đạo, là nơi quân và dân ta chọn đặt bẫy đá, chặn đứng các đợt càn quét của quân thù, bảo vệ an toàn khu căn cứ cách mạng, nay vẫn hiện hữu và là con đường mòn của bà con đi tắt xuống bản dưới. Trong lũng có hang Đán Đanh (tiếng phổ thông nghĩa là hang đá đỏ) ăn sâu vào sườn núi với 5 hang lớn, nhỏ, trong đó có 1 hang chính, 2 tầng, rộng chừng 20 m, cao khoảng 30 m với nhiều ngóc ngách, có tầm quan sát rộng, đã trở thành “sở chỉ huy” và là “an toàn khu“ của Đảng bộ huyện Mường La trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Bây giờ, đường vào lũng Đán Đanh đã bớt hiểm trở bởi những nương ngô, ruộng lúa ngát xanh dọc triền núi. Trong hang mùa này mát lạnh, mọi cảnh vật vẫn hoang sơ như ngày nào, lòng hang không bị đào bới xáo trộn, chỗ làm giường ngủ bằng đá kê xếp vẫn còn nguyên vẹn, duy chỉ có trên các vách đá ngày càng có thêm nhiều người hành hương về đây khắc tên tuổi, ngày, tháng, năm... đã làm mất đi mỹ quan của hang Đán Đanh. 


Ông Cà Văn Lả, Bí thư chi bộ bản Huổi Lìu, kể: “Ngày trước vùng thung lũng này heo hút, hiểm trở lắm! Thú dữ về phá hại mùa màng không dám đi săn, bởi sợ bẫy đá trên núi vẫn còn. Nay do cuộc sống mưu sinh, bà con lấn dần, diện tích rừng khu vực hang Đán Đanh đã bị thu hẹp. Biết đây là khu căn cứ cách mạng cần được bảo tồn, nên năm 2011 vừa qua, chúng tôi đã phát động bà con trồng lại hơn 3 ha rừng quanh khu vực hang để phát triển du lịch”. 


Nơi đây còn được huyện Mường La chọn làm điểm tái định cư của 40 hộ dân bản Lếch, xã Chiềng Lao và 14 hộ dân sở tại san hộ, giãn bản, tạo thành điểm tái định cư hợp nhất của 54 hộ dân, đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương mới. Chị Lò Thị Loa, trước đây ở xã Chiềng Lao, nay về bản Huổi Lìu, phấn khởi: “Được làm công dân sống trong khu căn cứ cách mạng của xã Anh hùng, chúng tôi tự hào lắm! Chúng tôi bảo ban nhau, ra sức phát triển kinh tế, xây dựng nhiều chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa phục vụ khách du lịch về thăm khu căn cứ cách mạng”. 


Bây giờ, không chỉ bà con bản Huổi Lìu, mà cả Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Mường Chùm rất đỗi tự hào về lũng Đán Đanh, bởi nơi đây là nơi thành lập Đảng bộ huyện Mường La, là khu căn cứ cách mạng an toàn để củng cố và phát triển cách mạng, là điểm tựa chống giặc ngoại xâm đến ngày toàn thắng. Trách nhiệm của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Mường Chùm nói chung và bản Huổi Lìu nói riêng là tiếp tục nối tiếp truyền thống cách mạng, truyền thống của một xã Anh hùng, quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, xây dựng lũng Đán Đanh trở thành điểm du lịch và là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau./.

Nguồn: Báo Sơn La

Cùng chuyên mục