Non nước Việt Nam

Lễ hội Nào Sồng – Gầu Tào của người Mông

Cập nhật: 23/12/2011 14:58:05
Số lần đọc: 2183
Người Mông Việt Nam có nguồn gốc từ phương Bắc di cư đến. Đến nay có khoảng 1 triệu người đang sống ở vùng Đông, Tây Bắc, miền núi Thanh Hóa, Nghệ An và một số tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Dù sinh sống ở đâu, cộng đồng người Mông vẫn duy trì hai lễ hội Nào Sồng và Gầu Tào:

Lễ hội Nào Sồng là lễ hội tập thể của cộng đồng “giao” (nghĩa là bản làng). Hàng năm, vào ngày Thìn (ngày Rồng) của tháng Giêng, các giao đều tổ chức họp hội để cũng thổ địa, bàn bạc công việc của giao, bầu Lùng thầu (chủ hội) để điều hành công việc của năm mới.

 

Vị thần được người Mông thờ cúng là “Thu tỉ” (thổ địa) là vị thần bảo vệ an toàn cho con người và gia súc, quản lý thú rừng không cho phá hoại mùa màng. Nơi thần ngự là ở gốc một rừng. Đồ cúng là đôi gà trống mái, con lợn và rượu. Người lùng thầu thắp hương (gà, lợn còn sống) khấn cầu xin “Thu tỉ” bảo vệ con người mạnh khỏe, gia súc sinh sôi, lúa ngô tươi tốt, nhà nhà no đủ. Khấn xong mới mổ gà, giết lợn, lấy tiết gà, lợn bôi vào gốc cây hay tảng đá nơi thần ngự, rồi làm cỗ ăn uống vui vẻ.

 

Trước khi ăn uống, các chủ gia đình ngồi bàn công việc cụ thể liên quan đến sản xuất, chăn nuôi, bảo vệ mùa màng, không thả rông gia súc, không phá rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước, phòng chống trộm cướp, giúp đỡ gia đình neo đơn khó khăn, đôn đốc con cháu học hành, không dính vào tệ nạn xã hội, không tái trồng cây thuốc phiện, không nghe truyền đạo trái phép, ai ai cũng phải coi trọng lệ làng phép nước.

 

Ông Lùng Thầu được bầu ra có quyền đôn đốc, giám sát mọi thành viên trong các dòng họ phải chấp hành việc đã bàn, phạt người vi phạm theo quy ước đầu năm.

 

Sau phần lễ là đến phần hội, mọi người hòa mình trong tiếng khèn, tiếng trống cùng những bài hát, điệu khèn, các trò chơi dân tộc: ném Pa Pao, nhảy tha khênh, chơi tu lú, cướp trứng, bắn nỏ, đua ngựa…

 

Lễ hội Gầu Tào: Tổ chức trong một gia đình, để gia chủ “cầu con”, cầu cho cộng đồng “người yên, vật thịnh” thường diễn ra sau tết vài ngày. Lễ hội được tổ chức trên bãi đất bằng đầu giao. Trước Tết, gia chủ đẵn một cây mai to về trồng làm cây nêu cao, trên treo 1 dải vải đỏ, một tờ giấy bản, một quả bầu khô đựng rượu để dân bản biết nhà ấy mở hội Gầu Tào.

 

Ngày 30 tết, sau khi cúng tổ tiên trong nhà, gia chủ làm một mâm cỗ cúng dưới gốc cây nêu cầu xin những điều mình cần mà chưa có, sau Tết mở hội, mời thầy cúng chúc gia chủ vạn sự như ý, dân làng được “người yên, vật thịnh”, sau đó nghi lễ khai hội bắt đầu. Tiếp theo là các cảnh hát hội, mọi người tham gia các trò vui, đàn hát “gầu phềnh”. Các cụ cao niên làm lễ tạ cây nêu, lễ xong gia chủ đem cây nêu về làm dát giường nằm để có con hoặc sinh con trai, bầu rượu được đổ tung ra bốn hướng, mảnh vải đỏ gia chủ đem về treo trong nhà cầu mong hồng phúc cho gia đình.

 

Bên cạnh hệ thống thức liên quan đến cuộc sống con người và các lễ thức cộng đồng, nhiều nơi còn có vài nghi lễ liên quan đến sản xuất như cúng cầu mùa mang tính cá nhân, ít mang tính cộng đồng. Song trong lễ thức người Mông có đặc điểm nổi bật là “lễ thức gia đình, lễ thức trong dòng họ phát triển hơn lễ thức cộng đồng cả giao. Đặc điểm này phản ánh quan hệ huyết thống ở người Mông có sự cố kết hơn quan hệ láng giềng”.

Nguồn: Báo Du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT