Non nước Việt Nam

Phong cách ăn uống của người Thái đen Sơn La

Cập nhật: 01/11/2011 15:26:25
Số lần đọc: 2665
Đã từ rất lâu, người Thái đen Sơn La quen với nếp sống định canh, định cư chứ không nay đây mai đó. Vì vậy, phong cách ăn uống của họ cũng có nét khác biệt với các dân tộc khác.

Lương thực của họ đều là những vật phẩm của đồng ruộng, nương rẫy. Đồ ăn phong phú, đa dạng từ gạo, ngô, sắn và các loại rau củ quả mà họ trồng hoặc hái lượm được từ sông suối, hay trong rừng.

 

Điều đặc biệt là văn hóa “ngồi trông hướng” trong mỗi bữa ăn của người Thái đen vừa thể hiện thứ bậc của các thành viên trong gia đình theo chế độ mẫu hệ, nhưng vẫn đượm nét bình đẳng. Các thế hệ khác nhau đều có thể cùng ngồi ăn chung một mâm cơm, chỉ khác là vị trí ngồi phải tuân thủ theo ngôi thứ. Trong cùng một gia đình khi ăn cũng phải ngồi theo ngôi thứ, ông bà bao giờ cũng ngồi ở phía bên trên của mâm cơm, kế tiếp là bậc cha mẹ rồi mới đến con cháu.

 

Khi tổ chức ăn đông người, người Thái đen Sơn La rất chú trọng sắp xếp chỗ ngồi theo thứ bậc cho thích hợp. Phía bên trên mâm cơm, ưu tiên số một luôn là người đại diện bên ngoại. Tiếp đó là các bậc cao niên ngồi xen với những người bên ngoại (gọi là lúng ta). Khi ăn đông người, người Thái đen đặt các mâm cơm liền nhau chạy dài dọc theo chiều dọc của ngôi nhà sàn. Khi ngồi ăn sẽ hình thành hai dãy dài đối diện nhau.

 

Theo quy định dân gian đã thành thông lệ, phía trên là phía vách nhà. Từ giữa mâm lên phía trên là chỗ ngồi của người đại diện quan trọng nhất bên ngoại (lúng ta) từ đó kéo ra phía sàn quản là chỗ ngồi của các bậc cao niên và nam giới bên ngoại. Từ giữa mâm ra phía sàn chán (sàn phụ) dành cho các bà ngồi và cũng xếp ngôi thứ theo ngôi thứ từ trong ra ngoài.

 

Phía bên dưới mâm dành cho những thứ bậc không quan trọng đối với gia chủ mà chủ yếu là con cháu, và cũng chia ra phía sàn quản là nam, phía sàn chán là nữ. Nam và nữ người Thái đen Sơn La không bao giờ ngồi xen kẽ nhau khi ăn uống. Con cháu ngồi trong mâm cơm phải có trách nhiệm rót rượu, bổ sung thức ăn khi thức ăn trong mâm cạn và phục vụ các cụ cho thật chu đáo.

 

Khi đặt mâm cơm nếu có người bên ngoại đến dự ở chính giữa mâm phía trên nhất thiết phải đặt đôi chén rượu và một đĩa thịt gà. Đĩa thịt gà quan trọng nhất là phải có đủ hai cái đùi, hai cái chân và cái đầu gà. Có như vậy mới thể hiện được sự tôn trọng bên ngoại và phải đợi đến khi nào người quan trọng nhất bên ngoại gắp chia cho mọi người mới được ăn.

 

Khi uống rượu, mọi người chúc tụng nhau xong dùng tay phải cầm chén rượu lên ngoảnh ra phía sau rót vài 3 giọt rượu xuống kẽ sàn gọi là Phái lảu rồi mới đưa lên uống. Làm như vậy theo quan niệm của người Thái đen là để hồn ma đi theo mình để cùng được hưởng chén rượu và cầu mong các hồn ma phù hộ độ trì cho mình. Uống độ 5 - 6 chén rượu, chủ nhà mời bên ngoại hai chén rượu, đến các bậc cao niên rồi mới đến con rể, con dâu uống. Còn đối với khách đến thăm, gia chủ có đôi chén rượu mời là tỏ lòng tôn kính và hiếu khách, vì thế mà mọi người không được từ chối. Cuộc ăn uống cứ như vậy có thể kéo dài thâu đêm suốt sáng cùng vui chơi văn nghệ, múa xoè truyền thống của người Thái đen.

Nguồn: langvietonline

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT