Non nước Việt Nam

Khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở xã Yên Cường (Bắc Mê, Hà Giang)

Cập nhật: 01/11/2011 09:04:54
Số lần đọc: 2258
Nghề dệt thổ cẩm ở huyện Bắc Mê có từ lâu đời, được bà con tự sản xuất và sử dụng làm trang phục cho mình. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, các sản phẩm may mặc với các mẫu mã và công nghệ hiện đại với giá thành rẻ đã dần chiếm lĩnh thị trường may mặc, lấn át các sản phẩm thổ cẩm truyền thống.
Vì thế, việc khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm tại thôn Bản Túm, xã Yên Cường (Bắc Mê) có ý nghĩa rất quan trọng để lưu giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa, những bản sắc văn hóa dân tộc lâu đời của cư dân bản địa, mà còn là một cách giải quyết việc làm, tăng thu nhập và góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào trong những lúc nông nhàn.


Để khôi phục và phát triển nghề truyền thống này, năm 2009 các cấp, các ngành và nhiều cá nhân trong huyện, xã có tâm huyết với nghề đã đầu tư nhiều công sức để khôi phục và phát triển. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh , Hội Nông dân huyện, Dự án 135 đã phối hợp với UBND xã Yên Cường và các thôn có tiềm năng phát triển nghề dệt thổ cẩm như: Bản Túm, Bản Chà, Cốc Phát... tổ chức lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tập trung tại thôn Bản Túm cho 30 học viên, giúp chị em ngoài việc đi nương làm rẫy, có thêm nghề phụ cho thu nhập đáng kể, góp phần nâng cao đời sống cho gia đình. Lớp dạy nghề không chỉ dành riêng cho chị em đã có gia đình, mà còn thu hút đông đảo lớp trẻ có tay nghề cao tham gia trong việc dạy truyền nghề, phát triển nghề truyền thống cho các thế hệ sau. Nhờ đó, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc ở xã Yên Cường đang được khơi dậy và phát triển.


Gia đình chị Lã Thị Nhình, thôn Bản Túm là một gia đình có truyền thống nghề dệt thổ cẩm từ lâu đời. Trong ngôi nhà sàn cổ kiên cố, cặm cụi bên khung dệt, chị Nhình cho biết: Ngày trước, dệt ra được tấm vải rất vất vả và nhiều công đoạn lắm. Từ khi cây bông tra xuống cho đến lúc quả bông cho thu hoạch cũng chừng 4 – 5tháng, sau đó phơi khô đến tháng 9, tháng 10 thì kéo sợi, mỗi con sợi dài chừng 15-20 cm. Kéo sợi bằng tay quay, khi kéo phải quay thật đều thì sợi mới mềm, mịn. Kéo sợi xong bắt đầu “hồ” bằng bột ngô, “hồ” xong phải phơi khô để se thành ống. Sau đó cho vào dụng cụ xếp. Để xếp sợi dọc hay đi sợi dài, số lượng vải làm nhiều hay ít, khổ rộng hay hẹp, tùy người sản xuất và mục đích sử dụng. Cuối cùng mới đến công đoạn dệt. Nếu dệt vải trắng đơn giản thì mỗi ngày được khoảng 10 – 12 m. Nếu dệt hoa văn, dệt chữ (dệt mầu) thì mỗi ngày chỉ được từ 7 - 8 m. Như vậy cũng phải mất nửa năm, bộ áo váy mới dệt xong. Khi ấy cũng là vừa kịp diện Tết. Chị Nhình cho biết, những lúc nhàn rỗi, khi đã gặt hái xong hoặc khi trời mưa gió không đi ra ruộng, lên nương được thì các chị em ở trong thôn tập trung đến nhà chị vừa để học, vừa tranh thủ se lanh, kéo sợi dệt vải. Mặc dù, đây chưa phải là nguồn thu nhập chính, nhưng mỗi tháng cũng thêm được 200.000 - 500.000 đồng, hoặc có sản phẩm để phục vụ có mọi thành viên trong gia đình. Đến nay, toàn xã hiện có hơn 30 khung dệt và 3 thôn đều có các nhóm dệt. Ngoài ra, chính quyền xã còn kết hợp với Hội Phụ nữ thường xuyên đến tận nhà, động viên chị em duy trì và phát huy nghề dệt, giúp cộng đồng nhận thức được lợi ích, ý nghĩa của nghề truyền thống, vừa phục vụ nhu cầu hàng ngày, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình vừa giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc.


Để tiếp tục duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm tại xã Yên Cường (Bắc Mê) nói riêng và các huyện trong tỉnh nói chung, bên cạnh sự tích cực tham gia của người dân, của các cá nhân, tổ chức tâm huyết với nghề, rất cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền để khôi phục, bảo tồn và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó chú trọng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, coi đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của các thế hệ con cháu.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT