Non nước Việt Nam

Văn hóa làng trong đời sống dân gian

Cập nhật: 28/06/2011 15:16:24
Số lần đọc: 2729
Từ bao đời, làng quê Việt Nam đã tồn tại trong một môi trường văn hóa được kết tinh bởi vô số giá trị truyền thống, bao gồm những phong tục tập quán, lễ nghi tôn giáo, triết lý nhân văn đạo đức gọi chung là văn hóa làng.

Nhờ sức sống vĩnh hằng song hành cùng sự lớn mạnh của làng xóm, văn hóa làng đã chi phối mạnh mẽ đến vạn vật kể cả tự nhiên lẫn cộng đồng cư dân trong làng hình thành ở đó những đức tính, phẩm chất và vẻ đẹp độc đáo, đặc thù không dễ bị phai nhòa, lấn lướt trước mọi đổi thay, xô bồ của xã hội.

 

Văn hóa làng hiển hiện ở rất nhiều mặt trong đời sống dân gian  nông thôn Việt Nam, mà rõ nhất là ở việc mỗi làng đều có hương ước- các điều lệ, luật tục áp dụng trong phạm vi của làng mình, các thành viên phải tuân theo, chỉ được phép khiến làng đẹp hơn tốt hơn, chứ không được làm tổn hại đến làng. Mặc dù có điểm khác biệt nhưng tựu chung lệ làng đều răn dạy người dân phải sống đúng mực, lễ phép, hiếu nghĩa; học hành chăm chỉ, lao động cần cù. Ai giỏi làng sẽ thưởng. Ai mắc lỗi làng sẽ xử phạt. Tại mỗi gia đình, dòng họ trong làng cũng có gia phong. Từ nhỏ, mọi người đã được nuôi dạy trong các khuôn phép, quy định gọi là gia pháp, gia huấn, chịu ảnh hưởng của cả ba hệ tư tưởng nho giáo, đạo giáo và phật giáo. Theo đó, con cháu hiếu thuận với ông bà, cha mẹ. Anh em thảo hiền, thương yêu nhau. Người già làm gương cho người trẻ.

 

Các gia đình ở quê đều có truyền thống tam, tứ đại đồng đường, tức là nhiều thế hệ cùng chung sống một nhà, rất thuận hòa, tình cảm. Khi gia tộc lớn, con cháu mới xin ra lập các chi họ có liên hệ qua lại và dựng nên các trưởng họ là người có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên (làm cỗ giỗ tổ, dâng hương...) và quyết định những việc đại sự của dòng tộc. Sau khi mất, ông sẽ truyền lại trách nhiệm này cho con trai. Hàng năm, cháu chắt sẽ phải đến thăm hỏi, mang lễ vật góp cúng và các ngày giỗ tổ, lễ Tết đều đến nhà trưởng họ ăn cỗ.

 

Người làng rất coi trọng dòng tộc và luôn đặt lợi ích của dòng tộc lên trên lợi ích của bản thân, gia đình. Ai cũng xem trọng cội nguồn tổ tiên, xem dòng họ là nơi phát xuất, gắn kết và duy trì các mối quan hệ ruột rà. Những tộc họ lớn đều có gia phả và nhà thờ họ để ghi chép thế thứ, dựa vào đó cháu chắt các đời sẽ hiểu được ai là cụ kỵ, ông bà nội ngoại thân sinh ra nhà mình.

 

Thú vị hơn cũng là một điểm đặc biệt của làng xã là gần như mọi dân làng đều có quan hệ họ hàng thân quyến. Nơi đâu cũng là anh em, con cháu nên cách hành xử rất thân tình, khăng khít. Mọi người đều coi trọng tôn ti. Khi nhận ra người nói chuyện ở vai bậc trên mình người ta lập tức thay đổi cách xưng hô để tránh nhầm lẫn.

 

Ở nông thôn, họ mạc luôn là chỗ dựa tinh thần của người dân những khi đói rét, tha hương, với quan niệm có bà con ruột thịt có thêm chỗ nương tựa nhờ cậy, có người canh giữ nếp nhà, chăm sóc mồ mả ông cha. Ngoài ruột thịt, nhiều làng còn có tục kết chạ, kết nghĩa anh em với làng khác nhằm những lúc có chuyện như hỏa hoạn, vỡ đê, lũ lụt, giặc dã... có thể tương trợ, ứng cứu lẫn nhau. Khi một bên bị nạn, bên kia sẽ đến giúp, không đòi hỏi công xá.  

Không chỉ vậy, dân làng còn sống rất tình nghĩa, tối lửa tắt đèn có nhau và đoàn kết trong công việc. Mọi nhà không sống tách biệt mà gần gũi với xóm giềng. Nhà này quen biết, thăm hỏi nhà nọ. Ai về làng hay dọn đến chỉ một lúc sẽ có người tới chơi. Khi một nhà có trẻ mới sinh, xóm giềng đều đến chúc mừng. Khi cưới xin, ma chay cũng vậy, cả làng cùng đưa tiễn. Khi một người bị bắt nạt cả họ kéo ra bênh vực. Ngược lại, khi cần quyết định một việc hệ trọng người ta cũng về hỏi làng. Ngoài duy trì tập quán, mọi người đều cố gắng phát huy sức sáng tạo nhằm làm đẹp dòng họ, làng xóm vì sự phát triển, thịnh vượng chung của làng nước.

 

Dân quê, ai cũng có các thói quen và nếp sống dung dị, chất phác. Hàng ngày, mọi nhà đều uống trà, hút thuốc, ăn trầu đặc biệt dùng trầu cau trong các sinh hoạt cưới hỏi, tang ma, mừng thọ, khánh thành với tâm ý miếng trầu là đầu câu chuyện, vật kết giao bằng hữu. Người dân cũng quen rửa rau, giặt giũ ngoài hồ ao; ăn cơm trong bếp, giữa sân; nằm chõng, rải chiếu ngồi bệt. Lúc rảnh rất ham chuyện, gặp ai cũng chào hỏi. Ở mỗi vùng miền còn nói một thứ tiếng địa phương - phương ngữ, và có cách dùng từ ngữ, câu đố, truyện cười thú vị.

 

Do đời sống nông nghiệp dựa vào chăn nuôi trồng trọt để lấy bát cơm áo mặc, mọi nhu yếu trong làng gần như là tự cung, tự cấp, và nhờ người dân chắt chiu, tiết kiệm mà có. Ngày thường người ta chỉ ăn uống đạm bạc; giỗ tết mới chú trọng đến cỗ bàn, tiệc tùng. Để đỡ tốn kém, mọi nhà tự mổ lợn, gói bánh, nấu cỗ, nguyên liệu đều là những thứ trồng hay nuôi được, lấy ngay từ trong vườn ngoài sân. Đi chợ thường dùng hình thức trao đổi. Nhà sẵn trồng rau thì mang rau đổi thịt hoặc bán rau lấy tiền mua thịt. Tương tự lấy con vịt, con gà (nuôi được), cái rổ cái sàng (đan được) để đổi mắm, muối, tiêu, đường... Ngay cả việc xây dựng nhà cửa, sửa chữa đồ đạc nhiều khi cũng tự làm.

 

Một biểu hiện nữa của văn hóa làng là lúc nào cũng thấy người dân trong các hoạt động đồng áng và giao lưu, sinh hoạt văn hóa bên các quần thể kiến trúc nghệ thuật cộng đồng. Thường thấy các cảnh cuốc xới, cày bừa, chăn thả, đánh bắt, đan lát, giần sàng... những hình ảnh đặc trưng khi nhìn vào biết ngay của một làng quê Việt Nam. Ngoài ra, tùy mỗi làng, còn các nghề phụ tạo nên tên tuổi của làng như làng làm mắm, se hương, dệt lụa, đúc đồng, nặn gốm, vẽ tranh; ngay trong một làng cũng có đủ sĩ, nông, công, thương. Mọi hoạt động sản xuất diễn ra một cách tự nhiên, từ xa đã nhìn, nghe, ngửi, cảm nhận thấy.

 

Đều đặn hàng tuần, hàng tháng trong nhà và ngoài đình, chùa làng có những sinh hoạt văn nghệ và trong năm có các lễ hội. Đặc biệt hàng niên hoặc định kỳ vài năm một lần vào các ngày xuân các làng lại tổ chức nghi lễ cầu cúng và trò chơi giải trí quy mô. Đây là dịp để dân làng tưởng nhớ tổ tiên, thần linh duy trì phong tục tập quán; đáp lễ trả ơn người khác và chào đón quan khách.

 

Lễ hội cũng cho phép mỗi làng giới thiệu các đặc điểm nổi trội của mình, làng gốm khoe gốm, làng tranh khoe tranh, làng bánh khoe bánh, làng lụa khoe lụa... cũng để người dân thỏa sức thi thố, chứng tỏ mình như nấu ăn ngon, khâu vá đẹp, khỏe vật, giỏi chèo thuyền... Ở một số lễ hội, có ý nghĩa phồn thực, khi có đám rước, các dòng người chen nhau, nam nữ được dằng co thoải mái. Má kề má, tay chạm tay chàng trai nào láu lính muốn cầm tay một cô gái nhân dịp này được phép. Trong hội làng, mọi nhà đều gác bỏ công việc, tránh kinh động tới làng và đóng góp công của mổ lợn, trâu bò, đánh bắt cá làm cỗ. Sau khi cúng thánh thì chia xuất lộc thánh cho muôn nhà. Từ trẻ con đến cụ già, thậm chí khách thập phương đến làng chung vui đều có phần.

 

Văn hóa làng còn thể hiện ở lòng tri ân, tôn sùng, thờ cúng của dân quê đối với tổ tiên, tiền hiền hậu hiền đã lập làng dựng nghề, các anh hùng chống giặc ngoại xâm và các vị thánh thần có công với làng nước. Coi trọng mồ mả cha ông, dù đi đâu về đâu tới ngày giỗ tổ, giỗ thành hoàng người dân đều quay về chịu lễ. Đặc biệt vào mùa xuân, mọi người đều đi tảo mộ, rẫy cỏ sửa chữa mộ phần và thắp hương tưởng niệm người thân. Mỗi năm, cứ xuân thu, nhị kỳ (tháng giêng và tháng tám), tại đình chùa làng lại có lễ tế thần hoàng, trời Phật và lễ cúng cơm mới để tỏ lòng biết ơn Thần Nông cho dân gian được mùa. Khắp nơi tu bổ, kiến thiết những căn nhà cổ, các công trình văn hóa-nghệ thuật, tôn giáo lâu đời của làng để giáo dục con cháu truyền thống.

 

Có thể nói văn hóa làng không tự dưng sinh ra mà là sự tích lũy truyền đời và biến đổi phù hợp với điều kiện mới để ngày càng tinh tế, đa sắc, đa dạng. Nhờ văn hóa làng mỗi người dân quê có một nguồn sức mạnh vô biên giúp giữ mình trong mọi hoàn cảnh và xa hơn là bản sắc, tính cách dân tộc. Văn hóa làng cũng cho mỗi người tình yêu quê hương, đất nước, gợi ở người tha hương khát khao muốn trở về nơi chôn rau cắt rốn sống vui bên dòng họ, xóm giềng cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

Nguồn: Báo Thái Bình

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT