Hoạt động của ngành

Thanh Hoá: Bảo vệ, phát huy giá trị di tích văn hoá lịch sử Trạng Quỳnh

Cập nhật: 07/07/2008 09:07:50
Số lần đọc: 2555
Đền thờ uy nghiêm, khuôn viên sạch đẹp, thoáng mát, ngày nào cũng đông người đến tham quan, thắp hương tưởng niệm... Đó là hình ảnh của di tích văn hoá lịch sử cấp quốc gia, đền thờ cụ Nguyễn Quỳnh, còn gọi là Trạng Quỳnh ở xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Ngôi đền này được chính con cháu trong dòng họ cụ trông nom thờ cúng.

Nguyễn Quỳnh (1677 - 1748) xuất thân trong một gia đình nho giáo, có truyền thống hiếu học tại làng Bột Thượng, nay là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Năm 20 tuổi, ông đã đỗ đầu kỳ thi Hương đời vua Lê Dụ Tông. Vốn không có chí làm quan, nhưng với tài năng thơ phú và ứng đối xuất chúng, lại sẵn lòng bênh vực người nghèo, ghét cay ghét đắng bọn tham quan, ô lại, ông được dân gian yêu mến phong là Trạng. Năm 1992 đền thờ Trạng Quỳnh được công nhận là di tích văn hoá lịch sử cấp quốc gia. Cũng từ thời điểm đó, đền thờ được ngành Văn hoá - Thông tin, (nay là Văn hoá - Thể thao và Du lịch) cùng các cấp chính quyền huyện, xã đã đề ra phương châm: Dòng họ và cộng đồng cùng tham gia bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Đây là cách làm có nhiều ưu điểm bởi đã gắn được trách nhiệm trực tiếp của con cháu trong dòng họ Nguyễn đối với việc trông nom, chăm sóc, tu sửa ngôi đền. Ông Nguyễn Quang Khánh, trực hệ thứ tám của cụ Nguyễn Quỳnh, được dòng họ Nguyễn giao trọng trách trông nom, chăm sóc đền thờ. Để tiện cho việc trông coi, bảo vệ di tích văn hoá cấp Quốc gia và dòng họ, ông Khánh đã chọn công việc làm thợ cắt tóc ở gần ngôi đền. Ông Khánh tâm sự: "Nhiều khi đang bận việc cắt tóc nhưng thấy có khách đến tham quan, thắp hương tưởng niệm, tôi phải xin phép tạm nghỉ để giới thiệu, hướng dẫn cho khách,...”. Nhiều khi ông Khánh còn kiêm luôn cả hướng dẫn viên du lịch nữa. Việc giao đền thờ cụ Nguyễn Quỳnh về cho dòng họ trông coi bảo vệ đã thật sự nâng cao được trách nhiệm và lòng tự hào trong dòng họ. Cuốn sách truyện Trạng Quỳnh cũng do chính nhà văn Nguyễn Đức Hiền trực hệ thứ 8 của cụ Nguyễn Quỳnh biên soạn được đánh giá cao về giá trị văn học nghệ thuật và đã được dịch ra hai thứ tiếng Anh và Pháp. Cuốn sách này được làm bằng Mêca đặt tại nhà lưu niệm cụ Nguyễn Quỳnh để phục vụ du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu.

 

Đền thờ được dòng họ trông coi nhưng những hoạt động liên quan như tổ chức lễ hội, trùng tu tôn tạo đền thờ... đều có sự thống nhất quản lý, chỉ đạo của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng. Ông Nguyễn Văn Thọ, cán bộ văn hoá xã Hoằng Lộc cho biết: Mặc dù đền thờ được giao trực tiếp cho dòng họ trông nom, nhưng chính quyền địa phương luôn giám sát chặt chẽ hoạt động của đền. Vào những ngày lễ hội 1/10 âm lịch (ngày sinh) và 28/1 âm lịch (ngày mất) của cụ Nguyễn Quỳnh, dòng họ đều phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đón tiếp hàng chục nghìn lượt khách thập phương về dâng hương tưởng niệm, tìm hiểu thân thế sự nghiệp của cụ Nguyễn Quỳnh... Vào những ngày đại lễ, xã đều trực tiếp đứng ra chủ trì đón tiếp khách thập phương, tế lễ, giới thiệu thân thế sự nghiệp Nguyễn Quỳnh... Cũng thông qua các ngày lễ, hội, con cháu trong dòng họ lại tụ hội đông đủ ôn lại truyền thống cha ông, truyền thống hiếu học trong dòng họ. Với cách sinh hoạt dòng họ như vậy đã góp phần nâng niềm tự hào của dòng họ, khuyến khích được con cháu học hành. Trong những năm vừa qua, tỉ lệ đậu đại học của con cháu trong dòng họ Nguyễn đạt trên 30%. Việc trùng tu sữa chữa đền đều thông qua các cấp chính quyền và Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch nhằm bảo tồn được kiến trúc cổ của ngôi đền... Năm 2004 tỉnh Thanh Hoá cùng dòng họ Nguyễn và các nhà hảo tâm đã tu bổ lại nóc đền và xây dựng thêm nhà lưu niêm cụ Nguyễn Quỳnh, kinh phí lên đến hàng trăm triệu đồng. Những sửa chữa nhỏ do dòng họ Nguyễn tự đóng góp...

 

Thanh Hoá hiện có trên 1.700 di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia, trong đó nhiều di tích được các dòng họ và cộng đồng cùng trông coi bảo vệ và phát huy giá trị như đền thờ xếp hạng quốc gia Lê Văn Hưu ở xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá, nhà thờ họ Đàm ở xã Đông Lĩnh, huyện Đông Sơn, đền thờ Cầm Bá Thước, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân... Nhờ cách làm này việc bảo vệ, phát huy giá trị các di tích văn hoá lịch sử ngày càng có hiệu quả và cũng làm giảm thiểu tình trạng buôn thần, bán thánh, lợi dụng đền thờ để kinh doanh trục lợi, bởi trong dòng họ không cho phép lấy cha ông, tổ tiên mình ra để làm lợi bất chính.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục