Hoạt động của ngành

Những nhịp chiêng gieo mầm văn hóa ở vùng biên Đắk Nông

Cập nhật: 15/05/2025 11:41:13
Số lần đọc: 32
Tiết học đặc biệt tại Trường tiểu học và THCS Lý Tự Trọng, huyện Tuy Đức bắt đầu bằng tiếng chiêng ngân vang trong nhà đa năng.


Tiết học đặc biệt

Tiết học bắt đầu bằng bài chiêng đón khách của các nghệ nhân bon Bu N’Rung. Bài chiêng vang lên đưa không gian của nhà đa năng vào một lễ hội truyền thống dân tộc M’nông.

Phía dưới, hơn 500 học sinh Trường tiểu học & THCS Lý Tự Trọng, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) dõi theo với ánh mắt say mê theo từng nhịp chiêng, điệu múa lạ lẫm, thích thú.

Tiết học bắt đầu bằng bài chiêng đón khách của các nghệ nhân bon Bu N’Rung, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (Đắk Nông)

Kết thúc bài chiêng, giọng nói trầm ấm của nghệ nhân Điểu Thiêm vang lên giữa sân trường. Ông giới thiệu về chiêng trong các sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc M’nông.

Ông chỉ vào từng chiếc chiêng, nói về tên gọi, cách đánh và tính cộng đồng được thể hiện qua bộ chiêng. Những thông tin giới thiệu đưa các em học sinh đến gần hơn với văn hóa truyền thống dân tộc M’nông.

Tiết học trở nên vui nhộn khi nghệ nhân Điểu Thiêm tiến gần các em học sinh và hỏi ai muốn đánh chiêng thì giơ tay. Những cánh tay đồng loạt giơ lên, nghệ nhân Điểu Thiêm chọn 12 em học sinh bước lên phía trước để các nghệ nhân cầm tay chỉ dạy.

Từng thế đánh, từng nhịp đánh đều được cầm tay chỉ dạy một cách tỉ mỉ và kiên nhẫn

Dưới sự hướng dẫn kiên nhẫn của nghệ nhân, các em học sinh bắt đầu học cách đeo chiêng, cách đặt tay ở mặt sau chiêng, cách đánh chiêng.

Từng thế đánh, từng nhịp đánh đều được cầm tay chỉ dạy một cách tỉ mỉ và kiên nhẫn. Mỗi lỗi nhỏ đều được nghệ nhân sửa.

“Chiêng không đánh như gõ trống. Nó là nhạc cụ của trời đất, đánh chiêng phải biết nghe nhau, hòa vào nhau”, nghệ nhân Điểu Thiêm vừa hướng dẫn, vừa giải thích.

Sau khoảng thời gian cầm tay chỉ cách đánh, các em học sinh được các nghệ nhân hướng dẫn đánh một bài chiêng với sự kết hợp của từng chiếc chiêng.

Các em học sinh đánh chiêng theo nhịp vỗ tay của nghệ nhân Điểu Jăng, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức (Đắk Nông)

Có những lúc âm thanh lạc điệu nhưng ngay lập tức được các nghệ nhân chỉnh sửa để bài chiêng kết thúc trong tiếng vỗ tay, hoan hô của các em học sinh tham gia buổi học.

Trong tiết học, các nghệ nhân còn dành nhiều thời gian giải đáp nhiều câu hỏi của các em học sinh về chiêng, về văn hóa truyền thống dân tộc M’nông và các hoạt động sinh hoạt văn hóa gắn với chiêng.

Trong số các em học sinh tham gia buổi học, Phạm Thị Tâm Như, lớp 7A, là một trong những người tỏ rõ sự háo hức. Đây là lần đầu tiên Tâm Như được trực tiếp cầm chiếc chiêng thật, được nghệ nhân hướng dẫn tận tay.

Không ai bị chê trách khi đánh sai, mỗi lỗi nhỏ đều được nghệ nhân, các em cùng cười, cùng sửa.

Trước đây, em chỉ biết đến cồng, chiêng qua truyền hình, sách báo. Hôm nay em được học đánh chiêng, em rất vui và tự hào. "Em cảm nhận được đây là một nét văn hóa rất độc đáo mà từ trước tới nay mình chưa từng trải nghiệm", Tâm Như bày tỏ.

Học sinh Thị Nơi, lớp 9, người con của bon làng Bu NRung, thì buổi học lại mang một cảm xúc rất riêng. Sinh ra và lớn lên trong môi trường có truyền thống cồng, chiêng, em đã quen với những tiếng chiêng vang lên trong các lễ hội, nghi lễ cộng đồng.

Đưa công chiêng vào trường học được huyện Tuy Đức (Đắk Nông) triển khai từ năm học 2023 - 2024. Các em học sinh biểu diễn bài chiêng sau khi được chỉ dạy

Em Thị Nơi cho biết, bon làng em thường có các hoạt động đánh chiêng trong các nghi lễ gắn với văn hóa truyền thống.

Khi được học đánh chiêng ngay tại trường học, em cảm thấy rất tự hào vì văn hóa của dân tộc mình không chỉ tồn tại ở bon làng, mà còn lan tỏa trong môi trường giáo dục. Em mong sẽ có nhiều buổi học như vậy nữa.

Tiếp nối và bảo tồn văn hóa truyền thống

Huyện Tuy Đức hiện có hơn 13.400 người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, chủ yếu là người dân tộc M’nông. Những năm qua, huyện đã nỗ lực thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Trong đó, huyện chú trọng phục dựng lễ hội, nghi lễ, xây dựng và duy trì các đội chiêng, đội múa trong các bon làng như một cách để bảo tồn văn hóa truyền thống trong cộng đồng.

Từ năm 2024, huyện Tuy Đức triển khai đưa cồng chiêng vào trường học, để văn hóa không chỉ hiện diện trong lễ hội, mà trở thành một phần trong đời sống học đường nơi những mầm non của tương lai được nuôi dưỡng bằng tình yêu văn hóa dân tộc.

Bà Phạm Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học & THCS Lý Tự Trọng chia sẻ, trường đưa cồng chiêng vào chương trình ngoại khóa để cho học sinh học, trải nghiệm.

Qua hoạt động này, nhà trường muốn khơi dậy niềm tự hào văn hóa cho học sinh, đặc biệt là các em người dân tộc thiểu số đang học tại đây.

Buổi học đánh chiêng là cách làm hiệu quả để đưa văn hóa đến gần học sinh. Các em không học để thi, mà học để yêu văn hóa, yêu cội nguồn.

Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Tuy Đức cho biết, với đặc thù huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số, việc cồng chiêng sống trong cộng đồng, sống cùng lớp trẻ như thế này sẽ bảo tồn và phát huy được giá trị văn hóa truyền thống.

"Đây cũng là cơ sở để huyện gắn bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển du lịch, dịch vụ trong thời gian tới", ông Thành cho biết.

Bà Phạm Thị Phượng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tuy Đức khẳng định, huyện xác định, việc bảo tồn văn hóa truyền thống không chỉ là trách nhiệm của ngành Văn hóa, mà là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương.

Vì vậy, huyện đã cụ thể hóa công tác bảo tồn văn hóa bằng việc xây dựng nghị quyết chuyên đề về bảo tồn di sản văn hóa gắn với giáo dục thế hệ trẻ.

“Trường học là nơi gieo mầm, là chiếc nôi gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống" - Bà Phạm Thị Phượng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tuy Đức

Những tiếng chiêng hôm nay vang lên trong trường học không chỉ là âm nhạc, mà là tiếng gọi của truyền thống, của cội nguồn. Đó là những nhịp đập nối tiếp giữa quá khứ và tương lai, giữa nghệ nhân và học trò, giữa văn hóa cộng đồng và giáo dục học đường.

Trường học nơi gieo mầm, là chiếc nôi gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Từ những buổi học như thế, cồng chiêng Tây Nguyên di sản ngàn đời đang được tiếp nối bởi một thế hệ trẻ, trân trọng và tự hào. 

Đức Hùng

Nguồn: Báo Đắk Nông - baodaknong.vn - Đăng ngày 15/5/2025

Cùng chuyên mục