Hoạt động của ngành

Hải Phòng - Miền di sản

Cập nhật: 13/05/2025 11:13:13
Số lần đọc: 38
Hải Phòng là vùng đất miền cửa biển giàu bản sắc văn hóa, với di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Đây là tài sản vô giá được gìn giữ, trao truyền, kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai.


Trình diễn “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt”. Ảnh: Thanh Sơn

Những giá trị độc đáo, độc bản

Mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa từ ngàn xưa để lại, Hải Phòng được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đánh giá là vùng đất có bề dày lịch sử, chứa đựng những giá trị văn hóa tiêu biểu, giàu bản sắc, với di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú.

Là vùng đất địa linh, nhân kiệt, nơi đầu sóng ngọn gió, Hải Phòng có những nét riêng, hòa trong quá trình dựng nước, giữ nước trước kia và dựng xây, phát triển đất nước hôm nay. Nét riêng đó thể hiện rất đậm nét trong bản sắc văn hóa, con người vùng cửa biển. Thơ, ca, hò, vè, các phong tục, tập quán xưa được bảo tồn, lưu giữ theo thời gian đã hòa quyện vào cuộc sống cùng các loại hình nghệ thuật.

Hải Phòng có khoảng 500 lễ hội truyền thống, trong đó có 9 lễ hội và 2 nghệ thuật trình diễn dân gian được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, Hải Phòng có 2 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh là ca trù và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, trên địa bàn Thành phố vẫn còn lưu giữ, duy trì các làng nghề lâu đời. Một số làng nghề được phục hồi và phát triển đã đóng góp giá trị cho xã hội, như làng nghề chiếu cói Lật Dương (huyện Tiên Lãng), làng tạc tượng Bảo Hà (Vĩnh Bảo), làng nghề gốm Dưỡng Động (huyện Thủy Nguyên)…

Hải Phòng còn có di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh với Quảng Ninh là vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 119 di tích quốc gia, 445 di tích cấp thành phố và gần 400 di tích trong danh mục kiểm kê; 12 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 5 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt là đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, cụm di tích Từ Lương Xâm - căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938, cụm di tích liên quan đến nhà Mạc ở Dương Kinh… Tại Hải Phòng, còn lưu giữ một số bảo vật quốc gia, như chuông chùa Vân Bản, tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung, tượng phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, thanh đao thế kỷ XVII - XVIII.

Với những giá trị độc đáo, độc bản, đặc sắc mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, 22 vật phẩm của Bộ kim phẩm về Nữ tướng Lê Chân đã được công nhận là bảo vật quốc gia, góp phần khẳng định chiều sâu tinh hoa văn hóa của dân tộc từ xa xưa tại Hải Phòng. Tất cả đều là những báu vật của Thành phố và đất nước.

Hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh, lễ hội truyền thống trải dài khắp các quận/huyện, thuộc nhiều loại hình khác nhau là minh chứng cho sự đa dạng, phong phú của di sản văn hóa nơi đây. Theo các nhà sử học, bãi cọc Cao Qùy, xã Liên Khê xưa thuộc Tổng Trúc Động, huyện Yên Hưng, nay thuộc Thủy Nguyên (Hải Phòng) là nơi chứng kiến những trận đánh lớn trong lịch sử dân tộc. Cuối thế kỷ XIII, Tổng Trúc là căn cứ thủy quân lớn của nhà Trần. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã về đây lập căn cứ chỉ huy trận chiến Bạch Đằng. Tại đây đã diễn ra trận Trúc Động oanh liệt, làm nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử.

Còn tại khu vực nội thành, hàng chục ca quán nổi tiếng ở Cánh gà ngoài (tức Dư Hàng Kênh), Cánh gà trong (tức khu Quán Bà Mau một thời - Lạch Tray), hay Cam Lộ (tức Thượng Lý), Quy Tức (khu Kiến An)... hiện vẫn còn dấu tích về sự hội tụ của những kép đàn, đào hát một thời vang bóng. Tổng Phục Lễ xưa (nay là các phường Lập Lễ, Nam Triệu Giang thuộc TP. Thủy Nguyên) vốn là cái nôi của nghệ thuật hát đúm. Trải qua hàng trăm năm, cho đến nay, những giá trị cốt lõi của loại hình này vẫn được các nghệ nhân gìn giữ và phát huy giá trị của di sản.

Ra đến vùng biển Đồ Sơn, Bến tàu không số, còn gọi là bến K15, là nơi khởi đầu của con đường huyền thoại mang tên “đường Hồ Chí Minh trên biển” - kỳ tích có một không hai trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Một đặc điểm nổi bật, tạo nên bản sắc riêng của Hải Phòng là Thành phố được người Pháp quy hoạch, xây dựng như một thành phố châu Âu thu nhỏ với hàng trăm công trình kiến trúc đến nay vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn và vẫn đang phát huy giá trị sử dụng. Các công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu, độc đáo như Nhà hát thành phố, Bảo tàng thành phố, ga Hải Phòng, Bưu điện thành phố, trụ sở Ngân hàng Nhà nước… đã trở thành những điểm đến của du khách trong nước, quốc tế.

Diễu hành tại Liên hoan Múa rối Hải Phòng mở rộng lần thứ 3 - năm 2025. Ảnh: Thanh Sơn

Bảo tồn và phát triển bền vững

Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng chia sẻ: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, cần được bảo tồn và phát huy. Di sản phải được ‘sống’ cùng cộng đồng dân cư, phải tham gia phát triển kinh tế, đó là ý tưởng mà thế giới, nhất là UNESCO khuyến cáo và đề nghị chúng ta”.

Trên thực tế, Hải Phòng ngày càng có nhiều di sản được công nhận cả trong nước và quốc tế. Theo bà Mai, đây là kết quả quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Hải Phòng về thực hiện nhiệm vụ chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, với mong muốn “biến di sản trở thành tài sản”, đưa văn hóa trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể thấy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang góp phần gìn giữ di sản “sống”, hiện diện trong đời sống hôm nay của Hải Phòng. Điều này cũng giúp cộng đồng ý thức rõ hơn về việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, địa phương.

Các chương trình biểu diễn với nhiều loại hình nghệ thuật văn hóa luôn hiện diện trong đời sống văn hóa của người dân Hải Phòng. Bên cạnh những sân khấu lớn được dàn dựng công phu, các chương trình nhỏ chỉ đơn sơ một vài nhạc cụ biểu diễn, các nghệ nhân trong trang phục truyền thống trình diễn trên đường phố tại dải trung tâm thành phố, Nhà Kèn (vườn hoa Nguyễn Du), bờ hồ Tam Bạc, vườn hoa Nguyễn Trãi... cũng luôn hấp dẫn người dân và du khách. Những môn nghệ thuật tưởng chừng kén người nghe, khó tiếp cận, như ca trù, hát xẩm, cải lương... cứ thế gần gũi hơn với người dân một cách tự nhiên, ngay cả với giới trẻ Thành phố.

Đề án Sân khấu truyền hình Hải Phòng, Đề án Nghệ thuật đường phố Hải Phòng, kế hoạch sáng đèn Nhà hát thành phố của ngành văn hóa Hải Phòng thực hiện trong thời gian qua được đánh giá là điểm sáng của cả nước, gây ấn tượng sâu sắc, tạo thành điểm hẹn văn hóa với người dân và du khách. Đồng thời, cũng tạo môi trường để các nghệ sỹ có điều kiện, cơ hội cống hiến hết mình cho nghệ thuật và công chúng được sống trong môi trường nghệ thuật tinh hoa.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ thuật dân gian truyền thống Hải Phòng, người từng được mệnh danh là “đào nương có giọng hát ca trù hay nhất Việt Nam” (năm 2011) cho hay, các nghệ nhân Hải Phòng thực hành và lưu giữ không chỉ ca trù, mà còn cả nghệ thuật hát chầu văn, hát chèo cổ, hát dân ca, hát xẩm, hát đúm... Việc trình diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống là niềm tự hào của mỗi nghệ nhân, để di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục được lưu giữ và phát huy giá trị.

Trong số hàng trăm lễ hội truyền thống được cộng đồng thực hành và lưu giữ tại Hải Phòng, có hơn 370 lễ hội tín ngưỡng (lễ hội đình, đền, miếu, phủ), hơn 70 lễ hội tôn giáo (lễ hội chùa) và hơn 10 lễ hội được tổ chức trong không gian khác.

Những năm qua, Hải Phòng đã có nhiều cơ chế nhằm phát huy giá trị văn hóa, không gian lễ hội được mở rộng, được người dân, du khách cả nước và quốc tế biết đến, như Lễ hội Hoa phượng đỏ, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân (quận Lê Chân), Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn (quận Đồ Sơn), Lễ hội Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo), Lễ hội Từ Lương Xâm (quận Hải An)…

Con người Hải Phòng hào sảng và thân thiện. Vùng đất Hải Phòng giàu bản sắc văn hóa, với kho tàng di sản văn hóa phong phú, ngày càng tạo được sức hấp dẫn, lôi cuốn người dân và du khách.

Nga Nguyễn

 

 

Nguồn: Báo Đầu tư - baodautu.vn - Đăng ngày 13/05/2025

Cùng chuyên mục