Non nước Việt Nam

Những “bảo tàng” buôn làng ở Đắk Lắk

Cập nhật: 01/09/2020 08:23:26
Số lần đọc: 871
  Chiêng, ché, kpan là những vật dụng quý đối với người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, ngoài giá trị vật chất còn có giá trị đặc biệt trong đời sống văn hóa, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho những vật dụng này càng ngày càng thưa dần trong cuộc sống thường nhật của nhiều gia đình.

 


Chiếc ché tang (sdrang) cao hơn 1m của Ađuôn Phú ở buôn Đắk Tuôr (xã Cư Pui).

Tuy vậy, với ý thức trân quý, giữ gìn như một báu vật, nhiều gia đình ở huyện vùng sâu Krông Bông vẫn còn lưu giữ khá nhiều chiêng, ché cổ và kpan, trở thành những “bảo tàng” nơi buôn làng.

Xã Cư Pui hiện có 5 buôn đồng bào dân tộc thiểu số Êđê và Mnông với 734 hộ, 3.519 khẩu. Qua khảo sát, 5 buôn còn 29 bộ cồng chiêng đủ bộ (10 chiếc) trong đó riêng buôn Đắk Tuôr tuy có 130 hộ nhưng còn lưu giữ được 17 bộ, chiếm tỷ lệ 58%.

Bà H’Drê Mdrang (thường gọi Ađuôn Phú) ở buôn Đắk Tuôr, là người còn lưu giữ khá nhiều vật dụng quý chia sẻ: Bà là cháu gái đời thứ sáu của chủ bến nước đầu tiên trong buôn, được dòng họ để lại rất nhiều đồ vật có giá trị, bao gồm 1 bộ chiêng (10 chiếc và trống); 1 chiếc ché tang (sdrang); 1 chiếc ché bôr, 1 bộ gơng diêng, 1 bộ kpan… Biết hoàn cảnh của gia đình bà còn nhiều khó khăn, đã có nhiều người đến hỏi mua với giá rất cao, nhưng bởi nghĩ rằng tiền bạc bao nhiêu rồi ăn tiêu cũng hết, nhưng báu vật thì không bao giờ có lại được, vì thế bà thà túng thiếu chứ quyết không bán.

Tương tự, ở xã Hòa Phong có 4 buôn là đồng bào Êđê, Mnông, với 515 hộ; qua khảo sát đầu năm 2020, toàn xã còn 24 bộ cồng chiêng; trong đó buôn Tliêr gìn giữ được 18 bộ cồng chiêng, chiếm đến 75% so với tổng số cồng chiêng trong xã; một số gia đình lưu giữ 2 bộ chiêng cổ, nhiều ché tang, ché túc, ché bôr, những đồ dùng bằng đồng và kpan giá trị…  Nhằm phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, hằng năm, buôn Tliêr tổ chức phục dựng nhiều lễ hội vòng đời, vòng sản xuất nông nghiệp như: Lễ mừng thọ, cúng bến nước, cúng cầu mưa, cúng hồn lúa, cúng cơm mới…

Bà H’Rues Niê (thường gọi Amí Khê, dân tộc Êđê) ở buôn Tliêr, năm nay 80 tuổi, là chủ nhân của 2 bộ chiêng cổ (mỗi bộ đủ 10 chiếc), 3 chiếc ché tang (sdrang) cao hơn 1m. Nói về những kỷ niệm gắn bó với các vật dụng của gia đình qua mấy thập kỷ, bà kể lại: Cách đây trên 50 năm, cha mẹ bà mua các vật dụng đó trị giá một con voi. Sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, gia đình hồi cư từ buôn Ea Yông B (huyện Krông Pắc) về buôn Tliêr, đường sá đi lại lúc đó còn rất khó khăn, vì số lượng nhiều nên mọi người phải chia ra, gùi nhiều lần trên lưng, đi bộ trên 30 km mới mang hết về được. Khi làm xong ngôi nhà dài, thì có thêm chiếc kpan dài hơn 10 mét. Gia đình bà luôn coi những vật dụng của ông bà, cha mẹ để lại cho con cháu là vật thiêng liêng, cho dù có những lúc người thân đau ốm cần tiền chữa bệnh, chỉ cần bán bớt một bộ chiêng, sẽ giải quyết được khó khăn, thế nhưng các thành viên trong gia đình vẫn giữ lại cho con cháu…

Với những nỗ lực gìn giữ các vật dụng mang giá trị văn hóa truyền thống của ông bà xưa để lại, mỗi gia đình ở buôn làng chính là những “bảo tàng” không tên, góp phần giáo dục cho lớp trẻ biết trân trọng hơn những nét đẹp vốn có của dân tộc mình.

Nguồn: Báo Đắk Lắk

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT