Non nước Việt Nam

Tính nhân văn trong tục ở rể của người Dao Đỏ

Cập nhật: 26/08/2020 14:48:55
Số lần đọc: 1020
Người Dao Đỏ ở Tuyên Quang còn lưu giữ được nhiều phong tục, tập quán độc đáo, trong đó tục ở rể là phong tục mang giá trị nhân văn sâu sắc. Tục lệ này không phải bắt buộc mà tùy vào nhu cầu, hoàn cảnh cụ thể của hai bên gia đình.

Phong tục ở rể của người Dao được thực hiện đối với gia đình không có con trai nối dõi tông đường. Người về ở rể sẽ có trách nhiệm như con trai trong gia đình, có nghĩa vụ phụng dưỡng bố mẹ vợ và thờ cúng tổ tiên nhà vợ. Đây là phong tục có giá trị nhân văn sâu sắc bởi nó cũng giải quyết được những hệ lụy phức tạp mà một số gia đình đã và đang gặp phải. Đó là khao khát có con trai nối dõi, dẫn đến sinh đẻ vỡ kế hoạch. Nó cũng giúp cho các dòng tộc duy trì, phát triển bền vững đời này sang đời khác, xóa bỏ dần tư tưởng "trọng nam khinh nữ".

Ông Bàn Tài Xuân, dân tộc Dao Đỏ, thôn Phai Tre B, xã Lăng Can (Lâm Bình) cho biết, tục ở rể có nhiều hình thức, đó là ở rể cả đời (ở cả đời bên nhà vợ không về nhà mình nữa) hoặc ở rể theo giao ước của hai bên gia đình. Với hình thức ở rể cả đời - “tzấu làng táng” thì chàng trai sẽ không trở về nhà bố mẹ đẻ, coi như thành người trụ cột trong gia đình nhà vợ, là thành viên chính của gia đình, thậm chí người ở rể cả đời có thể lấy luôn theo họ bên vợ. Hình thức ở rể cả đời thường do bố mẹ bên gái sinh con một bề nên muốn lấy rể hoặc do hoàn cảnh người con trai quá nghèo, mồ côi không có khả năng lo hôn lễ nên phải làm rể mới lập được gia đình.

Nếu có sự thỏa thuận thì chàng trai có thể ở rể 3 năm, 5 năm hoặc lâu hơn (gọi là “tzấu làng duốn”), nghĩa là chàng trai sau khi trả đủ lễ vật thách cưới cho bên vợ thì cả vợ con sẽ trở về bên nội. Cũng có trường hợp, ở rể sau khi hai vợ chồng có con thì gia đình hai bên nội, ngoại mỗi bên nuôi một cháu (gọi là “tzấu làng y mành guyang”), một cháu mang họ nội, cháu mang họ ngoại. Hình thức này tùy vào sự lựa chọn của người con trai sau khoảng thời gian thỏa thuận có thể trở về hoặc không trở về mà sẽ ở lại nhà vợ.

Người Dao Đỏ luôn quan niệm, lấy được chàng trai nào ở rể là một điều may mắn, là phúc lớn của gia đình nên chàng trai về ở rể là thành viên chính của gia đình, được gia đình bên vợ tôn trọng như chính con đẻ, chứ không có sự phân biệt. Đặc biệt, chàng rể này không nhất thiết phải là người Dao, mà có thể là người dân tộc khác.

Anh Hoàng Văn Hiếu, dân tộc Tày ở thôn Bản Va, xã Yên Hoa (Na Hang) ở rể trong một gia đình người Dao cho biết, anh thấy rất thoải mái khi ở rể bởi bố mẹ vợ, anh em họ mạc coi anh như người nhà. Hiện vợ chồng anh đã sinh một bé trao. Anh đã làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con và con anh mang họ Phùng - họ nhà gái. Anh dự định bé thứ hai sẽ mang cả hai họ Phùng và Hoàng để tình cảm gia đình, dòng tộc thêm bền chặt.

Ngày nay, tục lệ ở rể vẫn tồn tại trong cộng đồng người Dao Đỏ. Nghi lễ tổ chức lấy rể không quá coi trọng về hình thức mà luôn tạo điều kiện thuận lợi để con cái hòa hợp đến với nhau dễ dàng. Đây là nét nhân văn sâu sắc thể hiện cái nhìn tiến bộ, tích cực của đồng bào Dao Đỏ trong mối quan hệ gia đình, dòng tộc, tạo sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng./.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT