Non nước Việt Nam

Bếp lửa-không gian mở của người Ma Coong

Cập nhật: 01/09/2020 09:09:25
Số lần đọc: 1235
Người Ma Coong (dân tộc Bru-Vân Kiều) là cư dân bản địa cư trú lâu đời ở thượng nguồn Trường Sơn, tập trung đa số ở xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch). Họ có cuộc sống gắn bó mật thiết với thiên nhiên, lấy kinh tế nương rẫy, trồng trọt, săn bắn thú rừng và bắt các loại cá, tôm ở sông, suối làm nguồn sinh kế chủ đạo. Dấu ấn văn hóa đậm chất núi rừng đó khiến người Ma Coong gắn bó bền chặt với bếp lửa...

Không chỉ dùng để sưởi ấm, nấu chín thức ăn, bếp lửa của người Ma Coong còn mang đến niềm tin, điều thiện giúp họ vững vàng trước những khó khăn, gian khổ. Bếp lửa còn là không gian lắng đọng, tạo nên nét văn hóa độc đáo riêng có của người Ma Coong. 

Bếp của người Ma Coong được khoanh theo hình chữ nhật hoặc hình vuông. Để tránh ngọn lửa làm cháy sém sàn nhà, đồng bào dùng đất sét nhão nện thành lớp móng bếp ngăn cách lửa than với bề mặt sàn gỗ. Ở trên đầu kiềng bếp (cách khoảng 1 mét) là giàn bếp với một bộ khung tre, nứa được cố định vững chắc rồi treo lên bằng bốn dây mây buộc ở bốn góc. Bề mặt giàn bếp có trải thêm tấm phên dùng để chứa lương thực, thực phẩm cần sấy khô. Phía trên giàn bếp là giàn khói, đồng bào hay treo những trái bầu khô, trái bắp giống hay những lọn lúa giống cũng như các vật dụng đan lát cần được hong khói giúp bền màu và chắc chắn hơn trong quá trình sử dụng. 

Nếu như các tộc người khác, bếp lửa thường được bố trí tách biệt trong căn nhà bếp nằm bên cạnh ngôi nhà sàn ba gian thì bếp lửa của người Ma Coong lại được đặt ngay ngắn ở gian giữa nhà sàn. Lý giải cho nền nếp sinh hoạt này, người Ma Coong cho rằng, bếp lửa trước hết là nơi sưởi ấm cho các thành viên trong gia đình cũng như khách khứa đến chơi nhà. Ở miền núi cao, mùa đông luôn dai dẳng và khắc nghiệt, một bếp lửa được đặt ngay giữa nhà sàn sẽ xua tan giá rét, sưởi ấm được cho mọi người, nhất là người già và trẻ nhỏ khi trời mưa lạnh.   

Người Ma Coong còn tìm thấy từ bếp lửa một nguồn sáng bất diệt, là nơi có vị thần bếp giúp đồng bào mưu cầu được sự may mắn, ấm no, đủ đầy cho bản thân và gia đình. Bởi thế, đồng bào luôn trân trọng ngọn lửa của thần bếp và luôn hướng về thế lực siêu nhiên giữa đại ngàn thâm u với tất cả lòng tôn kính. Bếp lửa đặt ngay giữa căn nhà sàn là vị trí thích hợp nhất để cung cấp ánh sáng cho mỗi gia đình. Trong đêm tối, bếp lửa hồng như ngọn đèn lớn soi sáng khắp các gian nhà để mọi người cùng nhau quây quần, cùng nhau nấu nướng, đan lát, tỉa ngô… 

Lúc không nấu nướng, người Ma Coong sẽ ủ than dưới lớp tro, khi cần chỉ thổi lên là được và như vậy, quanh năm suốt tháng, bếp luôn giữ được hơi ấm. Giữ được ngọn lửa luôn cháy sáng với họ là điềm lành, mang lại sức khỏe, được mùa, mang lại sự trường thọ cho người già và mau lớn cho con nhỏ. 

Là vật trung gian của mọi biến cố cuộc đời, bếp lửa là nơi uốn nắn hành vi, răn dạy đạo lý làm người cho các thế hệ con cháu Ma Coong. Những câu chuyện cổ tích, những kinh nghiệm quý báu trong lao động, sản xuất sẽ được các vị già làng, ông bà, cha mẹ kể lại cho các thế hệ con cháu bên bếp lửa. Sau một ngày dài vất vả kiếm sống, mọi khó nhọc, lo toan đều tan biến khi được ngồi sẻ chia vui vuồn cùng với người thân bên bếp lửa bập bùng. Chính tại nơi này, các thành viên trong gia đình được sống trong tình yêu thương, sự quan tâm, vỗ về lẫn nhau. Khi khách khứa đến chơi nhà, được người Ma Coong mời cơm, gia chủ sẽ thết đãi những món ăn ngon nhất tùy vào điều kiện gia chủ, thường có bánh nếp, xôi xụm, cá mát, gà đồi… Mâm cơm thịnh soạn được dọn ra xung quanh bếp lửa để chủ và khách cùng ăn. Trong suốt bữa ăn, món ngon đãi khách mọi người trong gia đình sẽ không được động đũa. Đó là phong tục đồng bào kiêng giữ xưa nay, nếu phá lệ gia chủ và khách sẽ sinh sự cãi vã, bất hòa…

Không chỉ thế, trong bữa cơm ngày thường, các thành viên trong gia đình cũng sẽ chủ động nhường nhịn nếu một trong số họ đã dùng trước món ăn nào đó trong mâm cơm. Cách thức ăn uống thoạt nghe rất áp đặt và kiểu cách, nhưng đối với người Ma Coong, nhờ tuân thủ quy định tộc người đã chắt lọc qua bao thế hệ đó mà họ đã giữ gìn được sự đoàn kết, thuận hòa, che chở lẫn nhau, chia sẻ với nhau từng miếng cơm, manh áo, cùng nhau vượt qua bao khốn khó, gian lao… Tất cả những nét tính cách mang đậm dấu ấn văn hóa tộc người đó đều xuất phát từ quan niệm truyền đời về lòng tự trọng và cả lòng mến khách mà ngọn nguồn chính là sự lễ phép trong từng bữa cơm gia đình bên bếp lửa linh thiêng. 

Bản làng của người Ma Coong hôm nay đã hoàn toàn "thay da đổi thịt" nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh những chuyển động mới mẻ, bếp lửa Ma Coong vẫn cũ cằn nằm giữa trung tâm của ngôi nhà sàn, cấu thành nên không gian mở, lắng đọng chứa đựng tính nhân văn sâu sắc đang được đồng bào gìn giữ và phát huy./.

Nguồn: Báo Quảng Bình

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT