Tin tức - Sự kiện

Nghệ nhân dân gian - một "tài sản" văn hoá Việt Nam

Cập nhật: 25/04/2008 15:04:30
Số lần đọc: 1784
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang tạo ra các điều kiện quan trọng để phát triển nền văn hóa Việt Nam, song cũng lúc này, lại xuất hiện một số vấn đề văn hóa phải được giải quyết thấu đáo, như trong quan hệ giữa truyền thống và hiện đại chẳng hạn, chúng ta cần quan tâm tới các nghệ nhân dân gian - những con người đang nắm giữ vô số tài sản văn hóa của quá khứ, nhưng đội ngũ lại đang thưa vắng dần, vì lý do tuổi tác...

Những điều kiện chung về môi trường sinh thái, những thăng trầm của tiến trình lịch sử dân tộc đã đoàn kết các dân tộc Việt Nam chung tay giữ nước và dựng nước. Nhờ vậy, chúng ta có một nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, thể hiện trong văn hóa mỗi dân tộc thành viên. Nhờ vậy mà ngày nay chúng ta được thừa hưởng một gia tài văn hóa dân tộc phong phú, độc đáo để trên cơ sở đó giữ gìn và phát huy, thừa kế và phát triển, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đương đại "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".

 

Gia tài văn hóa chúng ta có được đã tồn tại trong nhiều dạng vẻ, được phân chia một cách tương đối là văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Căn cứ vào mối quan hệ của con người với một đối tượng cụ thể, người ta tạm chia ra làm năm loại đối tượng văn hóa phi vật thể, bao gồm:

Văn hóa sản xuất: Phản ánh mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, qua đó con người khai thác và bảo vệ thiên nhiên để tồn tại và phát triển.

 

Văn hóa xã hội: Thể hiện mối quan hệ con người với cộng đồng từ cấp độ gia đình đến tộc họ, đến xóm làng, đến dân tộc và đất nước. Mảng này bao gồm tất cả những quy định, quy ước để một xã hội ở một giai đoạn lịch sử cụ thể được vận hành cân bằng, bình ổn và bảo đảm phát triển lâu dài. Chúng ta tìm thấy ở đây các quy chế, luật pháp, luật tục, thể lệ, những điều cho phép và những cấm kỵ, chuẩn đạo đức và đạo lý, chuẩn ứng xử của cá nhân trong cuộc sống cộng đồng...

 

Văn hóa sinh hoạt: Thể hiện mối quan hệ của con người với những nhu cầu sinh học của chính con người, được quy định thông qua tập quán và quy ước của cộng đồng. Mảng văn hóa này bao gồm các phương thức ứng xử của mỗi dân tộc đối với việc ở, việc ăn, việc mặc, việc tắm giặt, việc ngủ, tình dục, bài tiết, giữ gìn sức khỏe và chữa bệnh...

 

Văn hóa tâm linh: Thể hiện mối quan hệ của con người với những điều không trông thấy, không giải thích được, nhưng lại được con người tin rằng có thật. Những tín ngưỡng, tôn giáo, những tập tục nghi lễ, những bùa chú, bùa ngải... thuộc về mảng văn hóa này.

 

Văn hóa - nghệ thuật: Thể hiện mối quan hệ của con người với cái Ðẹp, bao gồm các biểu hiện trong văn học, âm nhạc, múa, sân khấu, trò chơi - trò diễn, trang trí, mẫu hoa văn, kiểu dáng nhà cửa và nội thất, kiểu dáng trang phục...

 

Như vậy, văn hóa phi vật thể bao trùm hết mọi nẻo cuộc sống của con người và chiếm một tỷ trọng lấn át trong vốn di sản văn hóa của dân tộc. Phân chia làm năm loại chỉ là một thao tác làm việc chứ trong thực tế chúng gắn bó chặt chẽ với nhau. Vốn di sản văn hóa phi vật thể ấy, do hoàn cảnh lịch sử nước ta, chủ yếu được lưu giữ trong trí nhớ con người. Do chỗ văn hóa phi vật thể chủ yếu là văn hóa dân gian, nó là kết quả sáng tạo chủ yếu của nhân dân các dân tộc trong suốt quá trình lịch sử, được kết tinh và tích tụ lại. Xưa kia chẳng những nó được mọi người trong cộng đồng, dù ít hay nhiều, lưu giữ trong trí nhớ, mà còn được cộng đồng thực hành như những hoạt động thường ngày của cộng đồng. Nó thuộc về sở hữu của cộng đồng.

 

Tuy nhiên, trong một thời điểm lịch sử nhất định, ở một cộng đồng thường xuất hiện những con người quy tụ trong họ gần như toàn bộ vốn liếng và tài năng sáng tạo của cộng đồng về một hay vài lĩnh vực nào đó của văn hóa. Do vậy, họ trở thành người đại diện, người đầu đàn của cộng đồng về lĩnh vực đó (như quan họ, hát bội, hát xẩm, diễn xướng sử thi, nghề mộc, nghề thêu, nghề gốm sứ, nghề dệt lụa, dệt thổ cẩm, nghề làm đàn tính, nghề trồng hoa, nghề vẽ tranh...).

 

Cộng đồng tự hào về họ, vì nhờ có hoạt động sáng tạo của họ mà bản sắc văn hóa của cộng đồng được thể hiện tập trung, sắc nét. Ðồng thời, chính họ là người lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ sau vốn liếng văn hóa của cộng đồng. Chẳng những thế, bằng tài năng, tâm huyết và trình độ nghề nghiệp của mình, những người này đã tự mình sáng tạo hoặc chắt lọc sáng tạo của cả cộng đồng, góp phần bổ sung, làm giàu đẹp thêm cho truyền thống và bản sắc văn hóa cộng đồng.

 

Tổ chức UNESCO đề nghị tặng họ danh hiệu "Báu vật nhân văn sống" (Living Human Treasures), còn chúng ta vẫn thường gọi họ là nghệ nhân. Nghệ nhân đóng vai trò then chốt trong việc giữ gìn, thực hành và lưu truyền các giá trị văn hóa dân tộc. Nếu không có họ thì chắc chắn một khối lượng lớn các giá trị văn hóa sẽ không được bảo lưu một cách tập trung nhất cũng như sẽ không có "thầy" để "dạy dỗ" lớp trẻ.

 

Ở nước ta vai trò của các nghệ nhân dân gian còn quan trọng hơn nữa, vì trong văn hóa của 54 dân tộc anh em thì chỉ người Việt (Kinh) mới có thành phần văn hóa chuyên nghiệp bác học. Văn hóa cả 53 dân tộc thiểu số vẫn mang nặng tính chất hoặc chỉ là văn hóa dân gian.

 

Di sản văn hóa phi vật thể nước ta được sáng tạo trong quá khứ, chủ yếu từ Cách mạng Tháng Tám 1945 trở về trước. Như thế, các nghệ nhân - những người đang nắm giữ di sản này - ngày hôm nay ít nhất cũng phải 70 tuổi rồi. Lại thêm ba mươi năm chiến đấu để giải phóng dân tộc, họ không có điều kiện để thực hành các hoạt động văn hóa dân gian. Lại thêm ngày nay xã hội đang có những bước tiến nhanh chưa từng có trong lịch sử dân tộc về phía công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hòa nhập trong xu thế toàn cầu hóa và đô thị hóa cuộc sống.

 

Tất cả những yếu tố đó như đang đẩy di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc Việt Nam tới bờ vực của sự mai một. Vì thế, trong rất nhiều vấn đề cần giải quyết để xây dựng nền văn hóa Việt Nam "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", một trong các nhiệm vụ của thế hệ chúng ta là phải tìm ra biện pháp có hiệu quả để giúp các nghệ nhân dân gian tiếp tục thực hành và truyền bá các tài sản văn hóa mà họ đang nắm giữ.

 

Muốn vậy, trước mắt cần gấp rút sưu tầm để giữ gìn, phát huy toàn bộ giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cha ông để lại. Ðặc biệt là tôn vinh chăm sóc các nghệ nhân dân gian, những người thầy tài năng, trí tuệ và hết lòng với học trò.

 

Ðể thực hiện hai nhiệm vụ nói trên, gần đây Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, với mục đích "sưu tầm, nghiên cứu, giữ gìn, phổ biến và truyền dạy văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam", đã quyết định hai chủ trương lớn là:

 

- Thông qua và huy động hơn 1.000 hội viên cùng 2.000 cộng tác viên trên cả nước thực hiện kế hoạch "Tầm nhìn 2010" với mục đích từ nay đến năm 2010 cố gắng sưu tầm và giữ gìn được cơ bản toàn bộ di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc Việt Nam.

 

- Thông qua quy chế phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, nhằm tôn vinh những người lưu giữ, thực hành và truyền dạy vốn di sản văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT