Hoạt động của ngành

Người Mường (Ninh Bình) phát huy văn hóa truyền thống trong xây dựng đời sống văn hóa mới

Cập nhật: 26/11/2009 09:11:19
Số lần đọc: 2348
Người Mường ở Ninh Bình có trên 2 vạn người, cư trú vừa tập trung vừa xen kẽ với người Kinh trên địa bàn các xã Cúc Phương, Kỳ Phú, Quảng Lạc, Phú Long, Thạch Bình, Yên Quang... thuộc huyện miền núi Nho Quan.

Đến với những thôn bản của bà con dân tộc Mường hôm nay mới thấy hết sự đổi thay đang diễn ra từng ngày trên dải đất vùng sơn cước này. Hệ thống điện, đường, trường, trạm đã phủ k`ín hầu khắp các địa bàn. Dọc theo những con đường dẫn về các thôn bản, nơi có đông người Mường cư trú, thảng hoặc mới có một vài ngôi nhà sàn, còn lại đều là nhà xây mái ngói, nhà mái bằng kiên cố.


Vào một số gia đình ở Quảng Lạc, Cúc Phương, Kỳ Phú, hầu như nhà nào cũng có bể chứa nước, giếng khơi. Xứ đạo An Ngãi vốn một thời khó khăn, quanh năm bươn chải với đồi nương mà giờ đây trên 80% số hộ có tivi, 50% số hộ có xe máy, số hộ nghèo chỉ còn trên 10%. Đến với Yên Quang, Thạch Bình đã xuất hiện không ít những mô hình làm kinh tế giỏi từ bà con dân tộc Mường, nhiều hộ đã trở thành triệu phú từ làm kinh tế trang trại.


Người Mường Ninh Bình có một đời sống văn hóa mang nét đặc trưng riêng nhưng luôn hòa đồng, gắn bó với dòng chảy của văn hóa dân tộc. Người Mường không chỉ có hệ lịch riêng, mà cưới xin, ma chay đều có những tập tục khá độc đáo. Một trong những nét tinh hoa của văn hóa Mường là lịch Mường.


Một chu kỳ của Mặt trăng ứng với 3 tuần tiết của lịch Mường. Mỗi tuần tiết có 10 ngày, tiết đầu gọi là "cây" có nghĩa là mát mẻ, xanh tốt, là sinh, là mọc, phù hợp với gieo trồng, tiết tiếp theo là tiết "lồng" là đêm trăng sáng lồng lộng, rọi ánh sáng chan hòa để chào đón những vị anh tài ra đời làm rạng rỡ thêm cho xóm bản, quê hương, tiết thứ ba là ngày "cối" chỉ sự gặp điều không may mắn. 


Ngoài yếu tố "Lịch trăng", "Lịch Mường" còn có yếu tố "Lịch hậu vận" có nghĩa là dựa vào sự sinh trưởng của cây cối mà đoán chuyện rủi, chuyện may. Lịch Mường còn ẩn chữa những nét tâm linh mộc mạc thời nguyên sơ.

 

Trong cưới hỏi, khi cuộc tình duyên đã vào độ chín phải có ông mo (mai) đảm nhận mai mối giữa hai gia đình, nối sợi tơ hồng cho đôi lứa, tác thành cho họ nên vợ nên chồng. Lễ cưới hỏi của người Mường nhất thiết phải có trầu cau, 12 cặp bánh dày tượng trưng cho 12 tuần trăng với ý nghĩa vẹn toàn, tròn trĩnh và đầy đủ.


Người Mường lúc mất đi thường có hát cúng lễ đậm chất tâm linh truyền thống của dân tộc Mường. Dân ca Mường chính là kho tàng dân ca truyền thống của người Việt cổ, trong đó có hát nói kết hợp với hát cúng lễ, điển hình là hát Mo Mường, hát Rằng, thường có sự giao thoa giữa hai yếu tố "tục" và "thanh" kết hợp những lễ nghi tín ngưỡng dân gian để chúc tụng nhau nhân ngày lễ tế, dịp hội đầu xuân. 


Hát đúm cũng là loại hát phổ biến của bà con dân tộc Mường, đó là loại hát giao duyên (tựa như hát quan họ của người Kinh Bắc, hát ví dặm của người Nghệ Tĩnh, hát si, hát lượn của đồng bào Tày, Nùng). Hát đúm thường tập trung ở những chàng trai, cô gái Mường bởi đó là những giai điệu của tình yêu, thường diễn ra vào mùa xuân khi hoa đào, hoa mận khoe sắc trên bản Mường. 

Tết đến, xuân về đến với những bản làng ở Thạch Bình, Kỳ Phú, Cúc Phương, Yên Quang, Quảng Lạc… không chỉ có cây nêu, quả còn tung liệng, mà còn có những cuộc hát sắc bùa diễn ra suốt ngày đêm, làm cho không khí ở đây thêm vui tươi, đầy ắp không khí mùa xuân với loại nhạc cụ duy nhất được sử dụng là cồng chiêng. Mỗi dàn cồng chiêng có 8 loại với kích cỡ khác nhau (cồng đại, cồng trung, cồng tiểu).


Phường sắc bùa tập trung nơi đầu bản, đánh cồng, đánh chiêng tạo nên âm vang rộn rã, rồi lần lượt đi vào từng nhà trong bản. Sau khi hát ở sân lại có bài hát gọi "mở cửa", chủ nhà mời phường hát bùa vào bếp để hát những bài hát trong nhà.


Ngày nay, người Mường ở Ninh Bình luôn sát cánh cùng với những người Kinh, vừa phát huy sức mạnh của văn hóa truyền thống, vừa tiếp thu những tinh hoa của văn hóa cách mạng để xây dựng một đời sống văn hóa mới phong phú, văn minh. Tại hàng trăm thôn bản có đông bà con dân tộc Mường sinh sống, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" phát triển khá mạnh, đã có không ít thôn bản được công nhận danh hiệu "Làng văn hóa" các cấp. 


Từ các hương ước, quy ước đã được xây dựng, bà con tại các thôn, bản không chỉ đoàn kết giúp nhau trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, mà còn quan tâm đến việc xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, trong sinh hoạt tín ngưỡng, những lệ tục, tập quán lạc hậu đã dần được loại bỏ. Đã không còn việc tổ chức ăn uống linh đình kéo dài nhiều ngày trong các đám cưới, đám tang, bà con theo đạo đã nguyện "Sống phúc âm trong lòng dân tộc", làm tốt cả việc đạo, việc đời.

Nguồn: Báo Ninh Bình

Cùng chuyên mục