Non nước Việt Nam

Về quê hương ''Dạ cổ hoài lang''

Cập nhật: 01/08/2023 14:17:15
Số lần đọc: 485
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ cuối năm 2013. Nhiều năm nay, Bạc Liêu - một trong những cái nôi của loại hình nghệ thuật này - đang bảo tồn và phát huy giá trị của Đờn ca tài tử bằng những cách làm thiết thực.


Khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: Khánh Phúc

Đến Bạc Liêu, ghé thăm Khu Lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia), ta có thể cảm nhận hơi thở của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Đây cũng là điểm du lịch tiêu biểu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Những tư liệu quý giá nơi đây lưu lại: Thập niên 30 của thế kỷ trước, hoạt động Đờn ca tài tử ở Bạc Liêu phát triển cả về số lẫn chất lượng, có tiếng vang khắp Nam Kỳ. Các nghệ nhân phần lớn đều do Nhạc Khị (nhạc sư Lê Tài Khí, 1870-1948, người đứng ra thành lập ban nhạc lễ đầu tiên ở Bạc Liêu); hoặc do Sư Nguyệt Chiếu - một nhạc sĩ tiền bối khác ở Bạc Liêu có công trong việc truyền bá nhạc lễ và nhạc tài tử-đào tạo. Một trong những học trò giỏi của Nhạc Khị là Cao Văn Lầu. Tiếp nối sự nghiệp của thầy, Cao Văn Lầu cùng với các bạn đồng môn đứng ra thành lập ban Đờn ca tài tử Bạc Liêu. Ban Đờn ca tài tử này một thời khuấy động phong trào không chỉ nội tỉnh Bạc Liêu mà vang tiếng khắp Nam Kỳ.

Nhạc Khị là tác giả của bốn bản nhạc mà giới cổ nhạc Nam Bộ thời ấy gọi là "Tứ bửu", gồm các bản: "Ngự giá đăng lâu", "Minh Hoàng thưởng nguyệt", "Ái tử kê" và "Phò mã giao duyên". Những bản nhạc ấy được xem là "bửu bối" của Đờn ca tài tử một thời. Với "Dạ cổ hoài lang" (Đêm nghe tiếng trống nhớ chồng) nhịp 2 của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, rồi bản vọng cổ nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64 lần lượt ra đời, phát triển gắn với nhiều tên tuổi vang bóng như nghệ sĩ Lư Hòa Nghĩa, soạn giả Mộng Vân, nghệ sĩ Trần Tấn Hưng… Tất cả những người này đều sinh ra hoặc lớn lên ở Bạc Liêu.

SAU khi Đờn ca tài tử chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cùng với các tỉnh, thành phố Nam Bộ, Bạc Liêu nhanh chóng bắt tay vào việc bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này bài bản hơn. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu, toàn tỉnh hiện có hơn 150 câu lạc bộ Đờn ca tài tử với hơn 2.000 thành viên, nghệ nhân, tài tử thường xuyên sinh hoạt. Tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu cũng thành lập Câu lạc bộ Đờn ca tài tử, vừa là sân chơi cho người mộ điệu, vừa phục vụ nhu cầu của du khách đến tham quan.

Cùng đó, những năm qua, các cấp, ngành tại Bạc Liêu đã ra sức gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật của bản "Dạ cổ hoài lang", mở nhiều lớp hướng dẫn, truyền dạy hát bài "Dạ cổ hoài lang", điệu thức trong nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ cho học sinh, sinh viên, người dân ở các câu lạc bộ cấp ấp.

Việc bảo tồn còn phải kể đến "chiếc nôi gia đình" như nghệ nhân Trần Thanh Xuân ở TP Bạc Liêu, hay gia đình tài tử họ Mai ở Phước Long, gia đình Minh Luận ở Giá Rai… Những gương mặt nghệ sĩ thành danh được "luyện" từ "chiếc nôi gia đình" tài tử có thể kể đến như Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Đợi, Hoài Thương, Hồng Quyên, Trác Tuấn An, Mộng Thúy... càng cho thấy sức sống mãnh liệt của di sản này trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Bạc Liêu.

Vĩnh Đăng

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 28/07/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT