Tin tức - Sự kiện

Vấn đề môi trường tự nhiên và phát triển du lịch

Cập nhật: 05/08/2021 08:15:22
Số lần đọc: 6732
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp mà sự tồn tại và phát triển của nó tác động qua lại với nhiều ngành kinh tế - xã hội, nhiều lĩnh vực, trong đó quan hệ giữa du lịch và môi trường gắn kết hữu cơ với nhau: sự tồn tại và phát triển của du lịch gắn liền với môi trường, du lịch phát triển chỉ khi môi trường được bảo vệ. Du lịch muốn phát triển được phải nhờ vào thế mạnh về tài nguyên du lịch cũng như những điều kiện thuận lợi mà môi trường của mỗi địa phương.  

Môi trường du lịch bao gồm nhân tố về tự nhiên, kinh tế - xã hội và nhân văn mà trong đó hoạt động du lịch tồn tại và phát triển. Hoạt động du lịch luôn gắn liền với việc khai thác tiềm năng của tài nguyên môi trường tự nhiên như vẻ đẹp của cảnh quan, đồi núi, hang động, sông suối,… Do đó môi trường và du lịch có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, thông qua môi trường mà du lịch có thể phát triển và du lịch phát triển thì môi trường cũng được cải thiện hơn.

Flamingo Đại Lải – công trình xanh giữa thiên nhiên

Hoạt động du lịch tác động tích cực từ lên môi trường

Sự phát triển nhanh chóng của du lịch thời gian qua đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và nhiều địa phương nói riêng. Hoạt động du lịch đã có những tác động góp phần làm tăng tính đa dạng sinh học, bảo tồn cảnh quan, thúc đẩy các hoạt động bảo vệ di tích lịch sử, di sản văn hóa, hoạt động của các làng nghề truyền thống…

Hoạt động du lịch góp phần tăng hiệu quả sử dụng các quỹ đất còn trống cho địa phương, bổ sung cảnh quan cho khu vực phát triển du lịch nhờ các dự án tạo thêm vườn cây, hồ nước, thác nước nhân tạo…bên cạnh đó việc sử dụng hợp lý và bảo vệ tới các nguồn tài nguyên, góp phần tích cực vào việc bảo vệ các khu bảo tổn tự nhiên.

Một điểm du lịch phát triển kèm theo sự phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng, gia tăng các phương tiện công công cộng, đường xá, thông tin… Các cá nhân, tổ chức tham gia làm du lịch tu sửa, xây mới nhà cửa thành các cơ sở kinh doanh các dịch vụ du lịch, cải thiện môi trường cho khách du lịch và cải thiện kinh tế của cư dân địa phương.

Thông qua hoạt động du lịch giúp cường sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau gia tăng sự đoàn kết quốc tế, hòa bình, hữu nghị giữa các quốc gia và dân tộc. Giúp tăng sự hiểu biết của khách du lịch đối với cảnh quan thiên nhiên, đất nước, con người, văn hóa, ẩm thực…nhờ vậy tinh thần yêu nước, yêu quê hương được tăng lên, lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ mội trường.

Đầm Vân Long Ninh Bình – phát triển du lịch bảo tồn thiên nhiên

Bên cạnh những tác động tích cực, hoạt động du lịch đã có những tác động tiêu cực nhất định đến môi trường

Do tốc độ phát triển quá nhanh trong điều kiện còn thiếu phương tiện xử lý môi trường, nhận thức và công cụ quản lý nhà nước về môi trường còn hạn chế…, từ đó dẫn đến sự gia tăng áp lực đến môi trường. Tại nhiều khu vực, do tốc độ phát triển quá nhanh của hoạt động du lịch vượt ngoài khả năng và nhận thức về quản lý nên đã tạo sức ép lớn đến khả năng đáp ứng của tài nguyên và môi trường, gây ô nhiễm và nguy cơ suy thoái lâu dài.

Hoạt động du lịch lamg tăng thêm sức ép lên quỹ đất tại các vùng ven biển vốn đã rất hạn chế tại vùng ven biển, miền núi trung du… do bị khai thác sử dụng cho mục đích xây dựng các khu vui chơi, nghỉ dưỡng, bến bãi, và phát triển đô thị. Do lượng khách tăng đột biến khiến không chỉ người dân địa phương mà cả cơ quan quản lý cũng có phần lúng túng trong việc đưa ra những phương án phát triển hài hòa giữa du lịch và bảo tồn di sản, cảnh quan của địa phương. Nhu cầu mở rộng các khu du lịch, xây dựng đường sá, nhà nghỉ, khách sạn cao tầng, các khu nghỉ dưỡng,… khiến cảnh quan nơi  tại địa phương có nguy cơ bị phá vỡ nghiêm trọng. Thời gian gần đây các “đại công trường” với ngổn ngang các công trình xây dựng, bụi bặm, không có bản sắc khiến không ít du khách thất vọng.

Rác thải ngổn ngang tại các điểm du lịch

Việt Nam hiện là một trong bốn quốc gia gây ô nhiễm môi trường biển nhất thế giới với việc xả thải khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra đại dương mỗi năm. Đặc biệt, túi nilon, chai nhựa, ống hút, cốc bát nhựa… được sử dụng rất nhiều bởi đặc tính “sống lâu”, bền, nhẹ và rẻ của nó, nhưng chúng lại là những sát thủ kinh hoàng của môi trường. Sản phẩm nhựa được sử dụng nhiều nhất trong du lịch là dưới dạng bao bì như chai nước suối được các công ty lữ hành phát cho du khách trong quá trình thực hiện tour hay khách du lịch tự mua dùng trong thời gian đi tham quan, trải nghiệm; sử dụng trong các cơ sở lưu trú, phục vụ các sự kiện, hội nghị, hội thảo…, hay các bao gói đồ ăn nhanh, thức ăn nấu sẵn. Ngoài ra, các sản phẩm nhựa như thuyền đáy kính, xuồng cao tốc, các thiết bị vui chơi giải trí, đồ dùng trong khách sạn… cũng được sử dụng khá phổ biến hiện nay trong hoạt động du lịch. Chính sự gia tăng sử dụng sản phẩm nhựa sẽ làm lượng chất thải nhựa phát sinh ngày một tăng trong hoạt động phát triển du lịch

Làm nhiễu loạn sinh thái: Việc phát triển hoạt động du lịch thiếu kiểm soát có thể tác động lên đất, làm biến động các nơi cư trú, đe doạ các loài động thực vật hoang dã. Các hệ sinh thái và môi trường đã rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương do sức ép của phát triển du lịch. Tài nguyên thiên nhiên như: các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, chim muông thú rừng mất đi mơi cư trú. Cuộc sống và tập quán quần cư của các động vật hoang dã có thể bị ảnh hưởng do lượng lớn khách du lịch đến vào các thời điểm trong chu trình sống (di trú, kiếm ăn, sinh sản, làm tổ…) của động vật hoang dã ở các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia. Tất cả có thể bị biến đổi theo chiều hướng xấu đi do phát triển du lịch không hợp lý. Nhiều cảnh quan đặc sắc, hệ sinh thái nhạy cảm ở các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia bị thay đổi hoặc suy giảm cùng với việc phát triển các khu du lịch mới.

Dự án “cá voi ăn rác nhựa” bảo vệ môi trường du lịch

Thực tế cho thấy phát triển du lịch thường đi kèm với những tác động tiêu cực đến môi trường. Nếu trong quá trình phát triển, các tác động tiêu cực đến môi trường không được liệt kê thông qua những biện pháp bảo vệ môi trường quản lý hữu hiệu thì hậu quả sẽ dẫn tới suy thoái môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển du lịch bền vững. Do vậy, trong quá trình phát triển du lịch phải lồng ghép các yêu cầu và giải pháp về bảo vệ môi trường, ngay từ khâu lập quy hoạch, xây dựng các chiến lược phát triển đến triển khai các dự án, thiết kế các sản phẩm du lịch cụ thể.

Hồng Quân

 

Nguồn: dulichvinhphuc.gov.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT