Hoạt động của ngành

Tuyên Quang: Na Hang chuẩn bị các điều kiện đón khách du lịch

Cập nhật: 22/06/2021 13:50:40
Số lần đọc: 662
Là huyện vùng cao nổi tiếng với du lịch lòng hồ thủy điện và các danh lam thắng cảnh, những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số, nhiệm vụ trọng tâm của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang lúc này là kích cầu, phát triển du lịch.  


Nhằm thu hút khách du lịch đến địa phương sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, UBND huyện Na Hang đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông về các điểm du lịch, phối hợp với các địa phương bố trí các trang thiết bị đảm bảo thiết lập hành lang an toàn, thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế. Đồng chí Hoàng Minh Đằng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: sau khi có quyết định nới lỏng giãn cách xã hội, UBND huyện Na Hang đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin đẩy mạnh tuyên truyền các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch ký cam kết bình ổn giá dịch vụ, không tăng giá, “chặt chém” du khách, bảo đảm an toàn cho khách khi tham quan hồ sinh thái Na Hang. Ngành Văn hóa - Thông tin huyện đã tổ chức gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp, tuyên truyền việc chấp hành nghiêm các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX liên kết hỗ trợ nhau, ưu tiên sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau.

Huyện Na Hang sớm khôi phục phiên chợ đêm tại thị trấn Na Hang để thu hút khách du lịch.   

Anh Trần Quốc Viên, Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại và Du lịch Nga Viên, tổ dân phố 3, thị trấn Na Hang cho biết, công ty đã đầu tư gần 20 tỷ đồng vào Khu du lịch thác Mơ với trên 12ha, trong đó khu vực tắm tại thác Mơ rộng hơn 3.000 m2, khu vui chơi, khu nhà nghỉ, khu dịch vụ ăn uống, khu phục vụ du khách dừng nghỉ chân. Ngoài ra, công ty còn đầu tư 4 thuyền du lịch phục vụ du khách tham quan thác Mơ, đền Pác Tạ, Cọc Vài, thác Khuổi Nhi, động Song Long... Sau đợt dịch lần này, anh cùng nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện cam kết tạo hình ảnh đẹp về chất lượng dịch vụ, con người Na Hang mến khách, thân thiện. Chị Chẩu Thị Thơi, chủ nhà hàng Hà Thơi, tổ 8, thị trấn Na Hang chia sẻ, nhà hàng chú trọng an toàn thực phẩm, làm các món ăn độc đáo của đồng bào dân tộc như thịt lợn chua, rau rừng, cá nướng, thịt trâu, da trâu khô, rau dớn nộm... để tạo ấn tượng với du khách.

Bên cạnh đó, UBND huyện Na Hang cũng tích cực khuyến khích sự liên kết của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong cả nước, đồng thời chú trọng vào chất lượng các tour du lịch. Hiện nay trên địa bàn huyện có 22 nhà nghỉ, khách sạn và 15 hộ làm du lịch Homestay. Ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Khách sạn Việt Cường, thị trấn Na Hang cho biết, để chuẩn bị cho mùa du lịch năm nay, khách sạn đã tu sửa, nâng cấp phòng nghỉ phù hợp với nhu cầu của khách hàng, đầu tư lại toàn bộ chăn, ga, gối, đệm mới... Khách sạn tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao nghiệp vụ cho nhân viên lễ tân.  Đồng thời sẽ có những chính sách phù hợp để thu hút khách du lịch đến với Na Hang.

Những năm qua, huyện Na Hang đã tích cực trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ làm du lịch. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện chủ động mở các lớp tập huấn, dạy nghề hướng dẫn kỹ năng làm du lịch cho người dân. Huyện còn tăng cường đầu tư về cơ sở chật chất, hạ tầng giao thông, xây dựng chợ đêm để kích cầu du lịch, quảng bá nét văn hóa, ẩm thực của địa phương, thành lập các câu lạc bộ hát Then, hát Páo dung, đảm bảo vệ sinh môi trường và các điều kiện phục vụ du khách gắn với các tour tuyến du lịch, sản xuất các sản phẩm lưu niệm mang đặc thù địa phương... Toàn huyện hiện có trên 20 câu lạc bộ hát Then, hát Páo dung của người Tày, người Dao, thông qua các buổi tuyên truyền, đã tạo ý thức trong mỗi người dân về lợi ích của việc bảo tồn di sản, chữ viết, trang phục của dân tộc.

Giữa tháng 6, bà Đỗ Hải Hồng, tổ 10, phường Tân Quang (TP. Tuyên Quang) cùng các bạn đến Na Hang du lịch lòng hồ để “trốn” những ngày nắng nóng dưới thành phố. Bà chia sẻ, bà đã đến Na Hang rất nhiều lần nhưng mỗi lần đi là một trải nghiệm mới. Sau dịch bệnh bà thấy địa phương đều khuyến cáo khách du lịch cần thực hiện sát khuẩn, đeo khẩu trang khi đi thuyền, đặc biệt là dịch vụ rất hợp lý, nhân viên phục vụ tận tình và dễ chịu.

Để kích cầu du lịch ngoài những việc làm cụ thể về chất lượng dịch vụ, UBND huyện Na Hang đang có kế hoạch tiếp tục mời gọi đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các dự án để tạo ra những sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời, khuyến khích các đơn vị, cá nhân kinh doanh du lịch chủ động nghiên cứu thị trường, thực hiện nhiều giải pháp nhằm kích cầu du lịch, tăng sức hấp dẫn đối với du khách, ưu tiên đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất, cải tạo không gian du lịch để phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách./.

Bài, ảnh: Lê Duy

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục