Hoạt động của ngành

Tưng bừng Lễ hội Cầu ngư cửa biển Đề Gi (Bình Định)

Cập nhật: 17/05/2019 10:24:06
Số lần đọc: 1660
Sáng 16/5, người dân từ khắp nơi đổ về vùng cửa biển Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) để tham dự Lễ hội Cầu ngư.


Đông đảo nhân dân trong xã và du khách thập phương tham gia lễ nghinh Ông về Lăng.

Theo sách sử kể lại rằng: Vào khoảng năm 1805, triều Gia Long ngũ niên, bỗng có một con cá lớn bị chết và trôi dạt vào bờ biển Đề Gi. Dân làng không biết cá gì, liền trình tấu lên quan huyện Phù Ly. Hôm sau, tự nhiên có một ông lão râu tóc bạc phơ không rõ từ đâu tới, ôm con cá mà rằng: “Ta là người ở dưới Thủy cung, đã có công với triều đình. Khi Đức Thế tổ lâm nạn, ta đã đưa người ra khỏi Mũi này!”. Từ đó, dân làng lập lăng thờ cá, gọi là Lăng Ông Nam Hải. Trải qua thời gian nhiều đổi thay nhưng trong Lăng hiện vẫn còn ngai, tráp, sắc phong, tro cốt Ông (xương cốt cá voi)…

Từ đó đến nay, cứ vào ngày mùng 10/4 (Âm lịch) hàng năm, ngư dân nơi đây tưng bừng tổ chức Lễ hội cầu ngư. Trong những ngày diễn ra lễ hội cầu ngư, bên ngoài sân, trước cửa Lăng Ông được dựng rạp. Lễ chính được tiến hành trong 3 ngày. Ngày đầu tiên là lễ Rước Ông (còn gọi là lễ Nghinh Ông), lễ An Vị và hát múa Bả Trạo. Ngày thứ hai là lễ Cầu Siêu (phù hộ cho những người không may bị chết trôi). Ngày thứ ba của lễ hội diễn ra Hát án. Sau 3 ngày lễ chính, những ngày sau của Lễ hội Cầu ngư diễn ra khá nhiều chương trình, tiết mục: Hát Bội, hát múa Bả Trạo… Trong những ngày diễn ra Lễ hội Cầu ngư, ngoài khách thập phương, ngư dân vùng cửa biển Đề Gi dù có đi làm ăn xa ở trong Nam, ngoài Bắc cũng trở về tụ hội cùng với bà con quê hương, làng xóm, gia đình. Đây cũng chính là dịp để bà con ngư dân gặp gỡ, trao đổi về tình hình sinh sống, làm ăn, khai thác, đánh bắt hải sản…

Theo ông Dương Chí Bích, Trưởng ban tổ chức, Vạn trưởng Ngư nghiệp Đề Gi, Lễ hội cầu ngư năm nay được tiến hành trong 7 ngày, từ mồng 10 đến 16/4 Âm lịch (14 – 21/5). Ngoài phần lễ, phần hội diễn ra khá nhiều hoạt động như Hát Bội, hát múa Bả Trạo, múa lân, đua thuyền, lắc thúng, bóng đá, kéo co, bóng chuyền…

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhưng Lễ hội Cầu ngư ở Đề Gi vẫn được gìn giữ và lưu truyền cho đến ngày nay./.

Nguồn: baobinhdinh.com.vn

Cùng chuyên mục