Hoạt động của ngành

TP. Hồ Chí Minh: Tăng tốc mở cửa du lịch

Cập nhật: 24/03/2022 09:40:19
Số lần đọc: 742
Sau hai năm “đóng băng”, hệ thống du lịch lữ hành tại TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng đón khách quốc tế. Bên cạnh sự chỉn chu về cơ sở vật chất, nhân sự, dịch vụ, công tác phòng dịch Covid-19 tiếp tục được chú trọng trong giai đoạn thích ứng linh hoạt này.


Mở cửa du lịch hiệu quả nhưng vẫn an toàn là tiêu chí mà ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đặt ra. Nguồn: thanhnien.vn

Sớm chuẩn bị để đón thời cơ

Không đợi đến khi Tổng cục Du lịch công bố “Việt Nam chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới”, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị phục vụ du khách quốc tế từ nhiều tháng trước.

Đầu năm 2022, Sở Du lịch thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, gặp gỡ doanh nghiệp, chuyên gia nhằm tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp khi đón khách quốc tế trở lại. Sở cũng phối hợp một số địa phương có thế mạnh về du lịch trong khu vực như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Tây Ninh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long... để thống nhất tổ chức xây dựng tour.

Hiện, nhiều đơn vị du lịch, lữ hành chuyên về lĩnh vực này đang tăng tốc chuẩn bị những bước đi còn lại để sẵn sàng phục vụ khách quốc tế từ cuối tháng 3. Trong năm 2022, du lịch TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế, khách nội địa đạt 25 triệu lượt, tăng 66,66% so cùng kỳ. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho hay: “Chúng tôi đã phối hợp ngành y tế xây dựng các quy trình đón khách quốc tế từ sân bay đến các cơ sở lưu trú, các điểm tham quan. Chúng tôi đã xây dựng quy trình mẫu và tin rằng, các doanh nghiệp sẽ rất tự tin khi đón khách quốc tế và khách quốc tế cũng sẽ rất an tâm khi đến TP Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn này, chúng tôi cùng các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ các sản phẩm, chọn lọc các sản phẩm phù hợp thị hiếu của khách quốc tế”.

Tận dụng thế mạnh sẵn có, trước mắt, TP Hồ Chí Minh sẽ duy trì, thiết kế thêm nhiều tuyến tour trong thành phố nhằm giúp du khách có những trải nghiệm thú vị với mức giá hợp lý. Trong đó tập trung vào các tour tuyến đường thủy, di tích, điểm đến văn hóa quen thuộc. Hiện, ngành du lịch thành phố đã cùng các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác các gói sản phẩm gắn với đường thủy như tour Bạch Đằng đi Củ Chi, Cần Giờ; chương trình du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hoạt động chèo SUP tại quận Bình Thạnh, quận 7, huyện Cần Giờ…

Các điểm du lịch “không thể bỏ qua” khi đến TP Hồ Chí Minh như Bưu điện thành phố, Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Di tích lịch sử Chiến khu rừng Sác, bảo tàng chứng tích chiến tranh, bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, bảo tàng Lịch sử thành phố, bảo tàng Áo dài... đã đáp ứng đủ điều kiện đón khách. Nhiều điểm đến khác đang hoàn tất hồ sơ thủ tục để được duyệt đón khách quốc tế.

Từ nay đến giữa tháng 6, thành phố triển khai nhiều hoạt động, chương trình văn hóa, cộng đồng quy mô lớn để thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước như Ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh, Lễ hội ẩm thực Việt Nam, Lễ hội khinh khí cầu… Sở Du lịch đã đề xuất các hãng hàng không, cơ sở lưu trú có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp lữ hành và chương trình quà tặng cộng thêm áp dụng cho du khách quốc tế.

Các địa điểm lưu trú tại TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng đón du khách quốc tế trở lại. Ảnh: Dung Trần

Thân thiện và an toàn

Đó là mục tiêu mà hệ thống du lịch, lữ hành TP Hồ Chí Minh đặt ra khi đón khách trở lại trong giai đoạn hiện nay. Thành phố đang đẩy mạnh truyền thông toàn diện, tập trung các kênh có tiếng Anh để lan tỏa các thông điệp “TP Hồ Chí Minh chào đón bạn” cho ngày trở lại, từng bước phục hồi du lịch quốc tế. Đại diện Vietravel cho biết, công ty này đã hoàn thiện các bộ sản phẩm phù hợp các yêu cầu đón khách du lịch quốc tế và đáp ứng yêu cầu đi du lịch của khách hàng trong nước tại các thị trường Đông Nam Á, Trung Đông, Mỹ, châu Âu… Các quy định về phòng dịch, cách ly, hỗ trợ du khách F0 đã được đưa ra bàn bạc kỹ lưỡng theo hướng bảo đảm cao nhất quyền lợi cho khách hàng. Trong khi đó, Viet Fun Travel cũng đã chuẩn bị kỹ danh sách các điểm đến sao cho vừa mới lạ, đặc sắc, vừa bảo đảm an toàn. Công ty hoàn tất tiêm đủ vaccine phòng Covid-19 và đào tạo đầy đủ kiến thức phòng, chống dịch cho toàn bộ nhân viên từ sớm để du khách an tâm.

Theo bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Công ty lữ hành Fiditour, do đã có lộ trình khá sớm nên đơn vị có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong kế hoạch làm việc với hàng trăm đối tác trong và ngoài nước để cập nhật, thiết kế sản phẩm phù hợp điều kiện bình thường mới. Doanh nghiệp này đang đẩy mạnh tiến độ tour tuyến để tận dụng thời cơ trong giai đoạn quan trọng này. Fiditour cho biết, nhờ duy trì tương tác với các thị trường khách suốt thời gian qua nên ngay khi TP Hồ Chí Minh thí điểm đón khách quốc tế trở lại, doanh nghiệp này cơ bản đã sẵn sàng về các khâu. Từ đầu năm 2022, nhiều đối tác inbound (du lịch đến Việt Nam) của Fiditour đã quan tâm đến chính sách mở cửa đón khách, các điều kiện quy định du lịch an toàn và chính sách giá nên doanh nghiệp chủ động xoáy sâu vào các nội dung này.

Hệ thống khách sạn 4-5 sao là điểm lưu trú được nhiều đoàn du khách quốc tế ưu tiên lựa chọn khi đến TP Hồ Chí Minh. Đến thời điểm hiện tại, đa phần các khách sạn này đã chuẩn bị sẵn sàng từ các khâu phòng dịch Covid-19 đến cơ sở vật chất, nhân lực để đón khách trong điều kiện thích ứng linh hoạt. Theo Phó Giám đốc khách sạn Grand Sài Gòn Vũ Thị Thanh Hiền, khâu phòng dịch vẫn được ưu tiên hơn hết nhằm bảo đảm duy trì hoạt động ngay cả mùa cao điểm sắp tới.

Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh cùng đại diện 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mới đây đã tiếp tục bàn bạc tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long để tiếp tục phần việc còn dang dở do ảnh hưởng của Covid-19. Tại hội nghị lần này, TP Hồ Chí Minh và các địa phương đã ký quy chế phối hợp thực hiện thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch đến năm 2025 với nhiều phần việc cụ thể nhằm tăng tốc thúc đẩy du lịch phát triển trở lại. Theo bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, để du lịch sớm hồi phục, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trên tất cả nội dung đã thống nhất cho giai đoạn 2020-2025. Các sản phẩm liên tuyến cần phải mới mẻ, đặc sắc, hấp dẫn hơn và nhất là bảo đảm cho du khách an toàn trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn như hiện nay. Trong đó, sản phẩm du lịch đường thủy kết hợp phương tiện đường bộ; sản phẩm liên tuyến giới thiệu giá trị văn hóa, ẩm thực và trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng đặc trưng Nam Bộ là một lợi thế cần được nghiên cứu, phát huy để tạo tính cạnh tranh với các vùng khác…

Đại diện nhiều doanh nghiệp lĩnh vực du lịch, lữ hành tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, chính sách mở cửa là chìa khóa nhưng cùng với đó phải có các chính sách đồng hành mới mong sớm “phá băng” du lịch quốc tế, từng bước phục hồi doanh thu. Với du lịch liên kết vùng, loại hình được nhiều du khách quốc tế yêu thích, các doanh nghiệp cho rằng cần có sự liên kết chặt chẽ quy trình, quy định về du lịch, giao thông, y tế để tạo sự đồng bộ, cơ bản thống nhất trong việc đón, phục vụ và xử lý các trường hợp phát sinh ca mắc Covid-19 theo hướng thuận lợi, an toàn, an tâm cho du khách. Hệ thống cung ứng dịch vụ sau thời gian dài đóng cửa do dịch bệnh cũng là vấn đề cần được chú trọng nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất cho du khách.

“Hiện tại, lượng khách đến khách sạn chủ yếu là khách nội địa. Thời gian qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến doanh thu của khách sạn rất thấp, không đủ để bù chi. Hy vọng khi khách quốc tế quay lại, khách sạn sẽ có thêm doanh thu để chi trả lương cho cán bộ, nhân viên”, bà Vũ Thị Thanh Hiền mong mỏi.

Khởi Minh

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 24/3/2022

Cùng chuyên mục