Non nước Việt Nam

Tiền Giang: Nghệ thuật trang trí liễn đối, hoành phi vùng Gò Công

Cập nhật: 07/06/2021 09:03:41
Số lần đọc: 743
Liễn đối, hoành phi là di sản quý báu mà ông cha ta đã để lại đến ngày hôm nay. Tại vùng Gò Công (tỉnh Tiền Giang) có nhiều đình, chùa, miếu mạo nên nghệ thuật trang trí liễn đối, hoành phi cũng thật phong phú và đa dạng.  


* Nghệ thuật liễn đối

Một cặp liễn gồm hai câu đối, chữ đối chữ, nghĩa đối nghĩa theo nghệ thuật chơi chữ trong thơ văn cổ và thường được treo ở hai vị trí đối xứng trong nhà, đền thờ hay cổng tam quan đình, chùa...

Khu lăng mộ Anh hùng dân tộc Trương Định.

Những gia đình nghèo khó, thì người ta cũng viết những câu đối vào tờ hồng đơn, cất trong hộp và trang trọng để trên gian thờ nhà mình, đó cũng là cách để giáo dục con cháu trong gia đình mình. Tuy nhiên, liễn đối của những gia đình giàu có thường được làm bằng gỗ quý, mỗi vế đối là nửa cây gỗ đã được xẻ đôi, sơn son thếp vàng hay sơn đen khảm xà cừ từng chữ đối. Ngoài việc dùng để trang trí trong gia đình thì liễn đối còn ghi lại những lời răn dạy con cháu những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc; ca ngợi công đức của ông bà, tổ tiên trong dòng họ hoặc cầu mong thái bình, thịnh vượng cho dân chúng. Số chữ trong câu liễn đối ít là năm chữ và nhiều là trên tám chữ.

Thường thì ở Gò Công các câu đối thờ trong gia đình có nội dung sau: Tổ tôn công đức thiên niên thịnh. Tử hiếu tôn hiền vạn đại xương. Dịch nghĩa: Công đức tổ tông nghìn năm thịnh. Hiếu hiền con cháu vạn đời ngay. Hay: Bách thúy tùng thương hàm ca ngũ phúc. Xuân vinh huyên mậu đồng chúc bách linh. Dịch nghĩa: Bách biếc tùng xanh ngợi ca năm phúc. Xuân tươi huyên rậm cùng chúc trăm tròn. Tuy nhiên, đối với những nơi tôn nghiêm như đình, chùa thì có câu liễn mừng: Hoa triêu nhật ấm thanh loan vũ. Liễu nhứ phong hòa tử yến phi. Dịch nghĩa: Sớm hoa ngày ấm loan xanh múa. Liễu bông gió thuận én biếc bay.

Hiện nay, ở Khu di tích văn hóa lịch sử quốc gia Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định tại ấp 2, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, trên trụ cổng vào có cặp liễn đối ngắn bằng chữ quốc ngữ của nhân dân Gò Công đề tặng công đức của ông Trương Định: Gò Công trương chánh khí. Gia Thuận định trung can.

* Trang trí hoành phi

Hoành phi vốn là bức thư họa nằm ngang (tranh chữ) được sử dụng rộng rãi trong dân gian như đình, chùa, nhà thờ họ, nhà ở… Hoành phi có rất nhiều loại, có bức sơn son chữ vàng, có bức sơn đen chữ đỏ, cũng có bức được khảm xà cừ rất cầu kỳ và đẹp mắt. Hoành phi thường làm bằng gỗ mít được chạm lộng, chạm đắp và được gắn với kết nhau thông qua ngàm, mộng chứ không dùng đinh, ốc… Hoành phi cổ thường được cấu tạo theo hai dạng, chính là dạng hình chữ nhật, hình cuốn thư, ngoài ra còn dạng chiếc khánh, quả trám… Chữ viết trên hoành phi là chữ Hán chứ không dùng chữ Nôm và chữ viết trên hoành phi là đại tự, thường theo ba kiểu cơ bản là chữ chân, chữ thảo và chữ triện. Nội dung có khi là tỏ lòng tôn kính của con cháu đối với tổ tiên, những người có công với đất nước, thường có từ ba đến bốn chữ như: Vạn cổ anh linh, Lưu phúc lưu ân, Hộ quốc tí dân (dịch nghĩa: Muôn thuở linh thiêng, Lưu giữ mãi ơn đức, Bảo vệ nước che chở dân), hoặc mang ý nghĩa chúc tụng: Tăng tài tiến lộc, Phúc lộc thọ thành, Gia môn khang thái (dịch nghĩa: Được hưởng nhiều tài lộc, Được cả phúc lộc thọ, Cửa nhà rạng rỡ yên vui)… Những chữ lạc khoản nhỏ hơn được ghi ở một hoặc hai bên bức hoành phi sẽ cho chúng ta biết được thông tin về chủ nhân của bức hoành phi, người viết, người tặng, sự kiện tạo ra bức hoành phi đó, về thời gian xây dựng đình, chùa, nhà thờ họ… Hình trên các bức hoành phi thường trang trí tứ linh (long, lân, quy, phụng), tứ thời (mai, lan, cúc, trúc) hay hình quyển sách, cây bút, thanh gươm… Việc trang trí này sẽ làm nổi bật thêm nội dung của những chữ trên bức hoành phi còn thể hiện sự sáng tạo, thẩm mỹ của người tạo tác bức hoành phi đó.

Các bức hoành phi thường được treo ở những nơi thờ cúng như đình, chùa, nhà thờ họ, phía trên bàn thờ gia tiên, lăng mộ… Vị trí của hoành phi thường treo ngay ngắn nơi chính giữa hoặc treo ở những vị trí trang trọng khác, hướng ra ngoài, cố định và ít di chuyển, tạo cảm giác bền vững, lâu dài. Ở Gò Công, có gia đình chỉ treo tại bàn thờ tổ tiên một bức hoành phi nhưng cũng có gia đình khá giả treo đến hai hoặc ba bức hoành phi trong nhà.

Hiện nay, tại Đình Trung ở thị xã Gò Công (hay còn gọi là Đình làng Thành Phố) được trang trí rất nhiều cặp liễn đối và 02 bộ gồm 06 bức hoành phi ở mặt tiền đình, hậu đình, tòa võ quy và chánh điện... Riêng đối với khu lăng mộ và Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định ở thị xã Gò Công có rất nhiều cặp liễn đối, hoành phi ca ngợi công đức của ông. Hai trụ trước mộ khắc hai cặp liễn đối và bốn trụ thành mộ khắc bốn cặp liễn đối. Trên tấm bia phong chẩm có khắc bài văn kể công trạng của ông bằng chữ Hán. Trên ba cửa trước mộ khắc ba bức hoành phi, cửa chính ghi chữ "Vạn cổ phương danh - Tiếng thơm muôn đời", cửa trái ghi "Đức duy hinh - Chỉ có đức là thơm mãi", cửa bên phải ghi "Minh dã viễn - Vầng sáng tỏa xa".

* Nâng tầm giá trị sống

Nghệ thuật trang trí liễn đối, hoành phi là nét đặc trưng trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người dân Nam bộ nói chung và vùng Gò Công nói riêng. Đây là nét văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần của mỗi người được minh chứng qua thời gian bằng các thủ tục thờ tự, cúng tế tổ tiên đã duy trì theo trật tự một cách lâu đời, để mỗi người khi đọc từng chữ trong liễn đối, hoành phi đều phải trầm ngâm suy nghĩ về ý tứ mà ông bà, tổ tiên mình răn dạy để tu thân giữ đạo cho mình.

Trang trí liễn đối, hoành phi trong thờ tự được xem là việc làm thiêng liêng bởi theo quan niệm của người xưa, mọi điều may rủi đều có ảnh hưởng đến thờ cúng và tế lễ. Việc sắm sửa đồ lễ, bàn thờ trang hoàng thôi cũng chưa đủ, cần phải có hệ thống liễn đối, hoành phi để vừa có tác dụng trang trí vừa biểu lộ tấm lòng của dân làng đối với thần thánh, của con cháu đối với ông bà tổ tiên nhằm để vinh danh, truyền bảo đạo lý và giữ đạo luân thường./.

Lê Hồng Quân

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT