Hoạt động của ngành

Thúc đẩy du lịch với Festival Trà Thái Nguyên

Cập nhật: 24/08/2022 09:24:45
Số lần đọc: 554
Festival Trà Thái Nguyên bắt đầu được tổ chức tại Thái Nguyên từ năm 2011 với những hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn và mang tính cộng đồng. Địa phương này sẽ tiếp tục duy trì và phát triển Festival Trà là một sự kiện văn hóa, du lịch lớn của tỉnh.


Do có thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, cây chè tại Thái Nguyên phát triển tốt và cho ra những sản phẩm trà thơm ngon nổi tiếng cùng chất lượng trà đặc biệt. Thái Nguyên hiện nay có 6 vùng chè đặc sản gồm: Tân Cương, La Bằng, Trại Cài - Minh Lập, Sông Cầu, Tức Tranh, Phú Ninh. Trong đó, vùng chè Tân Cương những năm gần đây đã trở thành điểm du lịch quen thuộc, có giai đoạn đón hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm.

Du khách tham quan đồi chè tại Thái Nguyên. Nguồn: HTX Tâm Trà Thái

Tới các vùng chè ở Thái Nguyên, du khách được giới thiệu về lịch sử cây chè, văn hóa trà; được trực tiếp tìm hiểu, tham gia quy trình sản xuất, tạo thành phẩm và trải nghiệm văn hóa bản địa. Cũng vì thế, Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam bắt đầu được tổ chức tại Thái Nguyên từ năm 2011 với những hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn và mang tính cộng đồng. Festival Trà Thái Nguyên đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị vật thể, phi vật thể của trà Thái Nguyên; thúc đẩy sự phát triển của ngành chè Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

Thấy rõ được vị trí, vai trò của cây chè và văn hóa trà trong phát triển du lịch, tỉnh Thái Nguyên đã xác định việc phát triển du lịch gắn với văn hóa trà làm một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa trà như du lịch cộng đồng; du lịch nông nghiệp; du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng…

Du khách trải nghiệm tại HTX Chè và du lịch cộng đồng Tiến Yên. Ảnh: Bùi Trọng Đại

Dựa theo mục tiêu phát triển này, người dân Thái Nguyên được các hợp tác xã hỗ trợ về nguồn lực, kinh phí, tập huấn kiến thức, kỹ năng để vừa sản xuất chế biến chè, vừa quảng bá sản phẩm của mình tới du khách. Các cơ sở sản xuất chè, hợp tác xã chè như HTX Tâm Trà Thái, HTX chè Hảo Đạt, HTX Chè và du lịch cộng đồng Tiến Yên… đã trở thành mô hình tiêu biểu, đầu tư vào các cơ sở hạ tầng như khu trưng bày, sản xuất và khu lưu trú.

Việc phát triển du lịch gắn với văn hóa trà đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đồng thời quảng bá thương hiệu trà Thái Nguyên đến đông đảo du khách trong và ngoài nước. Thương hiệu trà Thái Nguyên giờ đây không chỉ là sản phẩm nông nghiệp, mà đang từng bước trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng riêng có của tỉnh Thái Nguyên, tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút khách du lịch. Nhằm khai thác thế mạnh mọi mặt của cây chè, tôn vinh người làm chè, giới thiệu, quảng bá sản phẩm và văn hóa trà Thái Nguyên, từ năm 2011 đến nay, tỉnh Thái Nguyên tổ chức 3 kỳ Festival Trà. Đây là sự kiện được đông đảo người dân chờ đợi, đặc biệt là những người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh chè.

Qua 3 kỳ tổ chức, Festival Trà được đánh giá là một lễ hội ấn tượng, thể hiện tinh thần giao lưu, đoàn kết, hội nhập và phát triển của con người xứ Trà; trong đó cây chè, người làm chè được tôn vinh ở vị trí xứng đáng. Ở đó, những người nông dân hiếu khách tự hào với hoạt động sản xuất, chế biến chè gắn với đời sống từ trăm năm nay; được hãnh diện mời bạn bè và du khách thưởng thức các sản phẩm trà thơm ngon, đậm đà đã nổi danh khắp trong và ngoài nước; được giới thiệu những giá trị của văn hoá Trà Việt với đông đảo người dân và du khách trong nước, quốc tế.

Có thể thấy, thông qua các kỳ festival, những mục tiêu trong Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể của trà Thái Nguyên đã đạt được, khẳng định Thái Nguyên là vùng đất “Đệ nhất danh trà”. Thành công của các kỳ Festival Trà đã tạo niềm tin cho người trồng chè cũng như các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh sản phẩm trà. Sau các kỳ Festival Trà, ngành chè Việt Nam được biết đến nhiều hơn; tầm vóc, vai trò, giá trị của cây chè và sản phẩm trà, đời sống người trồng chè được nâng lên rõ rệt. Chè Thái Nguyên bán được giá cao hơn, sản phẩm chè được đầu tư chăm chút hơn cả về hình thức lẫn chất lượng. Ngành chè và người làm chè được tôn vinh, có chỗ đứng vững chắc trong nền kinh tế.

Ngoài việc đem lại giá trị kinh tế lớn, nhiều vùng chè đặc sản nổi tiếng như: Tân Cương, Phúc Trìu, Trại Cài, La Bằng, Phúc Thuận… đã và đang là những điểm du lịch cộng đồng thu hút sự chú ý của nhiều du khách khi đến với Thái Nguyên. Đặc biệt hơn, đó là tư duy, nhận thức của các cấp chính quyền, của các doanh nghiệp và người dân đã thay đổi khi tỉnh Thái Nguyên xác định cây chè vừa là cây trồng chủ lực, đồng thời cây chè và văn hóa Trà là tài nguyên du lịch, đặc biệt là thương hiệu du lịch của tỉnh. Từ đó, nhiều cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người trồng chè, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh chế biến chè có cơ hội được phát triển. Nhiều nguồn lực đã được đầu tư cho chè và người sản xuất, chế biến chè; nhiều giải pháp để tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm du lịch gắn với cây chè cũng được triển khai thực hiện.

Tư duy, nhận thức của người làm chè có những bước chuyển biến rõ nét. Giờ đây, người ta không chỉ nói đến việc làm ra sản phẩm chè ngon, chè sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, đậm đà hương vị truyền thống. Mà còn cần phải phát triển sản phẩm du lịch gắn với cây chè và văn hóa trà nhằm nâng tầm giá trị cây chè, góp phần xuất khẩu sản phẩm tại chỗ, giải quyết đầu ra cho sản phẩm, đóng góp sự phát triển kinh tế bền vững. Từ những hiệu quả lớn do Festival Trà mang lại, chắc chắn tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục duy trì và phát triển Festival Trà là một sự kiện văn hóa, du lịch lớn của tỉnh./.

Hải Nam

 

Nguồn: VOV - vov.vn - Ngày đăng 24/8/2022

Cùng chuyên mục