Tin tức - Sự kiện

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt: Phục hồi du lịch là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh bình thường mới hiện nay

Cập nhật: 26/12/2021 09:52:22
Số lần đọc: 679
(TITC) - Tại phiên chuyên đề Hội thảo Du lịch năm 2021 “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” vừa khai mạc sáng 25/12, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đã có bài tham luận về Định hướng giải pháp phục hồi, phát triển du lịch.  

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt

Theo đó, đại dịch COVID-19 là biến cố chưa từng có đối với ngành du lịch toàn cầu cũng như đối với du lịch Việt Nam. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cũng ghi nhận đây là điều tồi tệ nhất trong chuỗi lịch sử phát triển của du lịch thế giới từ năm 1950 và đặt dấu chấm hết cho giai đoạn 10 năm tăng trưởng liên tục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2009. Đến nay, ngành du lịch tại nhiều quốc gia trong năm 2021 cũng đã có những bước đi đầu tiên để dần phục hồi, trong đó có cả Việt Nam.

Thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những chủ trương, chính sách kịp thời hỗ trợ khó khăn đối với doanh nghiệp, người lao động và hiện tại đang triển khai các hoạt động phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới. Với chương trình tiêm chủng quốc gia lớn nhất đã và đang được triển khai, ngành du lịch bắt đầu tái khởi động với các chương trình du lịch nội địa, thí điểm chương trình “Hộ chiếu vắc-xin” tại 5 địa phương Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh, tiến tới nhân rộng sang các địa phương trong cả nước.

Chính vì thế, hơn lúc nào hết, những vấn đề liên quan đến phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới và trong tương lai là vô cùng cấp thiết để du lịch Việt Nam nhanh chóng hòa mình vào xu thế chung của thế giới, tận dụng cơ hội, tạo đà nâng cao vị thế và sức cạnh tranh trên bản đồ du lịch toàn cầu.

Du lịch Việt Nam trước tác động của đại dịch COVID-19 và xu hướng phục hồi trong tương lai

Việt Nam trong suốt 4 đợt bùng phát của dịch COVID-19, các hoạt động du lịch quốc tế đóng cửa hoàn toàn, khách nước ngoài chủ yếu là các chuyên gia, khách công vụ. Du lịch nội địa hoạt động phụ thuộc vào chu kì bùng phát dịch và diễn ra hết sức cầm chừng. Năm 2020, lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34%; tổng thu từ du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59%. Năm 2021, tình hình càng tồi tệ hơn với đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh trong cả nước, khiến các hoạt động kinh tế, xã hội của phần lớn tỉnh/thành trong cả nước đình trệ nhiều tháng, khách du lịch quốc tế chưa đón, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Các quy định giãn cách phòng chống dịch, đóng cửa các điểm tham quan du lịch và dừng hầu hết các dịch vụ cung ứng du lịch làm chuỗi dịch vụ đứt gãy nghiêm trọng. Trong năm 2020, có 338/2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp lữ hành đóng cửa; sang năm 2021, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 35% tổng số đã được cấp phép, phần lớn dừng hoạt động. Lĩnh vực lưu trú chiếm 46% trong cơ cấu tổng thu của ngành du lịch Việt Nam cũng phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách, trừ các cơ sở đón khách cách ly. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các điểm tham quan, di tích, khu vui chơi giải trí... đều bị thiệt hại lớn khi không có khách du lịch, đến nay vẫn chưa mở cửa hoàn toàn.

Nhân lực ngành du lịch phần lớn bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc cầm chừng. Từ năm 2020, các doanh nghiệp lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70- 80%. Sang năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động làm việc cầm chừng chiếm 10%.

Vượt qua đợt dịch thứ 4 cùng chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19, Việt Nam đang từng bước dần quay trở lại cuộc sống bình thường mới, với mục tiêu mới Chính phủ đã xác định là công tác phòng chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội, chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19’’.

Trong lĩnh vực du lịch, thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ, ngày 07/9/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL triển khai các chính sách, biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành. Tiếp đến thực hiện Nghị quyết số 128/NQCP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Hướng dẫn tạm thời số 3862/HD-BVHTTDL ngày 18/10/2021 trong hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch và Văn bản số 4122/HD-BVHTTDL ngày 05/11/2021 về hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam.

Đồng thời với chỉ đạo thực hiện các giải pháp trước mắt ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã chỉ đạo ngành Du lịch tích cực triển khai các nhiệm vụ Quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia, xây dựng Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021-2026 trình Thủ tướng Chính phủ, chủ động phê duyệt Chương trình hành động phát triển du lịch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các nhiệm vụ trọng tâm khác, phù hợp với tình hình mới nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát, khống chế.

Trước bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam đang trong tầm kiểm soát tương đối tốt, đây sẽ là điều kiện tiên quyết mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch mau chóng tái khởi động, phục hồi và phát triển trong những giai đoạn tới. Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen sống, sinh hoạt cũng như nhu cầu của con người, những xu hướng du lịch sau đại dịch có thể được dự đoán như: 1) Xu hướng du lịch đến những nơi an toàn tránh dịch bệnh; 2) Xu hướng ứng dụng công nghệ nhằm quản lý đảm bảo an toàn, cũng như các dịch vụ hạn chế tiếp xúc; 3) Xu hướng du lịch theo những nhóm nhỏ; 4) Xu hướng du lịch ngắn ngày và đặt dịch vụ cận ngày; 5) Xu hướng lựa chọn các hoạt động nghỉ dưỡng, gần gũi với thiên nhiên, thưởng thức văn hóa ẩm thực.

Để kịp thời nắm bắt xu thế và thích ứng linh hoạt, một số vấn đề đặt ra để phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới được xác định, cụ thể:

1. Vấn đề kiểm soát dịch bệnh, trên thế giới, các làn sóng dịch vẫn có nguy cơ diễn ra khi tiến hành mở cửa ở quy mô cùng với sự xuất hiện nhiều biến chủng vi rút mới là vấn đề đáng quan ngại. Tại Việt Nam, cùng với chiến dịch tiêm chủng toàn quốc, vẫn phải lưu ý đến vấn đề chênh lệch lớn độ bao phủ vắc-xin giữa các địa phương, cũng như sự chưa thống nhất về quy trình và quy định kiểm soát an toàn, cách ly giữa các địa phương.

2. Vấn đề khó khăn của các doanh nghiệp, trải qua liên tiếp các đợt dịch kéo dài đã khiến các doanh nghiệp du lịch càng lâm vào tình cảnh khó khăn, kiệt quệ, vấn đề đặt ra là làm sao hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì và phục hồi trong bối cảnh mới.

3. Vấn đề nhân lực du lịch, đại dịch kéo dài đã khiến lao động trong ngành du lịch lâm vào tình cảnh thất nghiệp, hay chuyển việc. Tâm lí e ngại những rủi ro trong tương lai và một bộ phận nhân lực đã ổn định ở vị trí việc làm mới sẽ là 4 khó khăn rất lớn để thực hiện được những định hướng và mục tiêu của ngành đề ra trong bối cảnh mới.

4. Vấn đề xúc tiến quảng bá và thu hút thị trường khách, khi du lịch thế giới phục hồi, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu, cần phải làm gì trong xúc tiến quảng bá để tạo ưu thế so với đối thủ mạnh sẽ là bài toán lớn đặt ra đối với du lịch Việt Nam.

5. Vấn đề chất lượng sản phẩm, là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế sau đại dịch, phải làm sao nâng cao chất lượng sản phẩm trong bối cảnh doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, nguồn lao động suy giảm.

Đề xuất một số giải pháp phục hồi, phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới

1) Chỉ đạo tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023, tạo đà cho du lịch phục hồi và đóng góp ngày càng hiệu quả cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước;

2) Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, lao động ngành du lịch vượt qua khó khăn hiện nay;

3) Chỉ đạo ban hành các cơ chế, chính sách mới, ưu tiên, theo hướng tạo thuận lợi cho ngành du lịch tiếp tục phát triển như: phát triển hạ tầng du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam (visa, xét duyệt nhân sự nhập cảnh tại chỗ, tăng thời gian miễn thị thực...), cho phép thành lập văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển các sản phẩm du lịch ban đêm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, du lịch trải nghiệm cộng đồng hướng tới phát triển bền vững...;

4) Đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển công nghệ liên quan đến du lịch nhằm tạo điều kiện nâng cao hiệu quả vận hành, quản lý, tăng cường sáng tạo các sản phẩm du lịch độc đáo, đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới. Thúc đẩy xu hướng du lịch hạn chế tiếp xúc thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong phục vụ du lịch; liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ trong sáng tạo và đưa ra các giải pháp công nghệ phục vụ du lịch an toàn;

5) Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn bình thường mới; tăng cường chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho giai đoạn phục hồi của ngành thông qua các chương trình đào tạo thực tiễn tại các doanh nghiệp, triển khai rà soát và xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực tương lai chất lượng cao.

Trong những tháng cuối năm 2021, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đã và đang dần được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều tỉnh/thành trong cả nước đã sẵn sàng chuẩn bị các phương án để tái khởi động, phục hồi du lịch nội địa, hướng tới chính thức mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế. Không thể phủ nhận rằng, nguy cơ bùng phát lại dịch bệnh là hoàn toàn có thể xảy ra nếu các quy định và điều kiện đảm bảo an toàn chưa được thống nhất và kiểm soát thật tốt. Tuy nhiên, kịch bản lạc quan về một tương lai sống chung với COVID-19 là điều hoàn toàn có thể xảy ra và khi ấy, nhu cầu du lịch của con người chắc chắn sẽ tăng mạnh.

Chính vì thế, du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Một lộ trình tái khởi động và phục hồi cho ngành du lịch Việt Nam là vô cùng cần thiết để đảm bảo từng bước đi vững chắc, tạo đà bứt phá trong tương lai khi đại dịch đi qua.

Trung tâm Thông tin du lịch

 

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT