Hoạt động của ngành

Thu hút khách du lịch từ nét đặc sắc địa phương

Cập nhật: 21/09/2022 08:09:58
Số lần đọc: 530
Sau một thời gian phát động chương trình “Mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút khách du lịch”, đến nay hơn 50% quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã cho ra mắt các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng.


Khám phá các vườn cây trái tại huyện Củ Chi.

Khai thác chất riêng

Chỉ tính riêng trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, du lịch TP Hồ Chí Minh đã chứng tỏ sự phục hồi khả quan khi đón hơn 920 nghìn lượt khách trong bốn ngày, doanh thu khoảng 2.740 tỷ đồng. Nhiều tour mới như “Sài Gòn di sản trăm năm”, “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn”, “Sài Gòn rong ca chiều thứ bảy”, “Củ Chi - Đất thép thành đồng”... đã được các địa phương triển khai, được phản hồi tích cực từ phía du khách nội địa lẫn quốc tế.

Chị Lê Thanh Mai, du khách từ Hà Nội chia sẻ: “Nếu như trước kia tôi đến TP Hồ Chí Minh chỉ loanh quanh khu quận 1 rồi đi ăn hay mua sắm xong đặt tour tham quan miền Tây thì giờ có rất nhiều city tour thú vị để khám phá. Cả nhà tôi trải nghiệm được nhiều tour ngắn, đa dạng điểm đến mà không phải di chuyển xa. Tôi thích điểm đến gắn liền với địa phương vì du khách được biết thêm nhiều thông tin hấp dẫn, thời gian trải nghiệm cũng nhiều hơn, giá cả cũng phù hợp vì đi nửa ngày hoặc về trong ngày”.

Mới đây, quận Tân Bình và quận Gò Vấp là hai địa phương tiếp theo tại TP Hồ Chí Minh giới thiệu chương trình du lịch “Tân Bình - Biết bao điều thú vị” và “Gò Vấp - Trăm năm tìm lại dấu xưa”. Tại quận Gò Vấp, du khách trải nghiệm nhiều điểm đến độc đáo như Miếu nổi Phù Châu có tuổi đời gần 300 năm trên dòng sông Vàm Thuật; đình Thông Tây Hội - ngôi đình cổ nhất của vùng đất Gia Định xưa và của miệt đất phương Nam còn tồn tại đến ngày nay... Nhà thờ Hạnh Thông Tây và làng nghề đúc lư đồng cũng được đưa vào danh sách điểm đến của chương trình. Đại diện UBND quận Gò Vấp cho biết, Gò Vấp có nhiều điểm đến văn hóa, lịch sử lâu đời nhưng không phải người dân và du khách nào cũng biết đến. Thời gian tới địa phương sẽ thêm nhiều chương trình để kích hoạt thế mạnh du lịch hiện có.

Còn tại quận Tân Bình, du khách được tham quan Bảo tàng lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ, viếng chùa Giác Lâm - ngôi chùa cổ nhất Nam Bộ với gần 300 năm tuổi, ghé Nhà hàng chay Zenhouse với những món ăn đậm chất sông nước trước khi thử tài làm nến thơm, một sản phẩm quà tặng được nhiều người yêu thích. Theo ông Lê Hoàng Hà, Bí thư Quận ủy Tân Bình, tận dụng lợi thế đặc thù gần sân bay Tân Sơn Nhất và các quận lân cận như Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú… Tân Bình đang hình thành không gian du lịch chung, kết nối các điểm đến để thu hút thêm nhiều du khách. Quận tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, du lịch trải nghiệm, du lịch kết hợp môn thể thao đánh golf và tạo ra nhiều không gian cho du khách tìm hiểu về những nét độc đáo trong văn hóa, sinh hoạt của người dân địa phương.

Du khách tham quan Bảo tàng lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ.

Tận dụng tài nguyên du lịch

Sở hữu 13 tài nguyên du lịch văn hóa, 21 công trình nhân tạo hấp dẫn và đặc trưng, TP Thủ Đức có nhiều lợi thế khai thác du lịch sinh thái, trải nghiệm sản xuất, nuôi trồng; du lịch tâm linh gắn với thăm viếng các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; du lịch về nguồn gắn với các lễ hội, nghệ thuật truyền thống; du lịch vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực, sự kiện văn hóa - thể thao… Khai thác thành công thế mạnh du lịch của TP Thủ Đức, Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch và Thương mại TST (TSTtourist) đã thiết kế được nhiều tour/tuyến dựa theo nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương, đón nhận ý kiến phản hồi rất khả quan. Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing TSTtourist cho biết, hơn một năm nay, mỗi tuần công ty này đều tổ chức các đoàn khách đến với TP Thủ Đức qua các tour: “Thành phố xanh bên dòng sông Sài Gòn” hay “Thành phố xanh Thủ Đức”…

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, trên cơ sở 366 tài nguyên du lịch đã được công bố, từ sau giai đoạn kiểm soát dịch Covid-19 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có 30 chương trình du lịch đưa vào khai thác và 20 sản phẩm đang được khảo sát, hoàn thiện, đưa vào khai thác tại các quận, huyện. Từ nay đến cuối năm, ngành du lịch thành phố sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ban, ngành, các quận, huyện khảo sát, thiết kế các tour/tuyến du lịch nội vùng dựa theo tiềm năng và điều kiện sẵn có của từng địa phương. Hàng chục điểm tham quan, sản phẩm du lịch về đêm đang được ngành du lịch và các đơn vị, sở, ngành liên quan tập trung đầu tư, tôn tạo, hoàn chỉnh đề án xây dựng kết nối tour, tuyến.

Theo nhiều chuyên gia, các quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh cần học hỏi, trao đổi, kết nối với nhau để chọn ra thế mạnh đặc thù, tránh sự trùng lặp điểm đến. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là giới thiệu cho được cái hay, cái đẹp của vùng đất và con người. Thay vì đưa ra quá nhiều điểm đến rồi chỉ tham quan kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, cần chọn lọc kỹ lưỡng, đầu tư vào phần nội dung và hoạt động trải nghiệm giúp du khách mang về những kỷ niệm đáng nhớ sau mỗi chuyến đi. Kết hợp ẩm thực trong phát triển du lịch cũng là thế mạnh cần được phát huy. Theo ông Lê Trần Trường An, Tổng Giám đốc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, nếu mỗi nơi biết cách phát triển song hành ẩm thực với du lịch một cách chuyên nghiệp thì sẽ tạo được dấu ấn tốt bởi đây là hai yếu tố không nên tách rời. Ẩm thực Việt Nam rất phong phú, nhiều món ăn ngon, đặc sản quà tặng cũng độc đáo, nếu kết hợp khéo léo sẽ tạo ra điểm nhấn thú vị cho từng điểm đến. “Hiện nay, chúng ta chưa khai thác hết thế mạnh của ẩm thực Việt Nam, nhất là tại từng địa phương nên chưa có sự đầu tư đúng mức, chưa tạo ra bước đột phá. Kể cả những nghệ nhân ẩm thực cũng chưa được hỗ trợ đúng mức để tạo ra “bản quyền ẩm thực”. Chúng ta phải khai thác ẩm thực như tài sản trí tuệ của người đầu bếp/nghệ nhân thì mới tạo ra tài sản đủ lớn của sân chơi ẩm thực. Việc này cần sự sáng tạo, chung tay từ nhiều phía”, ông An gợi mở.

Bài và ảnh: Khởi Minh

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 20/9/2022

Cùng chuyên mục