Non nước Việt Nam

Thái Nguyên: Giá trị hội làng nơi đình cổ Phương Độ

Cập nhật: 24/11/2021 05:01:06
Số lần đọc: 880
Với những giá trị tiêu biểu về nghi lễ truyền thống, ngày 30/01/2018, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội truyền thống đình Phương Độ (xã Xuân Phương, Phú Bình) là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Người dân làng Phương Độ luôn tự hào, gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp nhằm lưu truyền cho muôn đời sau…  


Đình Phương Độ, xã Xuân Phương (Phú Bình).

Lễ hội truyền thống đình Phương Độ gắn với tục thờ danh tướng Dương Tự Minh - một vị tướng tài của dân tộc dưới triều Lý (thế kỷ XI - XII) đã có công đánh đuổi giặc Tống, bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía Bắc nước Đại Việt. Hằng năm, tại đình Phương Độ diễn ra 3 kỳ lễ tính theo Âm lịch: Lễ khai đài cầu phúc diễn ra vào ngày 14 và 15 tháng Giêng; Tiểu lệ (hay còn gọi là Lễ Thượng điền) vào ngày 10/4 và Đại lệ (Lệ của làng) diễn ra vào ngày 10/10.

Ông Hoàng Văn Nho, người phụ trách phần tế lễ tại Lễ hội cho biết: Lễ hội đình Phương Độ có từ thời xa xưa, chúng tôi cũng không biết cụ thể là từ năm nào. Chỉ biết rằng, để phục vụ các kỳ lễ trong năm, dân làng chuẩn bị chu đáo, tươm tất những lễ vật (sản vật của địa phương) bằng tất cả lòng thành kính để dâng lên đức Thánh.

Trong 3 kỳ lễ thì ngày Đại lệ là ngày lễ quan trọng nhất năm. Bà con trong làng tổ chức gói bánh chưng, giã bánh dày dâng lên đức Thánh. Sau phần tế lễ thì đến phần khai hội với các trò chơi dân gian thu hút đông khách thập phương. Cũng tại đây, người dân trao đổi kinh nghiệm sản xuất, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, những người con xa quê có dịp trở về, thắt chặt tình làng nghĩa xóm…

2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Lễ hội không được tổ chức quy mô như mọi năm nhưng phần Nghi lễ vẫn trang trọng và đầy đủ.

Đình Phương Độ được xây dựng vào thế kỷ XV, là di tích mang đặc trưng của kiến trúc thời hậu Lê với phần mái đình được làm bằng ngói mũi, trang trí theo kiểu “Lưỡng long chầu nguyệt”; gác chuông được xây 3 tầng; trước cổng đình là ao bán nguyệt.

Đình được dựng lên bởi 48 cột bằng gỗ lim, đường kính 0,3-0,5m. Ở trong Đình, trên - dưới các đầu trụ, xà ngang, xà dọc đều được trang trí hoa văn, chạm trổ các bộ “Tứ linh” (Long - Ly - Quy - Phượng) khéo léo, công phu.

Hiện trong đình còn lưu giữ các hiện vật có giá trị như: Một sắc phong và 2 bức Đại tự thờ Dương Tự Minh thời Khải Định; Bàn hương án cuối thời hậu Lê đầu thời Nguyễn; Bát hương sành cổ (thời hậu Lê); Hai cây nến đồng cao 0,8m (thời hậu Lê) và các đồ vật quý như: Kiệu, bát hương, hương án… được trang trí và trạm trổ hoa văn tinh tế.

Ông Đồng Văn Vừa, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích đình chùa Phương Độ cho biết: Để giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào của người dân trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị của Lễ hội truyền thống, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, huyện Phú Bình luôn quan tâm đề xuất các phương án bảo tồn, tu bổ di tích một cách hiệu quả. Tuy nhiên, đình Phương Độ tồn tại đến nay đã trên 600 năm, một số hạng mục như cột, mái… bị xuống cấp. Vì thế, chúng tôi mong các cấp, ngành quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn, tu bổ đình để nghi lễ truyền thống này tồn tại mãi trong tâm thức người dân địa phương cũng như du khách gần xa…

Việt Hùng

Nguồn: Báo Thái Nguyên

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT