Hoạt động của ngành

Tân Uyên (Bình Dương): Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái

Cập nhật: 14/05/2020 07:32:40
Số lần đọc: 1944
Với những lợi thế về tự nhiên, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã và đang đẩy mạnh phát triển du lịch trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và sản phẩm du lịch sẵn có trên địa bàn.

Ông Dương Văn Minh giới thiệu với du khách về kỹ thuật trồng bưởi trên đất Bạch Đằng

 Phát huy lợi thế

Địa bàn TX.Tân Uyên, nơi có sông Đồng Nai chảy qua được thiên nhiên ban tặng khung cảnh thơ mộng, hữu tình, phù hợp để phát triển du lịch sinh thái. Cù lao Bạch Đằng nổi tiếng với bưởi đặc sản đã tạo được thương hiệu uy tín trên thị trường. Cù lao Thạnh Hội với di tích cấp quốc gia - di tích khảo cổ học Cù lao Rùa, những mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao… là điều kiện lý tưởng để phát triển loại hình du lịch trải nghiệm. Thêm vào đó, hiện trên địa bàn thị xã có 10 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia và 9 di tích cấp tỉnh, hàng năm thu hút khoảng 20.000 lượt khách tham quan là trong những điều kiện thuận lợi để liên kết, xây dựng các điểm đến thú vị cho du khách.

TX.Tân Uyên phấn đấu năm 2020 phục vụ 1.000 - 1.200 lượt khách, tạo việc làm cho người dân tại các khu du lịch. Trong đó, thị xã sẽ chọn một số hộ gia đình có điều kiện làm du lịch để làm mẫu, hỗ trợ về phát triển dịch vụ giải trí, ẩm thực, cách quản lý… hỗ trợ hộ nông dân quảng bá nông sản, tiếp thị sản phẩm với du khách, định hướng các loại hình văn hóa giải trí phù hợp. Thị xã hiện đang khảo sát xây dựng bến thủy tại các địa phương dọc bờ sông Đồng Nai và tại các điểm dừng chân nghỉ dưỡng, tạo điều kiện đưa khách vào tham quan.

Theo quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, TX.Tân Uyên được chọn là điểm phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần trên Cù lao Bạch Đằng và Cù lao Thạnh Hội. Thời gian qua, thực hiện quy hoạch, đề án nói trên, thị xã đã chọn 2 xã Bạch Đằng và Thạnh Hội để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch sinh thái, kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng. Trên cơ sở đó, thị xã đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực.

Bà Nguyễn Thị Kim Nguyên, Phó Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên, cho biết kế hoạch phát triển du lịch TX.Tân Uyên giai đoạn 2018- 2020 xác định rõ mục tiêu phát triển du lịch thị xã trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và các sản phẩm du lịch sẵn có trên địa bàn thị xã. Triển khai kế hoạch này, UBND thị xã chỉ đạo thực hiện các nội dung về kết nối trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tại điểm dừng chân, khu du lịch nghỉ dưỡng; đồng thời kết nối tuyến du lịch ven sông Đồng Nai, các điểm tham quan trên địa bàn thị xã như vườn bưởi, di tích...

Thị xã đã hỗ trợ xã Bạch Đằng khai thác tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch xanh, du lịch hộ gia đình; hỗ trợ nông dân quảng bá, giới thiệu nông sản trưng bày, tiếp cận thị trường phát triển du lịch. Riêng đối với đội ngũ phát triển du lịch, thị xã duy trì và phát triển các câu lạc bộ đờn ca tài tử - cải lương, gắn sinh hoạt, hoạt động của các câu lạc bộ này với tour du lịch, giao lưu phục vụ du khách tại các khu, điểm tham quan.

Mời gọi đầu tư

Trao đổi với chúng tôi về giải pháp để nâng tầm các loại hình dịch vụ nhằm hướng đến phát triển du lịch bền vững, ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên, cho biết Đảng bộ, chính quyền thị xã luôn xác định vai trò, tầm quan trọng của việc thu hút, duy trì đầu tư lâu dài trong việc phát triển du lịch. Thời gian qua, thu hút và giữ chân các nhà đầu tư là giải pháp tiên quyết trong 4 nhóm giải pháp thị xã đưa ra để phát triển du lịch. Việc mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư dịch vụ du lịch tại thị xã sẽ góp phần quan trọng vào phát triển cơ sở vật chất, hệ thống dịch vụ du lịch trên địa bàn. Trong thời gian tới, thị xã tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển hệ thống khách sạn, nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn kèm với các dịch vụ vui chơi, giải trí phục vụ được lượng khách lớn. Thị xã cũng tiếp tục xã hội hóa đầu tư hệ thống hạ tầng đường giao thông, điểm dừng chân, bãi đỗ xe, xây dựng nhà hàng, quán ăn có những món ăn truyền thống của người dân Nam bộ nói chung, món ăn đặc trưng của Tân Uyên nói riêng để xây dựng thương hiệu gắn với dịch vụ ăn uống...

Để thực hiện tốt nhiệm vụ nói trên, thị xã đã đề ra giải pháp chủ yếu là kết nối các sản phẩm du lịch. Theo đó, thị xã tập trung kết nối trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, hoa, cây kiểng tại các điểm dừng chân, khu du lịch nghỉ dưỡng; kết nối các đơn vị lữ hành trong và ngoài thị xã, kết nối tuyến du lịch ven sông Đông Nai, xây dựng các tour du lịch sinh thái, tham quan kết nối với các điểm di tích lịch sử - văn hóa và đình, chùa, miếu trên địa bàn thị xã...

Bên cạnh những thuận  lợi, việc phát triển du lịch tại xã Bạch Đằng hiện vẫn còn những khó khăn cần sớm giải quyết. Khó khăn trước hết là công tác phối hợp, mời gọi công ty du lịch đến khảo sát, phát triển các dịch vụ vẫn chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, việc kinh doanh du lịch tại các hộ gia đình trong xã còn mới nên người dân chưa có kinh nghiệm, chưa mạnh dạn đầu tư... Để giải quyết những khó khăn này, trong thời gian tới địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền về hiệu quả của việc phát triển du lịch trên địa bàn; tiếp tục giới thiệu quảng bá du lịch, phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp khảo sát, xây dựng các tour du lịch đến địa phương…

 Cuối năm 2019, TX.Tân Uyên đã tổ chức tuyến du lịch thí điểm đầu tiên đưa nhiều đoàn khách tham quan theo lộ trình từ trung tâm thị xã qua khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi (xã Vĩnh Tân) đến nhà cổ Đỗ Cao Thứa (ấp Bình Hưng, xã Bạch Đằng) qua vườn bưởi ông Dương Văn Minh (ấp Điều Hòa, xã Bạch Đằng) về Đình Tân Trạch (ấp Tân Trạch, xã Bạch Đằng), điểm cuối là dùng cơm trưa và giao lưu đờn ca tài tử tại quán ăn ven bờ sông Đồng Nai. Các tuyến du lịch này là sự kết hợp giữa điểm tham quan di tích lịch sử mang tính giáo dục truyền thống yêu nước, vừa giúp du khách hiểu thêm về cuộc sống của những người nông dân xứ bưởi, tìm về thiên nhiên trong lành, xanh mát. Theo Phòng Văn hóa và Thông tin TX.Tân Uyên - cơ quan thường trực ban tổ chức các tuyến du lịch - ban tổ chức và các cơ quan phối hợp chủ vườn, cơ sở kinh doanh trong việc phục vụ khách tham quan. Qua đó, rút kinh nghiệm khắc phục hạn chế, phát huy điểm mạnh.

 KHẢI ANH

 

Nguồn: Báo Bình Dương

Cùng chuyên mục