Hoạt động của ngành

Quảng Trị: Cần nâng cao hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng ở Hướng Hóa

Cập nhật: 16/12/2020 08:35:20
Số lần đọc: 633
Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) là huyện miền núi có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Nơi đây khí hậu ôn hòa, cảnh quan phong phú, đa dạng và đa phần còn giữ nguyên nét hoang sơ; có sức hấp dẫn rất lớn về giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa đặc sắc, ẩm thực đặc trưng của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô...Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cộng đồng ở huyện bấy lâu chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu bền vững, cần có giải pháp để nâng cao hiệu quả của mô hình này.

Một mô hình du lịch cộng đồng được đầu tư khá bài bản, thu hút khách ở Hướng Hóa - Ảnh: NVCC​

Để thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, thời gian qua huyện Hướng Hóa huy động nhiều nguồn lực tôn tạo các di tích lịch sử cấp quốc gia; xây dựng các công trình tâm linh độc đáo như Bảo Tháp, nhà thờ tại Khu Văn hóa tâm linh huyện, Cao điểm 689…, góp phần thu hút du khách đến tham quan các di tích lịch sử, thưởng ngoạn những điểm hấp dẫn, mới lạ ở địa phương. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển các mô hình du lịch cộng đồng như xây dựng vườn hoa, vườn cây ăn quả, rau sạch, trang trại tổng hợp, nhà nghỉ dưỡng, dịch vụ các món ăn, thức uống truyền thống của người dân bản địa…Nhờ vậy, từ năm 2018 đến nay bình quân lượt khách du lịch hằng năm đến huyện tăng từ 10-16%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy, du lịch cộng đồng ở Hướng Hóa còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính hệ thống và bền vững, chưa khai thác được tiềm năng thế mạnh của vùng miền. Hiện nay, trên địa bàn huyện mới chỉ có 1 mô hình farmstay của anh Hoàng Thông là doanh nhân ở Huế được đầu tư khá bài bản tại thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng. Mô hình này bao gồm nhà nghỉ lưu trú, khu vườn cà phê, vườn cây ăn quả, các loại hoa phong lan, hoa anh đào, hoa hồng… và các dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch ở lại ngắm phong cảnh hữu tình, hít thở không khí trong lành ở miền sơn cước. Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng mô hình đã thu hút khá đông khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện mô hình này doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, cần được hỗ trợ để phát triển lâu dài.

Anh Hoàng Thông cho biết: “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi đó là nguồn nhân lực làm du lịch chuyên nghiệp và sự liên kết tour tuyến, quảng bá mô hình rộng rãi. Đây là mô hình du lịch cộng đồng, góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân bản địa, đặc biệt là duy trì và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái ở huyện nên rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Do đó, chúng tôi mong muốn nhận được các chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ quảng bá du lịch cộng đồng; khuyến khích, tạo điều kiện để người dân trong vùng tham gia cung cấp dịch vụ du lịch cộng đồng, chung tay xây dựng, phát triển mô hình”.

Ngoài mô hình farmstay của anh Hoàng Thông thì các mô hình du lịch cộng đồng còn lại trên địa bàn huyện chỉ mới dừng ở mức độ manh nha ý tưởng và thử nghiệm. Nguyên nhân du lịch cộng đồng phát triển còn manh mún chủ yếu do các điểm có tiềm năng phát triển du lịch ở Hướng Hóa vẫn chưa được đưa vào quy hoạch cấp tỉnh nên rất khó khăn cho việc quảng bá cũng như kêu gọi các nhà đầu tư. Đến nay huyện vẫn chưa xây dựng được sản phẩm du lịch rõ ràng mà chủ yếu theo hình thức tự phát; chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng chưa đáp ứng yêu cầu...

Để du lịch cộng đồng phát triển có chiều sâu, đem lại hiệu quả bền vững và lâu dài, huyện Hướng Hóa cần đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm về phát triển du lịch phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, xu thế hội nhập. Khai thác du lịch trên cơ sở tôn trọng yếu tố tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên. Xây dựng sản phẩm du lịch cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Phát huy các lợi thế sẵn có tại địa phương như các mô hình du lịch ngắm hoa, điện gió và trải nghiệm đời sống của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô; tắm suối, cắm trại, vui chơi, nghỉ dưỡng.

Tiến hành quy hoạch các điểm du lịch, ưu tiên đầu tư về hạ tầng, cải tạo, nâng cấp môi trường, cơ sở vật chất phục vụ du khách ăn, nghỉ; khôi phục các nghề thủ công truyền thống; bảo tồn, phục dựng các loại hình văn hóa nghệ thuật, lễ hội truyền thống; hỗ trợ các hộ gia đình trang bị cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ khách và trang bị kiến thức kinh doanh loại hình du lịch homestay, farmstay. Đầu tư, triển khai xây dựng các làng văn hóa du lịch dân tộc Vân Kiều, Pa Kô như làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan lát, nhạc cụ dân tộc; hỗ trợ sản xuất hàng lưu niệm đặc trưng của địa phương phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh quảng bá du lịch cộng đồng và tăng cường liên kết vùng. Phối hợp, liên kết với các địa phương trong khu vực và trên Hành lang kinh tế Đông - Tây trong xây dựng sản phẩm du lịch chung, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch vùng, liên kết trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Nếu được quan tâm đầu tư bài bản, mô hình du lịch cộng đồng ở Hướng Hóa sẽ phát triển với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, hấp dẫn, trở thành tâm điểm thu hút đông đảo khách đến trải nghiệm văn hóa và di sản địa phương. Bà Nguyễn Thị Huyền, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa cho biết: “Thời gian tới, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tiếp tục tham mưu UBND huyện triển khai các nội dung của kế hoạch phát triển du lịch huyện Hướng Hóa tầm nhìn đến năm 2030, trong đó lấy du lịch cộng đồng làm điểm nhấn vì đây là mô hình khai thác được tiềm năng, lợi thế nhiều mặt của huyện. Qua đó, khuyến khích người dân cùng tham gia mô hình, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân làm du lịch cộng đồng. Đẩy mạnh quảng bá rộng rãi về tiềm năng, thế mạnh của địa phương nhằm thu hút khách du lịch cũng như kêu gọi đầu tư”.

 

Kô Kăn Sương

Nguồn: Báo Quảng Trị

Cùng chuyên mục